BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thay đổi hành vi tiêu dùng để bảo vệ môi trường 

Cập nhật ngày: 14/10/2023 - 07:23

BTN - Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện mục tiêu “đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần”

Đoàn viên Chi đoàn Báo Tây Ninh sử dụng ly tre giảm thiểu rác thải nhựa.

Rác thải nhựa dùng một lần là những sản phẩm được làm bằng nhựa, sản xuất ra với mục đích chỉ dùng 1 lần rồi vứt bỏ. Đó có thể là cốc nhựa, thìa nhựa, nĩa nhựa, hộp xốp,… dùng 1 lần, phục vụ quá trình sinh hoạt, sản xuất của con người. Hạn chế việc sử dụng những sản phẩm nhựa một lần góp phần bảo vệ môi trường sống của con người.

Những thay đổi nhỏ nhưng hiệu quả

Chị Bùi Thuỵ Huỳnh Như (phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành) quan tâm đến vấn đề rác thải nhựa từ 7 năm trước. Lúc đó, Huỳnh Như ở trọ tại một gia đình tại TP. Hồ Chí Minh, chủ nhà rất quan tâm đến vấn đề rác thải nhựa. Ý thức bảo vệ môi trường của chủ nhà lan toả đến Huỳnh Như. Khi đi chợ hoặc mua thức ăn, lúc nào Như cũng mang theo giỏ, hoặc hộp đựng. “Lúc đầu mọi người thấy lạ, nhưng rồi cũng quen”- Như cười nói.

Năm 2021, Huỳnh Như về Tây Ninh mở tiệm bánh ngọt. Chị trăn trở làm thế nào để hạn chế tối đa việc sử dụng những rác thải. Làm bánh, chắc chắn sẽ có nhiều rác thải nhựa từ bao bì đựng bột, kem… Rồi khi khách mua về, tiệm phải dùng túi, hộp đựng để giao hàng. Do đó, Huỳnh Như tìm hiểu cách tái chế những bao bì thực phẩm, nguyên liệu sau khi đã sử dụng.

Khi biết có công ty tái chế nhựa PlasticPeople- nơi thu nhận cả những vỏ bao bì mà trước đây các vựa ve chai đều từ chối mua, Như gom lại, sau đó gửi đến công ty. Về túi đựng, thay vì sử dụng túi ni-lông với giá thành rẻ, Huỳnh Như chấp nhận mua túi làm từ bột bắp sẽ tự huỷ trong môi trường sau 6 tháng với giá cao hơn nhiều.

Hộp bánh Như dùng loại hộp giấy kraft. “Hộp giấy làm từ cây cũng sẽ ảnh hưởng đến môi trường nếu chúng ta không tiết kiệm. Vì vậy, ngay từ khi bán bánh, em đã nghĩ đến việc khuyến khích khách hàng mang hộp đến đựng. Mỗi lần có khách mang hộp đến mua bánh, em sẽ giảm giá 10% trên tổng hoá đơn”- Huỳnh Như chia sẻ.

Nói về quan điểm bảo vệ môi trường, Huỳnh Như cho biết: “Mọi người hay nghĩ bảo vệ môi trường nghe rất to lớn, thật ra là bảo vệ chính bản thân mình. Nếu không, môi trường sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của chúng ta”.

Trên đường 30.4, quán cà phê LaComé là một trong những quán theo phong cách hiện đại, sử dụng ly thuỷ tinh. Chị Nguyễn Hoàng Thanh Trúc- quản lý quán cho biết, khai trương vào tháng 12.2019, lúc đầu sử dụng ly thuỷ tinh, nhưng sau đó, vào thời điểm dịch bùng nổ, quán chuyển sang sử dụng ly nhựa. Đến tháng 4.2023, quán tiếp tục sử dụng ly thuỷ tinh. 

So với việc dùng ly nhựa, ly thuỷ tinh rẻ hơn dù thỉnh thoảng bị bể trong quá trình rửa, hoặc khách vô tình làm rơi. Có người cho rằng, dùng ly nhựa đỡ công hơn vì không phải rửa dọn, nhưng dùng ly nhựa, nhân viên phục vụ ở tiệm phải phân loại size ly và chồng vào để đưa ra thùng rác cho gọn.

Do đó, tính về thời gian, công sức cũng không khác nhiều. “Và trên hết, sử dụng ly thuỷ tinh để hạn chế tối đa rác thải nhựa - vấn đề đang được nhắc đến rất nhiều hiện nay”- Thanh Trúc nói. “Tôi đang đề xuất với chủ quán giải pháp mới nhằm thu hút mọi người đến với quán, đồng thời truyền tải thông điệp về hạn chế dùng sản phẩm nhựa một lần. Ý tưởng ban đầu là khuyến khích khách dùng bình giữ nhiệt nếu mang đi; mỗi lần như vậy sẽ tích điểm cho khách. Việc này cũng đang được chủ cân nhắc”.

Thay đổi hành vi tiêu dùng

Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20.8.2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa nêu rõ: ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt. Mỗi năm, lượng chất thải nhựa do con người thải ra trên phạm vi toàn cầu đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó, 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương.

Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ni-lông khó phân huỷ, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường; vấn đề ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương thực sự đáng báo động, đã, đang và sẽ gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái ở nước ta.

Nhằm tiếp tục tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa ra môi trường, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành thực hiện nhiều nhiệm vụ.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện mục tiêu “đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần”; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh, khách sạn, nhà hàng, quán nước, khu du lịch và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, du lịch… trên địa bàn cam kết giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường; không cung cấp miễn phí túi ni-lông cho khách hàng hoặc chuyển từ sử dụng túi ni-lông khó phân huỷ sang các loại túi khác thân thiện với môi trường…

Tuy nhiên, đến nay, có thể thấy túi ni-lông, hộp nhựa xốp đựng thức ăn vẫn được sử dụng rộng rãi ở mọi nơi- từ các chợ, quán ăn, cửa hàng tiện lợi…

Chị Đoàn Thị Kim Ngân (xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu), người từng tham gia nhiều chuyến nhặt rác trên núi Bà Đen cho rằng, cần có những quy định chặt chẽ hơn về sử dụng túi ni-lông, hộp xốp nhựa, như thu phí, đánh thuế cao… để hạn chế người dân sử dụng. “Ngân nghĩ, cần có những giải pháp mạnh hơn, ví dụ tính phí túi ni-lông như một số nước đã làm sẽ tạo cho người dân thói quen hạn chế sử dụng túi ni-lông, hộp xốp nhựa”- chị Kim Ngân chia sẻ.

 Việc thay đổi hành vi tiêu dùng của mỗi chúng ta sẽ góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường do rác thải, bảo vệ sức khoẻ của chính chúng ta. 

Ngọc Diêu