Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”:

Thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng hàng nội địa 

Cập nhật ngày: 19/07/2022 - 23:15

BTN - Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là chủ trương lớn của Đảng. Sau hơn 10 năm triển khai, cuộc vận động được đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh hưởng ứng tích cực. Thói quen tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng nội địa trong đông đảo người dân đã góp phần cho sự phát triển của các nhà sản xuất, doanh nghiệp trong nước.

Hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thanh Nhi

Dạo quanh các siêu thị, chợ, cửa hàng tạp hoá trên địa bàn tỉnh có thể thấy đa phần hàng hoá có nguồn gốc xuất xứ trong nước. Chị Nguyễn Ngọc Hân (thành phố Tây Ninh) cho biết: “Từ nhiều năm nay, gia đình tôi thường xuyên mua các mặt hàng do Việt Nam sản xuất, nhất là các thương hiệu được dán nhãn “Hàng Việt Nam chất lượng cao”.

Ví dụ như sữa, tôi thường lựa chọn các sản phẩm của Vinamilk, TH Truemilk, dầu thực vật Cái Lân, Tường An, đường Biên Hoà, quần áo của Công ty may Nhà Bè, Việt Tiến... Tôi thấy nhiều sản phẩm do Việt Nam sản xuất chất lượng tốt, không thua kém hàng nhập khẩu cùng loại mà giá lại rẻ hơn nhiều, hoàn toàn yên tâm về nguồn gốc xuất xứ”.

Thời gian qua, nhiều hoạt động đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được các doanh nghiệp, sở, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện. Theo Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, 6 tháng đầu năm 2022, siêu thị Co.opMart Tây Ninh và các siêu thị Co.opMart Trảng Bàng, Tân Châu, Gò Dầu, Phước Đông đã thực hiện 19 chuyến bán hàng lưu động với tổng doanh thu gần 125 triệu đồng.

Ngoài ra, Công ty TNHH xuất nhập khẩu - thương mại - công nghệ - vận tải Hùng Duy thực hiện các chuyến bán hàng lưu động đưa hàng hoá đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới được 26 chuyến/ngày, tương đương 112,1 tấn hàng hoá/ngày, với doanh thu bán hàng là 3,25 tỷ đồng/ngày.

MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp tổ chức các chương trình đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng như: “Tết sum vầy”, “Tết yêu thương”, “Tháng Công nhân” hay tại các điểm bán hàng Việt ưu đãi với khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, xã biên giới cho người lao động tham gia mua sắm; vận động tổ chức 8 chuyến bán hàng lưu động cho người dân tại các xã nông thôn, biên giới, doanh thu đạt trên 300 triệu đồng.

Liên đoàn Lao động tỉnh ký kết các thoả thuận hợp tác “Phúc lợi cho đoàn viên và người lao động” với các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh như: Công ty cổ phần cung cấp dinh dưỡng miền Nam với các sản phẩm sữa LaLa Milk cam kết mức giá bằng 50% so với thị trường, Công ty TNHH đầu tư thương mại Thiên Ngọc An (siêu thị Phúc Lợi) cung cấp các sản phẩm y tế như khẩu trang, nước rửa tay khô, găng tay y tế... cam kết mức giá bằng 50% và các sản phẩm như cà phê, gạo, nhu yếu phẩm, bánh kẹo... cam kết mức giá bằng 20%-25% giá thị trường.

Đối với việc mua sắm công từ nguồn ngân sách Nhà nước trong các cơ quan hành chính của tỉnh, các mặt hàng, thiết bị được sản xuất hoặc lắp ráp trong nước có chất lượng cao luôn được ưu tiên. 6 tháng đầu năm 2022, giá trị dự toán mua sắm hàng hoá, dịch vụ là hàng sản xuất hoặc lắp ráp trong nước chiếm 98% trong tổng giá trị dự toán được UBND tỉnh phê duyệt. Đối với quyết toán công trình xây dựng cơ bản, chi phí quyết toán thiết bị có 10 dự án sử dụng thiết bị là hàng Việt Nam, trị giá trên 24 tỷ 099 triệu đồng, chiếm 95,69% tổng giá trị quyết toán.

Điểm trưng bày sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Tân Châu. Ảnh: Thanh Nhi

Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp qua việc kết nối giữa doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong tỉnh, trong nước được các sở, ngành thực hiện tích cực. Sở Công Thương tổ chức cho doanh nghiệp trong tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại 7 hội chợ và phiên chợ, kết nối cung - cầu, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn trước tình hình ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ các doanh nghiệp và người sản xuất đăng ký cấp mã số vùng trồng cho nông sản, đã thực hiện rà soát hiện trạng hoạt động của 102 mã số vùng trồng; triển khai thực hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc KIPUS áp dụng cho 4 tổ chức, cá nhân với diện tích 25,4 ha trên các loại cây như mãng cầu, xoài, chuối, bưởi, sầu riêng, táo, ổi…

Hội Liên hiệp Phụ nữ phối hợp tổ chức kết nối sản phẩm của hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất có phụ nữ quản lý với các tổ (dịch vụ) nấu ăn trong và ngoài địa phương, các tiểu thương tại các chợ, các công ty, đầu mối tiêu thụ nông sản đối với các mặt hàng như gà sạch, heo, dê thịt, bánh tráng, các sản phẩm may mặc, đan lát...

Sau hơn 10 năm triển khai, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo người tiêu dùng. Cuộc vận động được các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ trong thực hiện, cụ thể hoá các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh uỷ tăng cường đưa hàng Việt vào các chợ, siêu thị, hệ thống phân phối bán lẻ, nhất là vùng nông thôn, biên giới.

Đặc biệt, năm 2022, Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cấp tỉnh và cấp huyện được củng cố, kiện toàn, theo đó, trưởng ban là phó bí thư cấp uỷ và 2 phó trưởng ban là chủ tịch UBMTTQVN và phó chủ tịch UBND cùng cấp.

Công tác tuyên truyền về cuộc vận động được đẩy mạnh hơn với đa dạng hình thức trong cán bộ, đảng viên và người dân. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân trong mua sắm, sử dụng hàng Việt, nâng cao tinh thần đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Từ thói quen ưu tiên sử dụng sản phẩm Việt chất lượng, giá thành cạnh tranh góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước, trong tỉnh. Điều này càng ý nghĩa hơn khi nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trong nước, trong tỉnh nỗ lực vực dậy sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Hải Đăng