Ngày 24.4.2009, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tây Ninh phối hợp với UBND huyện Bến Cầu tổ chức hội nghị đầu bờ về mô hình quản lý dịch hại cho lúa thâm canh vụ đông xuân 2008-2009 và triển khai kế hoạch vụ hè thu năm 2009.
Các đại biểu tham quan mô hình liên kết “4 nhà” |
Ngày 24.4.2009, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tây Ninh phối hợp với UBND huyện Bến Cầu tổ chức hội nghị đầu bờ về mô hình quản lý dịch hại cho lúa thâm canh vụ đông xuân 2008-2009 và triển khai kế hoạch vụ hè thu năm 2009.
Đến dự hội nghị cùng với ngành NN&PTNT tỉnh và huyện Bến Cầu có Giáo sư Tiến sĩ Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam; đại diện Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật (BVTV) An Giang, Công ty phân bón Bình Điền và hơn 50 nông dân xã An Thạnh.
Trong vụ đông xuân 2008-2009, Sở NN&PTNT Tây Ninh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư quốc gia; Cục Trồng trọt; Cục BVTV; Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam; Công ty cổ phần BVTV An Giang và Công ty phân bón Bình Điền triển khai thực hiện mô hình liên kết “4 nhà” quản lý rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cho lúa thâm canh vụ đông xuân tại xã An Thạnh, huyện Bến Cầu. Mục tiêu mô hình là chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật đến nông dân, làm cầu nối giữa khoa học và thực tiễn, giữa nông dân và nhà khoa học; tạo điều kiện để cán bộ kỹ thuật tiếp xúc thực tế, học tập kinh nghiệm sản xuất nhằm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Đồng thời giúp nông dân nâng cao trình độ sản xuất, để họ có thể tự quản lý dịch hại theo hướng bền vững; và phát huy sức mạnh của sự liên kết “4 nhà”, phối hợp giải quyết kịp thời và có hiệu quả các vấn đề nảy sinh trong quá trình sản xuất của nông dân. Yêu cầu của mô hình là gieo sạ tập trung, né rầy với giống lúa có năng suất cao và chống chịu sâu bệnh; áp dụng “3 giảm, 3 tăng” trong thâm canh lúa, trên cơ sở sạ thưa, sạ hàng, sử dụng phân bón nông dược hợp lý theo nguyên tắc 4 đúng, quản lý nước hợp lý và tránh thất thoát trong thu hoạch. Địa điểm được chọn thực hiện mô hình là ấp Chánh, xã An Thạnh. Có 44 hộ nông dân tham gia mô hình, với diện tích 53 ha. Về giống lúa, nông dân tự trao đổi với nhau, chủ yếu là các giống: OM 2514, VND 95-20, OM 2517, OM 4059… Đa số nông dân trong mô hình tuy chưa áp dụng phương pháp gieo sạ theo hàng (chỉ có một hộ sạ hàng trên diện tích 1,4 ha, với mật độ 120 kg giống/ha), nhưng sạ thưa (150 kg giống/ha), giảm hơn 40 kg giống/ha so với tập quán trước đây. Về dịch hại ruộng trong mô hình và ngoài mô hình có đối tượng dịch hại tương đối giống nhau. Nhưng nông dân ngoài mô hình kết hợp từ 2-3 loại thuốc và số lần phun xịt nhiều hơn trong mô hình đến 2,5 lần. Công thức bón phân trong và ngoài mô hình không chênh lệch nhiều, nhưng nông dân ngoài mô hình chia ra số lần bón và thời gian bón chưa phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Về chi phí sản xuất, ruộng ngoài mô hình chi phí bình quân 10,320 triệu đồng/ha, trong khi đó ruộng trong mô hình chỉ có 8,8 triệu đồng/ha, giảm được khoảng 1,5 triệu đồng/ha. Về hiệu quả kinh tế, do hiện nay, nông dân tham gia mô hình chưa thu hoạch lúa, nên ngành chức năng chưa tính được. Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Loan, người tham gia sản xuất 1,4 ha lúa trong mô hình, theo phương pháp sạ hàng cho biết, dù bà sạ giảm hơn trước đây 60 kg giống/ha và phun thuốc trừ sâu ít hơn trước, nhưng nhìn ngọn lúa bà thấy năng suất vẫn không thay đổi. Ông Lữ Văn Vệ làm 2,5 ha trong mô hình cho biết, ông chưa áp dụng phương pháp sạ hàng, nhưng sạ thưa và cũng giảm được khoảng 40 kg giống/ha, tuy chưa thu hoạch, nhưng nhìn ngọn lúa ông tin rằng vẫn đạt năng suất như trước. Trong vụ hè thu tới ông Vệ tiếp tục sản xuất theo mô hình mới như vụ đông-xuân.
Đại diện Chi cục BVTV Tây Ninh báo cáo việc thực hiện mô hình |
Theo đánh giá của Chi cục BVTV Tây Ninh, kết quả đạt được từ việc thực hiện mô hình quản lý dịch hại cho lúa thâm canh vụ đông xuân 2008-2009, ở xã An Thạnh giúp nông dân tham gia mô hình hiểu biết được các đối tượng dịch hại trên lúa, bón phân theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển theo bảng so màu lá lúa, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, an toàn hiệu quả; làm cho nông dân thay đổi được tập quán canh tác cũ, nâng cao chất lượng nông sản và hiệu quả kinh tế; nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất được khoảng 1,5 triệu đồng/ha và giảm 2,5 lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Việc liên kết “4 nhà” trong thực hiện mô hình đã thể hiện được sức mạnh tập thể, bước đầu đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện mô hình cũng có mặt chưa đạt được: Một số ít nông dân chưa thực hiện đúng quy trình canh tác theo hướng dẫn, chưa mạnh dạn áp dụng phương pháp sạ hàng; trình độ nông dân không đồng đều, nên việc ghi chép nhật ký sản xuất còn hạn chế; chưa hỗ trợ nông dân về giống lúa…
Từ đó Chi cục BVTV Tây Ninh kiến nghị với các ngành, các cấp hỗ trợ nông dân về giống lúa, thông tin cơ cấu giống trên vùng đất sản xuất và có chính sách hỗ trợ cơ giới hoá khâu làm đất, phun thuốc, thu hoạch, phơi sấy; Ban cố vấn, Ban chủ nhiệm các cấp tiếp tục hỗ trợ để nhân rộng mô hình trong vụ tới; Công ty cổ phần BVTV An Giang, Công ty phân bón Bình Điền tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí triển khai mô hình vào vụ hè thu 2009. Dự kiến vụ hè thu năm 2009, tiếp tục chọn cánh đồng xã An Thạnh thực hiện mô hình, với quy mô từ 80-100 ha.
D.H