Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thay đổi tập quán canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất 

Cập nhật ngày: 12/03/2024 - 15:22

BTNO - Để có thể làm giàu từ nông nghiệp, người nông dân cần phải thay đổi tập quán sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Những năm gần đây, với sự đầu tư của tỉnh về hạ tầng thuỷ lợi, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền tập huấn cho nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt. Để có thể làm giàu từ nông nghiệp, người nông dân cần phải thay đổi tập quán sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Trình diễn máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân tham quan học hỏi.

Áp dụng kỹ thuật tiên tiến, đa dạng hoá cây trồng 

Trong những năm qua, Tây Ninh đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp bền vững. Những ứng dụng công nghệ tiên tiến như: giống cây trồng mới năng suất cao, dây chuyền sản xuất, máy móc hiện đại được sử dụng hằng ngày trên các cánh đồng, mang lại diện mạo mới cho nông nghiệp của tỉnh.

Song song đó, việc đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn tại chỗ thông qua các chương trình khuyến nông, các lớp ngắn hạn mang tính chiến lược giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật.

Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh được triển khai thực hiện như chính sách tín dụng, thuê đất nông nghiệp, đầu tư nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong nông nghiệp… Kiến thức, thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế được phổ biến cho doanh nghiệp, nông dân kịp thời, sát với thực tế hơn nữa, tránh những chi phí không đáng có do thiếu thông tin.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để nông nghiệp tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, thời gian tới, ngành Nông nghiệp chủ trương đa dạng hoá cây trồng phù hợp với địa phương, khuyến khích nông dân trồng nhiều loại giống cây trồng khác nhau.

Hiện ngoài cây mì, cây mía đã được sử dụng giống mới để canh tác, các giống lúa mới chất lượng cao (OM18, Đài thơm 8, ST24, ST25…); các giống cây ăn quả như sầu riêng, mít ruột đỏ, chôm chôm; các loại rau ăn lá, rau ăn quả theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, VietGAP… cũng được người dân áp dụng đưa vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập.

Các biện pháp canh tác tiên tiến từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch cũng được người dân áp dụng đồng bộ, như: cơ giới hoá trong khâu làm đất, làm cỏ, cày chăm sóc cây công nghiệp, cây ăn quả; phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy cơ giới, máy bay không người lái; xử lý ra hoa, thụ phấn nhân tạo…

Nông dân cũng áp dụng công nghệ tưới thông minh, bón phân kết hợp, giúp chủ động hơn trong sản xuất, vừa giảm được chi phí vừa nâng cao thu nhập cho người sản xuất. 

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích nông dân đẩy mạnh việc chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, như tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm giữa nông dân và nhà khoa học; các lớp học tập kinh nghiệm mô hình mới, cách làm hay trong và ngoài tỉnh, giúp người dân nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, mạnh dạn áp dụng vào thực tế tại địa phương.

Thu hoạch mía bằng cơ giới góp phần đáng kể giảm chi phí thu hoạch mía.

Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh cùng các ngành chức năng, doanh nghiệp… đẩy mạnh hỗ trợ nông dân tiếp cận thị trường và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các kênh phân phối, thúc đẩy thương mại điện tử, và tạo liên kết với các doanh nghiệp thực phẩm; hỗ trợ nông dân xây dựng hồ sơ truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng giúp nông sản dễ tiếp cận các thị trường cao cấp; tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn như đường giao thông, hệ thống thuỷ lợi... phục vụ tốt cho công tác tưới tiêu, áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất và mua bán nông sản. 

Đầu tư phát triển các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp như sản xuất máy móc nông nghiệp; phát triển các cơ sở chế biến nông sản ngay tại các địa phương để chế biến, bảo quản sau thu hoạch, giúp nâng cao giá trị hàng nông sản, tránh tình trạng ép giá khi được mùa.

Về lâu dài, tỉnh sẽ tiến tới tích hợp công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, như đào tạo nông dân sử dụng công nghệ thông tin, cảm biến, hệ thống quản lý thông minh để theo dõi và quản lý sản xuất. Công nghệ giúp tối ưu hoá quy trình và tăng hiệu suất; áp dụng các thiết bị công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy bay phun thuốc, thiết bị điều khiển máy nông nghiệp không người lái… giúp giảm nhân công, tăng hiệu quả sử dụng và quản lý;

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển các giống cây trồng vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và sức chống chịu sâu bệnh cao, không thoái hoá, không tổn hại đến đa dạng sinh học.

Ngành Nông nghiệp cũng đưa ra các giải pháp hỗ trợ tài chính, như: cung cấp thông tin về các chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp, chương trình hỗ trợ vốn cho nông dân; thành lập tổ xây dựng các dự án hỗ trợ về các chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp để nông dân được tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất và phát triển.

Tấn Hưng