Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Thầy giáo đa tài
Thứ năm: 03:58 ngày 30/10/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Gọi điện thoại hẹn gặp, anh trả lời đang giờ dạy trên lớp. Hẹn gặp vào buổi tối, anh bảo phải đi theo Đoàn Nghệ thuật Tây Ninh để lo trang phục cho anh chị em nghệ sĩ. Sau nhiều lần hẹn, cuối cùng tôi cũng gặp được anh- thầy giáo Dương Văn Hôn tên thường gọi là Hoàng Hôn, năm nay 53 tuổi, ngụ ấp Thanh Hùng, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành.

Những bộ trang phục anh Hoàng Hôn vừa may xong.

Chúng tôi gặp nhau ở khu vực gần cổng Trường THCS Võ Văn Truyện (xã Thanh Điền)- nơi thầy Hôn đang công tác. Quần áo chỉn chu, nói năng lưu loát, trông thầy Lưu phảng phất chút nét nghệ sĩ. Thầy Hôn cho biết, anh tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh từ năm 1987. Từ đó đến nay anh làm giáo viên dạy mỹ thuật ở Trường THCS Võ Văn Truyện.

Thời gian còn theo học tại Trường cao đẳng Mỹ thuật, anh có ghi danh học lớp sơ cấp kịch nói và lớp đạo diễn sân khấu ở Trường Nghệ thuật sân khấu 2. Vào những ngày thứ bảy, chủ nhật, anh còn học ghi danh khoa thiết kế trang phục cơ bản ở Trường Công nghệ dạy nghề ở quận 5, TP. Hồ Chí Minh. 

Anh Hoàng Hôn có người em dâu là nghệ sĩ Thu Hiền và người em bà con là nghệ sĩ Thanh Hùng cùng công tác trong  Đoàn Nghệ thuật Tây Ninh. Những lúc rảnh rỗi, anh thường đến hậu trường sân khấu phụ lo chuẩn bị trang phục cho họ. Sẵn có kiến thức cơ bản, anh có cơ hội thử tài thiết kế và may một số trang phục theo kiểu cổ, trang phục dân gian cho các nghệ sĩ biểu diễn.

Trang phục do thầy giáo Hôn làm ra khá phù hợp với các nhân vật trong từng tuồng tích và được mọi người đón nhận. Dần dần nhiều nghệ sĩ trong Đoàn Nghệ thuật Tây Ninh và những người hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn khác trong tỉnh tìm đến anh đặt hàng mỗi ngày một nhiều hơn.

Trong đợt biểu diễn phục vụ tuyên truyền kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh của Đoàn Nghệ thuật Tây Ninh vừa qua, hầu hết anh chị em nghệ sĩ đều mặc trang phục do Hoàng Hôn thiết kế để diễn trích đoạn cải lương “Tiếng trống Mê Linh”.

Nghệ sĩ Ưu tú Kim Thoại- Trưởng đoàn cho biết: “Khoảng 3 năm nay, Đoàn chính thức mời anh Hoàng Hôn thiết kế và may trang phục cho các nghệ sĩ trong Đoàn. Trang phục của anh Hoàng Hôn làm ra đẹp, màu sắc sặc sỡ, phù hợp với ánh đèn sân khấu. Chỉ trừ những vở tuồng lớn, chúng tôi mới mua trang phục ở TP. Hồ Chí Minh”.

Theo lời anh Hoàng Hôn, để tạo ra những bộ trang phục phù hợp với nhân vật của từng thời kỳ lịch sử, anh phải dành nhiều thời gian vào thư viện nghiên cứu để biết mỗi triều đại, vua chúa và người dân ăn mặc như thế nào.

Mỗi lần nhận đơn đặt hàng của nghệ sĩ, anh cũng đều phải xem qua kịch bản sân khấu, nắm được nội dung tuồng tích và bối cảnh lịch sử có liên quan, từ đó mới bắt tay vào việc phác họa mẫu, sau đó là chọn mua vải về để cắt may.

Anh vui vẻ khoe rằng: “Vừa rồi đạo diễn Đăng Minh có nhờ tôi thiết kế trang phục cho vở cải lương “Nàng út và cây gậy thần”. Tôi xem kịch bản thật kỹ rồi thiết kế và may trang phục cho các nhân vật chính diện, phản diện. Đồ của tôi may xong, nghệ sĩ mặc vào là đạo diễn vừa ý ngay, không cần phải chỉnh sửa, thêm bớt gì”.

Anh Hoàng Hôn cho biết thêm, để phục vụ việc ăn mặc của các nhân vật trong một vở tuồng anh cùng với vợ và người con phải làm ròng rã khoảng hai tháng mới xong. Anh chuyên lo khâu thiết kế, cắt, may, vợ anh đảm trách việc thêu rồng, phụng và con anh thì kết hạt cườm cho bộ trang phục thêm phần lộng lẫy.

“Công việc đòi hỏi phải tỉ mỉ và cũng khá vất vả nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu, chủ yếu là vì đam mê sân khấu mà thôi”- người thầy giáo mê công việc “tay trái” chia sẻ. Để vừa hoàn thành công tác chuyên môn ở trường lớp, vừa có thể thỏa mãn được niềm đam mê sân khấu của mình, anh Hoàng Hôn gần như phải làm việc suốt ngày.

Anh kể: “Hầu như không ngày nào tôi ngủ trưa. Đi dạy về, cơm nước xong là tôi bắt tay vào việc may trang phục. Hôm nào khoẻ, buổi tối tôi còn đi theo Đoàn Nghệ thuật Tây Ninh để phụ lo trang phục cho các anh em. Thỉnh thoảng một hai tháng tôi phải xuống các nhà hát lớn ở TP. Hồ Chí Minh để học hỏi thêm”.

Anh Hoàng Hôn và hai nghệ sĩ Đoàn nghệ thuật Tây Ninh mặc trang phục do anh thiết kế.

Ngoài dạy học và thiết kế trang phục cho các anh em nghệ sĩ, anh Hoàng Hôn còn tham gia vào việc sáng tác vọng cổ. Tại Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Tây Ninh vừa qua, đội văn nghệ Trung tâm Văn hoá Thể thao huyện Châu Thành đã gây bất ngờ khi biểu diễn tiết mục song ca nam nữ bài vọng cổ “Khởi sắc quê tôi” của tác giả Hoàng Hôn.

Tác giả bài ca cho biết anh học sáng tác vọng cổ ở soạn giả Thanh Hiền. Tính đến nay anh đã cho ra đời gần 40 bài vọng cổ. Anh cũng cho biết thêm, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhà dự kiến năm 2015 sẽ in riêng cho anh một tập bài ca vọng cổ.

Đến thăm nhà của người thầy giáo đa năng, đa tài, tôi có dịp được ngắm bức tranh sơn dầu treo trên tường- tác phẩm đầu tay của anh khi thực hành nội dung vẽ da người. Những năm sau này, anh Hoàng Hôn cũng từng cho ra đời những bức tranh bằng vật liệu vỏ trứng hoặc lá cây nhuộm màu.

Anh còn dự định sắp tới sẽ dành thời gian xuống TP. Hồ Chí Minh theo học lớp đạo diễn sân khấu để thử sức trong lĩnh vực mới và anh cũng dự định sẽ đầu tư cho mình một phòng tranh sơn dầu.

Đại Dương

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục