Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thầy giáo trẻ tài năng

Cập nhật ngày: 18/08/2010 - 11:45

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, Lê Hoàng Long ấp ủ ước mơ trở thành nhà giáo ngay từ thuở ấu thơ. Ước mơ ấy đã trở thành hiện thực vào năm 2002. Tốt nghiệp khoa Vật lý Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh, thầy giáo trẻ Lê Hoàng Long được bổ nhiệm về công tác tại Trường THCS Thị trấn huyện Bến Cầu. Lần đầu tiên đặt chân đến huyện vùng biên, mọi thứ đều mới mẻ, xa lạ, Long không tránh khỏi băn khoăn, lo lắng. Cảm nhận đầu tiên của Long là sức học của học sinh trường mình còn khá thấp. Và Long cảm thấy mình có trách nhiệm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trên mảnh đất này.

Để làm được điều ấy, thầy giáo trẻ Lê Hoàng Long không ngừng học tập nâng cao trình độ về mọi mặt. Anh tích cực học hỏi, sưu tầm sáng tạo những phương pháp giáo dục hay để vận dụng vào thực tế dạy học. Khiêm tốn học hỏi từ các đồng nghiệp đi trước, kiên trì thu thập kiến thức qua sách vở, qua mạng internet, thầy giáo trẻ có cặp mắt sáng ấy sớm trưởng thành trong nghiệp vụ.

Long tâm sự: ở một ngôi trường vùng khó khăn, các em học sinh hầu như chỉ đến trường một buổi để học tập, buổi còn lại phải lo phụ giúp cha mẹ chăn trâu, chăn bò, làm công việc đồng áng như một lao động thực thụ. Buổi tối thời gian tự học của các em chả là bao. Ở đâu xảy ra tiêu cực trong việc dạy thêm học thêm không biết, chứ ở ngôi trường của Long, hội đồng sư phạm nhà trường thống nhất dạy bồi dưỡng học sinh yếu kém không thu thù lao nhưng số học sinh đến lớp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đi vận động các em, phải ra tận ngoài đồng ruộng và nhiều khi thầy cũng lăn xả phụ giúp công việc với các em học sinh của mình.

Thầy Long (trái) và các em học sinh

Long nhận thấy, muốn cho các em học sinh thích thú học tập, giờ giảng của thầy phải sinh động, linh hoạt, phải sử dụng đồ dùng dạy học trong tiết dạy. Nhưng trang thiết bị dạy và học của nhà trường luôn thiếu thốn, không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Do vậy, một trong những việc làm thường xuyên trong giờ rảnh rỗi của Long là nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo ra những đồ dùng dạy học để phục vụ giảng dạy. Năm học 2008- 2009, Long gửi lên Hội đồng khoa học ngành Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh đề tài “Giúp học sinh hứng thú môn Vật lý thông qua việc học sinh tự tạo ra dụng cụ thí nghiệm đơn giản, rẻ tiền”. Chỉ cái tên đề tài đã thể hiện được khát vọng của thầy giáo Hoàng Long trong việc kích thích hứng thú cho học sinh học tập. Theo hướng dẫn của thầy Long, một số học sinh lớp 9 đã tự chế tạo thành công thấu kính hội tụ làm bằng bóng đèn dây tóc phế liệu, tập trung ánh sáng nung nóng đồ vật. Các em học sinh lớp 8 thì sử dụng khoai tây để thực hiện thành công thí nghiệm 3 hiện tượng nổi của vật. Các em học sinh lớp 6 đã sử dụng bóng dài để làm thí nghiệm động cơ phản lực. Các em học sinh lớp 7 chế tạo nam châm điện từ bu- loong, pin điện từ trái chanh, xoài, khế… Các tiết học đã thực sự sống động khi các em thấy được thành quả sáng tạo của mình trong từng giờ học, giúp các em nhanh chóng hiểu bài, thuộc bài ngay trên lớp. Em nào cũng mong sớm tới giờ Vật lý của thầy giáo Long.

Tích cực trau dồi nghề nghiệp, Long nhanh chóng trở thành giáo viên giỏi của trường và của huyện. Sáu năm liên tục, Long đều có học trò đạt giải học sinh giỏi vòng huyện. Năm học 2009- 2010, huyện Bến Cầu có 2 học sinh đạt giải kỳ thi học sinh giỏi vòng tỉnh là Hoàng Thị Hoài Hương (giải nhì) và Trần Mỹ Ngọc (giải khuyến khích). Cả hai đều là học sinh do Long giảng dạy. Và đây cũng là lần đầu tiên Bến Cầu có học sinh đạt giải nhì môn Vật lý vòng tỉnh.

Trường THCS thị trấn Bến Cầu bình bầu thầy giáo Lê Hoàng Long là tấm gương điển hình trong thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Trong cuộc thi “Viết về gương sáng trường tôi” do Công đoàn ngành Giáo dục huyện Bến Cầu tổ chức, bài viết của Long lại đoạt giải nhất và được Liên đoàn Lao động tỉnh Tây Ninh tặng cúp lưu niệm “Lao động sáng tạo”. Năm 2006, thầy giáo trẻ Lê Hoàng Long được Huyện đoàn Bến Cầu xét tặng danh hiệu “Thanh niên sống đẹp, sống có ích”. Năm học 2008-2009, Long cũng được bình chọn là đảng viên tiêu biểu ngành Giáo dục huyện Bến Cầu.

Tình yêu đã đến với người thầy giáo trẻ nơi vùng đất biên giới. Cô giáo dạy Văn- Ngô Thị Hương Giang quê Bến Cầu từ sự cảm mến, gần gũi trong các hoạt động văn thể, xã hội của nhà trường đã đem lòng yêu người bạn đồng nghiệp giỏi giang ấy. Một đám cưới hạnh phúc trong sự chứng kiến vui mừng của gia đình, của bạn bè đồng nghiệp đã cùng gắn kết thêm những tình cảm thân thương của người thầy giáo trẻ với vùng quê biên giới. Và hạnh phúc gia đình càng thêm chắp cánh cho Hoàng Long trong con đường học vấn. Những ngày cuối cùng của lớp học chuyên tu khoa Vật lý Trường Đại học Sư phạm cũng là ngày Long vui mừng trong hạnh phúc làm cha của một bé trai kháu khỉnh. Khỏi phải nói, vợ chồng người thầy giáo trẻ ấy đã phải vượt bao khó khăn của cuộc sống đời thường để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và vừa vun vén cho hạnh phúc trong tổ ấm của mình.

Nổi bật trong phong trào thi đua “dạy tốt- học tốt”, 5 năm liên tục, thầy giáo Lê Hoàng Long đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, trong đó năm học 2008-2009 đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Năm 2010, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chọn 2 đề tài của Long “Giúp học sinh hứng thú môn Vật lý thông qua việc học sinh tự tạo ra dụng cụ thí nghiệm đơn giản, rẻ tiền” và “Hộp ảo thuật” (sử dụng trong dạy phần quang học) tham dự hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Tây Ninh. Cả hai đề tài đều đạt giải khuyến khích, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen và được Liên đoàn Lao động tỉnh Tây Ninh tặng cúp lưu niệm “Lao động sáng tạo”.

ANH TUẤN