Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Quê ở Thái Bình, gia đình anh có truyền thống 4 đời làm lương y nên từ nhỏ anh Đường đã được dạy nghề thuốc.

Ông Nguyễn Văn Trễ, ngụ ấp Long Hoà, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu vui vẻ kể: “Nếu không nhờ chú Đường trị bệnh kịp lúc, chắc tôi đã xanh cỏ từ lâu rồi”. Chuyện về người thầy thuốc mang quân hàm xanh Lê Mạnh Đường bắt đầu như vậy.
18 năm trước, ông Trễ bị bệnh viêm cuống phổi, nhưng vì nhà nghèo không tiền chữa trị nên cứ để bệnh kéo dài. Mãi đến khi bệnh quá nặng, gia đình mới chạy vạy tiền đưa ông đi bệnh viện. Lúc đó gần như không còn kịp nữa. Từ bệnh viện trở về, thân thể ông đã lạnh, gia đình đã mời thầy tụng đến nhà tụng kinh gõ mõ, chuẩn bị tiễn đưa ông sang thế giới bên kia. Tình cờ, lúc ấy chiến sĩ biên phòng Lê Mạnh Đường nghe tin, liền đến châm cứu và sắc nước gừng cho ông uống.
Thiếu tá Lê Mạnh Đường nhớ lại: “Lúc đó, ông Trễ chỉ còn thở ngáp mang cá, mắt trợn trắng và mất hết cảm giác, châm cứu không còn biết đau. Thân thể ông chỉ còn da bọc xương”. Thật bất ngờ, sau một thời gian châm cứu và uống nước gừng, sức khoẻ ông Trễ có dấu hiệu phục hồi tốt. Rồi ông đòi ăn cháo. Cả gia đình ông mừng rơi nước mắt. Ông thầy thuốc biên phòng tiếp tục cho ông Trễ uống thuốc theo toa. Và ông đã khoẻ mạnh trở lại. Hiện nay, mặc dù đã 66 tuổi, nhưng hằng ngày người đàn ông trở về từ cõi chết năm nào vẫn chạy xe mô tô chở hàng thuê cho chợ Long Thuận.
![]() |
Thiếu tá Lê Mạnh Đường tặng thuốc cho bệnh nhân nghèo |
Thiếu tá Tạ Ngọc Thuyên, trưởng ban Tuyên huấn- Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Tây Ninh cũng là người từng được thiếu tá Lê Mạnh Đường chữa bệnh, cho biết: “Mấy năm trước tôi bị bệnh viêm đại tràng khá nặng, đồng chí Đường hốt cho tôi 12 thang thuốc. Mới uống hết 10 thang tôi đã khỏi bệnh. Anh còn cho tôi uống thêm hai lọ thuốc viên. Từ đó đến nay bệnh của tôi không bị tái phát nữa”.
Thiếu tá Lê Mạnh Đường, sinh năm 1968, quê ở Thái Bình. Gia đình anh có truyền thống 4 đời làm nghề thầy thuốc. Từ nhỏ anh Đường đã được ông bà, cha mẹ dạy nghề thuốc đông y. Năm 1986, anh Đường nhập ngũ, rồi được đưa vào Tây Ninh. Thấy anh có kiến thức đông y, đơn vị đưa anh đi học thêm sơ cấp quân y và trung cấp y tế. Năm 1991, anh được điều về công tác ở Đồn Biên phòng Mộc Bài đảm nhiệm công tác vận động quần chúng. Hai năm sau, anh Đường trở thành hội viên Hội Đông y huyện Bến Cầu. Anh lập gia đình, ngụ ở ấp Long Phi, xã Long Thuận. Anh mở một tiệm thuốc đông y tại nhà và được giao phụ trách Hội Đông y của xã. 19 năm qua, vừa làm nghề thầy thuốc anh vừa làm công tác vận động quần chúng. Trong số bệnh nhân đến khám bệnh, bốc thuốc mỗi ngày, có nhiều người là dân Campuchia từ bên kia biên giới sang. “Trong quá trình khám, chữa bệnh cho người dân hai nước, tôi luôn lồng ghép tuyên truyền về Luật Biên giới và hướng cho họ cùng bộ đội biên phòng bảo vệ cột mốc biên giới”- thiếu tá Lê Mạnh Đường nói.
Ngoài việc chữa trị những căn bệnh thông thường, những năm qua, người thầy thuốc mang quân hàm xanh Lê Mạnh Đường còn chữa trị những bệnh nguy hiểm như tai biến mạch máu não, đột quỵ… giúp nhiều người phục hồi tốt, nếu không trở lại hoàn toàn bình thường thì cũng cải thiện được 50 - 60%. Đối với những bệnh nhân nghèo, người già neo đơn hoặc gia đình chính sách, anh luôn lấy giá rẻ hoặc miễn phí, mặc dù để có các loại thuốc anh cũng phải bỏ tiền mua lại của người khác. Ngoài chữa bệnh cho người dân địa phương, dân nước bạn, thiếu tá Lê Mạnh Đường cũng chữa trị cho đồng đội trong đơn vị khi họ có nhu cầu. Anh bày tỏ: “Công tác vận động quần chúng đòi hỏi phải có sự khéo léo. Để làm tốt nhiệm vụ này, bản thân mình phải có uy tín, phải được dân tin, dân yêu. Làm sao để sau khi trị bệnh, bệnh nhân gặp lại mình đều vui mừng, quý mến. Có như vậy mới dễ cho công tác vận động quần chúng”.
Những năm qua, thiếu tá Lê Mạnh Đường thường xuyên được nhận giấy khen, bằng khen của Hội Đông y huyện và tỉnh. Anh đang làm hồ sơ gửi lên Sở Y tế đề nghị cấp giấy chứng nhận một số bài thuốc gia truyền để có điều kiện phục vụ người bệnh tốt hơn.
Đại Dương