Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hỗ trợ người nhiễm HIV:
Thẻ bảo hiểm y tế sẽ thay thế nguồn viện trợ
Thứ bảy: 06:34 ngày 15/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Kỳ họp thứ 10 Hội đồng nhân dân tỉnh vừa thông qua nghị quyết hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế và chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng virus HIV cho người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Một người nghiện ma tuý được điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi.

Tính đến ngày 30.9.2018, tại Tây Ninh, có 4.901 người nhiễm HIV; số người nhiễm HIV chuyển qua giai đoạn AIDS là 3.631 người; 1.554 người đã tử vong. Số người nhiễm HIV hiện còn sống là 3.347 người. Tất cả 9 huyện, thành phố đều có người mắc phải căn bệnh này. Tây Ninh là một trong 11 tỉnh trọng điểm được Bộ Y tế quan tâm chỉ đạo để tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới khống chế đại dịch vào năm 2020.

Hiện nay, bên cạnh các biện pháp phòng, chống dịch HIV/AIDS dựa vào truyền thông nâng cao kiến thức, can thiệp giảm hại bằng bơm kim tiêm sạch và bao cao su, thì việc triển khai điều trị HIV bằng thuốc kháng virus HIV (thuốc ARV) liên tục cho bệnh nhân HIV/AIDS là một biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả cao. Nếu bệnh nhân HIV được điều trị bằng thuốc ARV liên tục và ổn định thì sẽ giảm tới 95% khả năng lây truyền bệnh ra cộng đồng.

Từ trước đến năm 2016, kinh phí phục vụ cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Tây Ninh cũng như cả nước chủ yếu dựa vào nguồn viện trợ nước ngoài (chiếm 80%), hơn 90% số tiền mua thuốc điều trị ARV là tiền viện trợ. Tuy vậy, trong một vài năm gần đây, các nhà tài trợ tăng cường việc chuyển giao chương trình cho các cơ quan nhà nước, nguồn kinh phí viện trợ ngày càng bị cắt giảm nhanh chóng.

Nhiều nhà tài trợ đã dừng viện trợ cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam. Một số nhà tài trợ khác cũng đang giảm nhanh quy mô và sẽ dừng viện trợ trong thời gian ngắn sắp tới. Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế đã xác định BHYT là nguồn tài chính bền vững cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh chuyển giao nguồn lực hiện nay.

Bệnh nhân HIV/AIDS là đối tượng phải điều trị lâu dài, thường có sức khoẻ yếu, nghề nghiệp không ổn định, ít có khả năng lao động. Hầu hết những người này có hoàn cảnh khó khăn, bị gia đình bỏ rơi, không được hỗ trợ về tài chính và thường sống tách biệt ngoài sự kiểm soát của gia đình và xã hội.

Trong điều kiện thực hiện lộ trình tăng giá viện phí tại các cơ sở khám, chữa bệnh và cắt giảm viện trợ của nước ngoài, nếu bệnh nhân HIV/AIDS không tham gia BHYT sẽ không đủ chi phí điều trị HIV/AIDS, điều đó dẫn tới nguy cơ bệnh nhân không tuân thủ điều trị và bỏ trị. Khi đó, tình trạng bệnh tật của bệnh nhân HIV/AIDS sẽ diễn biến phức tạp, có nguy cơ kháng thuốc, đòi hỏi chi phí y tế cao cũng như có nguy cơ làm dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, ảnh hưởng đến an sinh xã hội của tỉnh.

Để tăng cường công tác quản lý người nhiễm HIV, đặc biệt là duy trì điều trị thuốc ARV nhằm kiểm soát được tải lượng virus HIV ở mức thấp dưới ngưỡng lây truyền, giảm nguy cơ lây lan HIV ra cộng đồng, ngày 15.11.2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2188/QĐ-TTg về việc quy định thanh toán thuốc kháng virus HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám, chữa bệnh BHYT và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng virus HIV. Khoản 1, Điều 4, Quyết định 2188/QĐ-TTg quy định: “Căn cứ vào khả năng ngân sách, các địa phương bảo đảm hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng virus HIV cho người nhiễm HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế thông qua Quỹ khám chữa bệnh người nghèo, Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV…”. Quyết định 2188/QĐ-TTg cũng quy định UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm bố trí các nguồn kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV để bảo đảm 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT.

Trên cơ sở đó, Hội đồng nhân dân tỉnh xây dựng nghị quyết nhằm hỗ trợ người nhiễm HIV mua thẻ BHYT cũng như các loại thuốc điều trị căn bệnh này. Theo tinh thần của nghị quyết, đối tượng được hỗ trợ là người được các cơ sở có thẩm quyền xác nhận bị nhiễm HIV, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn từ 6 tháng trở lên trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Những người được xác nhận bị nhiễm HIV được hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế và hỗ trợ 100% chi phí cùng chi trả sử dụng thuốc kháng virus HIV (thuốc ARV) khi điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Kinh phí hỗ trợ chủ yếu từ nguồn ngân sách tỉnh, tuy nhiên, khi huy động được kinh phí từ các nguồn khác như Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo, kết dư Quỹ bảo hiểm y tế, Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS và nguồn tài trợ, viện trợ hợp pháp khác... sẽ được khấu trừ lại vào nguồn ngân sách đã hỗ trợ. Chủ trương hỗ trợ người nhiễm HIV không chỉ giúp họ duy trì, kéo dài sự sống mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo và giảm nguy cơ lây lan HIV trong cộng đồng.

VIỆT ĐÔNG

Theo thông tin được công bố rộng rãi, tính đến hết quý I năm 2018, cả nước có hơn 208.000 người nhiễm HIV được phát hiện và quản lý. Trong đó, 83,4% bệnh nhân HIV đang điều trị bằng thuốc ARV có thẻ BHYT. Theo tính toán, hiện chi phí thấp nhất cho việc điều trị thuốc của bệnh nhân HIV/AIDS là hơn 4 triệu đồng/người/năm. Nhưng đối với bệnh nhân kháng thuốc, chi phí điều trị có thể tăng lên gấp 7 - 8 lần.

Do đó, nếu không có thẻ BHYT, người nhiễm HIV sẽ phải bỏ ra một số tiền khá lớn để được điều trị bằng thuốc ARV. Tính đến tháng 3.2018, một số địa phương như Hà Nam, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cà Mau, tỷ lệ người nhiễm HIV tham gia BHYT đạt 100%; 30 tỉnh, thành phố khác có tỷ lệ người nhiễm HIV tham gia BHYT đạt trên 90%. Theo Bộ Y tế, việc thanh toán điều trị đối với bệnh nhân HIV qua BHYT là bắt buộc.

Vì vậy, các địa phương cần sớm triển khai thanh toán điều trị đối với bệnh nhân HIV qua BHYT theo đúng quy định. Các tỉnh, thành trong cả nước cần tập trung xây dựng sớm kế hoạch điều trị bệnh nhân HIV từ các nguồn viện trợ sang điều trị BHYT. Phát biểu với báo giới, lãnh đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, một trong những khó khăn khi “phủ sóng” 100% thẻ BHYT cho người nhiễm HIV là có nhiều trường hợp mắc phải căn bệnh này không có giấy tờ tuỳ thân.
Từ khóa:
data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục