Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
BỎ CHẾ ĐỘ BIÊN CHẾ ĐỐI VỚI VIÊN CHỨC:
Thể chế hoá chủ trương của Đảng
Thứ tư: 20:16 ngày 27/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau một thời gian dài công bố bản dự thảo để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, chiều 25.11, với 88,2% phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Thí sinh dự thi viên chức.

Không còn “viên chức suốt đời”

Theo quy định mới, chế độ biên chế suốt đời với viên chức sẽ bãi bỏ từ ngày 1.7.2020. Luật mới vẫn giữ nguyên chế độ biên chế đối với ba nhóm đối tượng, bao gồm: viên chức được tuyển dụng trước ngày 1.7.2020; cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Như vậy, những viên chức mới trúng tuyển từ ngày 1.7.2020 đều phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn với khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng (kể cả những trường hợp đã ký hợp đồng lao động 2 lần).

Theo tinh thần mới, ngoài hai hình thức thi tuyển và xét tuyển, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức có thể quyết định tiếp nhận người đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm vào làm công chức. Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của viên chức phải gắn với vị trí việc làm, thông qua công việc, sản phẩm cụ thể.

Trước khi luật mới được thông qua, suốt một thời gian dài, trên các diễn đàn báo chí và mạng xã hội, chủ trương loại bỏ hoàn toàn khái niệm biên chế suốt đời gây nhiều tranh cãi. Có ý kiến bình luận: bỏ biên chế suốt đời sẽ tạo động lực cạnh tranh, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ, ý thức trách nhiệm của viên chức. Vì trong thực tế, khi đã vào biên chế, những người làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập- kể cả các cơ quan hành chính thường xuất hiện tâm lý “biên chế chính thức thì không ai sa thải được”.

Những người không tán thành lại nhìn nhận, nếu bỏ chế độ biên chế suốt đời, tức không còn hợp đồng lao động không thời hạn, thủ trưởng cơ quan, đơn vị sẽ như một “ông trời con”. Lúc đó, viên chức trong cơ quan, đơn vị sẽ có “quyền sinh, quyền sát” rất lớn, không cẩn thận sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Tháng 5.2019, khi được hỏi về chủ trương bỏ biên chế đối với viên chức, ông Trịnh Ngọc Phương, ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh bày tỏ quan điểm, chủ trương bỏ biên chế suốt đời là cần thiết và đúng đắn. “Hiện nay, biên chế đã và đang là một bài toán khó đối với Chính phủ. Mặc dù chính sách tinh giản biên chế đã đạt được phần nào kết quả nhưng số lượng người làm công ăn lương vẫn rất nhiều.

Tổ chức bộ máy, như đã đề cập nhiều lần, còn cồng kềnh, hiệu quả hoạt động, năng suất lao động chưa cao. Mặt khác, chủ trương của Đảng và Nhà nước là thu hút những người thật sự có trình độ, có khát vọng cống hiến vào làm việc trong khu vực công mà chúng ta thường nghe nói là thu hút nhân tài. Vấn đề đặt ra là, mình thu hút, kêu gọi họ về phục vụ, cống hiến nhưng hết biên chế rồi, còn chỗ đâu sắp xếp? Đã đề cao và triển khai thực hiện chính sách đào tạo, thu hút người có tài mà lại cứ duy trì chính sách như hiện nay thì không có cách nào bố trí việc làm cho người tài. Một lãnh đạo hết tuổi, nghỉ hưu hoặc vì một lý do đặc biệt nào đó, bị kỷ luật chẳng hạn mới rời khỏi vị trí đang ngồi. Chờ đến đó thì rõ ràng cơ hội dành cho những người có trình độ, tâm huyết đã qua mất rồi”- ông Trịnh Ngọc Phương nói. 

Tháng 6.2019, thời điểm nổ ra nhiều cuộc tranh luận về giữ hay bỏ biên chế đối với viên chức, một vị làm công tác tổ chức trong ngành Giáo dục Tây Ninh nhìn nhận, thực ra việc sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức, trong đó phần quy định bỏ biên chế suốt đời không quá quan trọng. Người này phân tích, hiện tại, viên chức làm trong các cơ quan hành chính, cơ quan sự nghiệp công lập có thể chia làm hai loại, gồm hợp đồng lao động có thời hạn và không xác định thời hạn.

Trong đó, trường hợp lao động ký hợp đồng có thời hạn thì đã rõ, tức sau khi hết hạn, có ký tiếp hay không do hai bên thoả thuận hoặc tuỳ tình hình cụ thể của cơ quan, đơn vị. Loại thứ hai, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, có nghĩa là làm việc lâu dài. Tuy nhiên, cần hiểu đúng, hợp đồng lao động không xác định thời hạn không có nghĩa là người lao động không bị sa thải.

“Bất kỳ hình thức hợp đồng lao động nào, nếu người lao động vi phạm cũng bị kỷ luật hoặc sa thải”- vị cán bộ chỉ rõ. Vẫn theo ý kiến này, xu thế hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập lao động, việc bỏ biên chế suốt đời là một chủ trương đúng. “Khi người lao động nghỉ việc, thay vì được trả nửa tháng lương cho mỗi năm làm việc như trước, hiện nay, chế độ nửa tháng lương đó không còn, người lao động hưởng theo chế độ bảo hiểm. Đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu”.

Không hình thức nào có ưu điểm tuyệt đối

Thật ra, nếu có điều kiện theo dõi hoặc chịu khó tìm hiểu, chủ trương bỏ biên chế đối với viên chức đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua tại Nghị quyết 26-NQ/TW về công tác cán bộ. Ngày 19.5.2018, tại hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua Nghị quyết số 26 về “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Phần cuối của Nghị quyết 26 nêu, nguyên văn: “Xây dựng đồng bộ, toàn diện các đối tượng cán bộ ở các cấp. Chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao sức chiến đấu của lực lượng vũ trang. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học; có chính sách ưu đãi để xây dựng, sử dụng đội ngũ các nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực.

Củng cố, nâng cao ý thức trách nhiệm và tính Đảng đối với cán bộ trong các doanh nghiệp nhà nước, nhất là người đứng đầu; xây dựng quy định về tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ quản trị doanh nghiệp phù hợp với cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Nghiên cứu thực hiện cơ chế, chính sách liên thông, bình đẳng, nhất quán trong hệ thống chính trị; liên thông giữa cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức nói chung, giữa nguồn nhân lực ở khu vực công và khu vực tư; có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tiến tới bỏ chế độ “biên chế suốt đời”.

Bất kỳ hình thức hợp đồng lao động nào cũng có ưu điểm và hạn chế, đó là một thực tế khách quan. Nếu giữ hình thức hợp đồng lao động dài hạn (biên chế), người lao động yên tâm làm việc. Ai có nhiệt huyết sẽ tận tuỵ với chức trách của mình và họ cũng có động lực để phấn đấu cho sự nghiệp. Bộ máy nhà nước, do vậy không xảy ra nhiều xáo trộn và ít khi rơi vào tình thế bị động, đặc biệt là khâu tuyển dụng, tổ chức.

Người lao động rõ ràng khó yên tâm làm việc khi vừa làm vừa nghĩ đến chuyện “hết năm nay không biết đi đâu về đâu”. Thế nhưng, chế độ biên chế suốt đời cũng “góp phần” làm cho bộ máy nhà nước trì trệ, ý thức trách nhiệm của người lao động không cao vì nghĩ rằng vào biên chế là coi như an toàn, có “phao cứu sinh”. Không có gì khó hiểu khi năng suất lao động trong khối nhà nước thường thấp hơn khối doanh nghiệp. Chỉ cần lấy một ví dụ, ý thức làm việc của giáo viên trong trường tư thục thường tốt hơn trong trường công lập.

Tương tự, chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ của bệnh viện tư nhân thường tốt hơn bệnh viện công. Nhìn chung, dịch vụ được cung cấp bởi khối ngoài nhà nước thường cao hơn, chất lượng hơn so với trong nhà nước, bởi vì tính cạnh tranh cao hơn. Mặt khác, nếu bỏ biên chế, tức tạo hành lang pháp lý cho cơ quan sử dụng lao động theo tinh thần ai có ý thức trách nhiệm cao thì dùng, không thì cho nghỉ, tức có tiếp nhận và có sa thải, “có ra có vào”.

Ngay từ bây giờ, có một câu hỏi được đặt ra, sau ngày 1.7.2020, những viên chức mới được tuyển dụng và được điều động công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, theo luật mới, họ là người trong biên chế. Vậy, vì một lý do nào đó, khi chuyển về công tác ở vùng nội địa, đô thị, đồng bằng thì có phải ra khỏi biên chế để ký hợp đồng có thời hạn hay không?

Liên quan đến vấn đề này,trả lời phỏng vấn của Báo Tây Ninh, ĐBQH Trịnh Ngọc Phương nói: “Khi Bộ trưởng nói con số không tới 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ, tôi không ngỡ ngàng lắm. Vì nếu đánh giá con số này không chính xác, thì lấy cơ sở nào? Bởi vì các cơ quan, đơn vị đều hoàn thành nhiệm vụ, rất ít nơi có người không hoàn thành. Tôi cho rằng, Bộ trưởng đã thẳng thắn khi nhìn nhận việc đánh giá tình hình thực thi công vụ của công chức, viên chức hiện nay còn chung chung, còn nể nang, cảm tính.

Thực tế cho thấy, việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hằng năm còn nể nang do nhiều yếu tố. Chẳng hạn như ảnh hưởng tới kết quả thi đua chung của tập thể; muốn “động viên” cán bộ, công chức, viên chức; tác động của những người có ảnh hưởng… Vấn đề cốt lõi là phải loại bỏ được sự nể nang trong công tác nhận xét, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức cũng như trong quá trình thực hiện Nghị định 108.

Hiện nay, theo đánh giá của dư luận xã hội cũng như của nhiều cán bộ lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, công chức vẫn còn tình trạng “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Theo tôi, muốn đánh giá năng lực hoàn thành nhiệm vụ của công chức, viên chức cần xây dựng bộ tiêu chí hết sức cụ thể để có kết quả sát với thực tế. Lấy định lượng làm thước đo, hạn chế định tính, đồng thời phải dựa vào sự hài lòng của người dân. Lúc đó tôi hy vọng rằng sẽ có những con số sát với thực tiễn hơn. Khi chúng ta đánh giá một cách rõ ràng thì đó mới là động lực thực sự thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức làm việc tốt hơn”.

VIỆT ĐÔNG

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục