Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thế giới năm 2020: Từ khóa ‘lockdown’ chiếm sóng, nỗi đau tê liệt và 'cửa sáng' cho năm 2021
Thứ ba: 21:04 ngày 15/12/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đánh giá về sự đảo lộn cuộc sống do Covid-19 mang lại cho thế giới năm 2020, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ của trang từ điển nổi tiếng Collins đã lựa chọn từ khóa "lockdown" (“phong tỏa” hoặc “đóng cửa”) làm từ khóa tiêu biểu nhất năm.

Sự xuất hiện và lây lan tới chóng mặt, vượt ra ngoài biên giới của dịch Covid-19 đã làm thế giới năm 2020 đảo lộn. (Nguồn: UNCTAD)

Nếu như vào cuối năm 2019, giới chuyên gia đã từng đưa ra dự báo về những gam màu lạc quan trong bức tranh triển vọng thế giới năm 2020, như sự thịnh vượng toàn cầu đang tăng lên, các quốc gia đều cải thiện điều kiện sống, xung đột bạo lực giảm bớt…, thì một cú sốc không thể lường trước đã ập đến. Đó là sự xuất hiện và lây lan tới chóng mặt, vượt ra ngoài biên giới của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Từ đây, Covid-19 đã làm cả thế giới đảo lộn và tê liệt.

Một năm chưa từng có tiền lệ

Cuối năm 2019, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) bắt đầu xuất hiện căn bệnh lạ gây viêm phổi cấp, căn bệnh mà ở thời điểm vẫn chưa ai biết được rằng nguyên nhân của nó chính là do virus SARS-CoV-2 gây ra. Không ai có thể ngờ rằng, căn bệnh đó sau này đã bùng phát trở thành đại dịch toàn cầu và sau một năm hoành hành, đến nay nó đã khiến hơn 72,6 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh và cướp đi sinh mạng của hơn 1,6 triệu người. Thế giới vẫn chưa được một ngày bình yên kể từ khi Covid-19 xuất hiện.

Từ tâm dịch Vũ Hán, virus SARS-CoV-2 đã nhanh chóng lây lan và đến nay đã xuất hiện ở hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 73 triệu ca nhiễm và hơn 1,6 triệu trường hợp tử vong. Cú sốc Covid-19 đã buộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu ngày 30/1, rồi sau đó xác nhận đây là đại dịch toàn cầu vào ngày 11/3.

Có thể thấy con virus SARS-CoV-2 tuy bé nhỏ nhưng lại biến ảo vô cùng khó lường. Trong 12 tháng qua, đã có lúc dịch có dấu hiệu lắng xuống như ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, hay các nước châu Âu, nhưng rồi sau đó lại nhanh chóng bùng phát trở lại. Rất nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là châu Âu hiện đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ hai, thậm chí thứ ba, gia tăng đến chóng mặt.

Sau một năm, hiện Mỹ vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19, tiếp sau đó là Ấn Độ, Brazil, Nga, Pháp, Anh, Italy…

Đánh giá về sự đảo lộn cuộc sống do Covid-19 mang lại trong năm qua, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ của trang từ điển nổi tiếng thế giới Collins đã lựa chọn từ khóa "lockdown" (tạm dịch là “phong tỏa” hoặc “đóng cửa”) làm từ khóa tiêu biểu nhất của năm 2020.

Theo định nghĩa của từ điển Collins, từ khóa “phong tỏa” đã phản ánh trải nghiệm chung của hàng tỷ người dân trên thế giới khi dịch Covid-19 lây lan với tốc độ chóng mặt, khiến chính phủ các quốc gia ban bố lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn dịch. Nó cũng cho thấy người dân thế giới đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống đại dịch Covid-19 bằng việc hạn chế các hoạt động.

Số liệu Collins ghi nhận cho thấy đã có hơn 250 nghìn lượt từ "phong tỏa" được sử dụng từ đầu năm đến nay, chủ yếu trên các website, sách báo, đài phát thanh, truyền hình. Trong khi đó, năm ngoái chỉ ghi nhận sử dụng 4 nghìn lượt từ này.

Theo CNN, từ “phong tỏa” bắt đầu xuất hiện trên các bản tin thời sự vào tháng 1 năm nay, khi chính quyền thành phố Vũ Hán của Trung Quốc áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt để phòng, chống một loại virus mới lây lan. Kể từ đó, rất nhiều quốc gia đã ban hành lệnh phong tỏa với những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt chưa từng có nhằm tránh sự tiếp xúc trực tiếp giữa con người với con người, biến năm 2020 trở thành một năm không giống bất kỳ năm nào trong lịch sử hiện đại.

Những hệ lụy kinh khủng

Ngoài việc khiến cuộc sống của người dân đảo lộn và tê liệt trong một năm qua, đại dịch Covid-19 xuất hiện còn khiến các dự định, mục tiêu lớn của thế giới trong năm qua bị thay đổi.

Nếu như vào đầu năm 2020, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres đã từng tuyên bố về 4 mục tiêu lớn quyết tâm giải quyết trong năm 2020 là tìm kiếm giải pháp cho những căng thẳng chính trị; đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu; thúc đẩy các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG); và tăng cường sự phối hợp giữa Liên hợp quốc và các thể chế đa phương khác; thì nay, đại dịch Covid-19 đã khiến các mục tiêu này không thể thực hiện, thậm chí nhiều thành quả mà LHQ đã nỗ lực vun đắp suốt bao năm bỗng chốc tan thành mây khói.

Giờ đây, 4 mục tiêu vẫn đang nằm trên bàn nghị sự của những năm tới và có lẽ con đường hướng đến những mục tiêu này sẽ xa hơn và gian nan hơn rất nhiều khi mà cộng đồng quốc tế vẫn đang phải vật lộn với đại dịch.

Trong báo cáo tổng kết năm 2020, TTK LHQ Antonio Guterres đã phải đau lòng thừa nhận thế giới có thêm khoảng 100 triệu người bị đẩy trở lại tình trạng đói nghèo và đây cũng là lần đầu tiên chỉ số nghèo đói trên toàn cầu tăng kể từ năm 1998.

Đại dịch Covid-19 còn dẫn đến hệ lụy kinh khủng là tình trạng tăng trưởng chậm và nợ cao ở nhiều nước trên thế giới. Theo giới chuyên gia kinh tế của Viện Tài chính quốc tế (IIF) mới đây đưa ra dự báo đáng lo ngại: Tỷ lệ nợ/GDP sẽ tăng tới 365% trong những tháng tới, kèm theo bình luận đây sẽ là đợt “sóng thần nợ càn quét thế giới”. Cho tới cuối năm 2020, theo IIF, tổng nợ toàn cầu sẽ tăng lên mức cao kỷ lục, là 277.000 tỷ USD.

Nguồn baoquocte

Tin cùng chuyên mục