Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Dưới đây là tổng hợp các tin tức thế giới nổi bật nhất trong tuần vừa qua từ ngày 9/4 - 15/4/2017.
Các tên lửa phóng từ tàu ngầm được giới thiệu trong lễ diễu binh của Triều Tiên. Nguồn: Reuters
Triều Tiên duyệt binh lớn nhất lịch sử kỷ niệm ngày sinh cố lãnh đạo lập quốc Kim Nhật Thành: Sáng 15/4, CHDCND Triều Tiên đã tiến hành lễ diễu binh rầm rộ phô trương sức mạnh nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang rất căng thẳng.
Tại Lễ diễu binh, Triều Tiên ra mắt các tên lửa phóng từ tàu ngầm. Đây là lần đầu tiên Triều Tiên trưng ra cho cả thế giới thấy hình ảnh của các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của nước này. Trước đó, quan chức cấp cao thứ hai của CHDCND Triều Tiên ngày 15/4 tuyên bố nước này đã sẵn sàng đáp trả bất cứ cuộc tấn công hạt nhân nào từ Mỹ.
Trước đó, ngày 8/4, một quan chức giấu tên của Mỹ nói với hãng tin Reuters rằng một nhóm tàu tấn công của Hải quân nước này di chuyển theo hướng Tây Thái Bình Dương gần bán đảo Triều Tiên. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh lo ngại gia tăng về chương trình vũ khí đang có những bước tiến bộ đáng kể của Triều Tiên.
Bom GBU-43/B được mệnh danh là "mẹ của các loại bom". Nguồn: Reuters
Mỹ thả “Mẹ của các loại bom” xuống Afghanistan: Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Adam Stump cho biết, quả bom có tên chính thức là GBU-43/B, dài 9,17 m, đường kính 102,9 cm, chứa khoảng 11 tấn thuốc nổ, được mệnh danh là “mẹ của tất cả các loại bom”.
Quả bom được thả xuống các mục tiêu của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Afghanistan lúc 7h32 tối 13/4 từ máy bay vận tải MC-130, do Bộ Tư Lệnh Chiến Dịch đặc biệt của không quân chỉ huy.
Các chuyên gia quốc tế cho rằng, Mỹ thả bom mẹ GBU-43 xuống Afghanistan nhằm phô trương thanh thế, cảnh cáo IS và các quốc gia đối lập.
Một em bé là nạn nhân của cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria hôm 4/4. Nguồn: AP
Xác định chất độc kinh hoàng giết chết hơn 80 người Syria: Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sáng 12/4 (giờ New York), Đại sứ Anh Matthew Rycroft cho biết, các nhà khoa học Anh đã phân tích những mẫu đất tại nơi xảy ra vụ tấn công hóa học hôm 4/4 tại tỉnh Idlib của Syria và thu được kết quả dương tính đối với chất độc sarin hoặc tương tự như sarin.
Ông Rycroft cho biết thêm, Anh có chung nhận định với Mỹ rằng nhiều khả năng chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad là chủ mưu “vụ tấn công bằng khí độc sarin” này.
Trong khi đó, Tổng thống Assad ngày 14/4 khẳng định vụ tấn công bằng vũ khí hóa học vừa qua là “sản phẩm dàn dựng” nhằm tạo cớ để Mỹ đánh Syria. Ông Assad tuyên bố, quân đội Syria đã từ bỏ hoàn toàn kho vũ khí hóa học của mình theo thỏa thuận năm 2013 do Nga làm trung gian với Mỹ.
Ngoại trưởng của các nước G7 nhóm họp tại thành phố Lucca, Italy hôm 11/4. Nguồn: Washington Times
G7 không nhất trí trừng phạt Nga: Các nước thành viên của Nhóm 7 cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã không đạt được sự đồng thuận về việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, do sự ủng hộ của Moscow đối với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Ý tưởng được Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nêu ra tại cuộc họp ở thành phố Lucca, Italy hôm 11/4. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Italy Alfano, người chủ trì cuộc hội đàm của G7, cho rằng cô lập Nga hay dồn nước này vào chân tường “sẽ là điều sai trái”. Thay vào đó, đối thoại với Nga là phương án được các nước G7 lựa chọn.
Đoàn Thị Hương đến tòa hôm qua. Nguồn: Reuters
Công tố chưa có đủ tài liệu, Đoàn Thị Hương sẽ bị xử tiếp vào 30/5: Theo The Star, thẩm phán phiên tòa xét xử Đoàn Thị Hương và nghi phạm Indonesia Siti Aisyah vào 13/4 là ông Harith Sham Mohamed Yasin đã quyết định tiến hành buổi xét xử tiếp theo vào ngày 30/5 do bên phía công tố viên chưa có đủ tài liệu cho hồ sơ vụ án.
Nếu đầy đủ bằng chứng và thủ tục cần thiết, vụ án sẽ được chuyển lên tòa án cấp cao Shah Alam. Theo trình tự, tại tòa án cấp cao, công tố viên và luật sư bào chữa sẽ tranh tụng trước tòa. Nếu phán quyết của phiên này không được chấp nhận, vụ việc sẽ tiếp tục lần lượt được chuyển lên tòa phúc thẩm và tòa liên bang.
Người đàn ông Triều Tiên có tên trên hộ chiếu là Kim Chol ngày 13/2 thiệt mạng ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur, sau khi bị Aisyah và Đoàn Thị Hương bôi hóa chất lên mặt. Malaysia và Hàn Quốc cho rằng người đàn ông chết là Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không xác nhận điều này, chỉ nói ông ta tên Kim Chol như trên hộ chiếu.
Nghi phạm Shibuya Yasumasa. Nguồn: Asahi
Nhật Bản bắt hàng xóm của bé gái Việt bị sát hại: NHK dẫn thông tin từ cảnh sát tỉnh Chiba cho hay người đàn ông bị bắt là Shibuya Yasumasa (46 tuổi), hàng xóm của gia đình bé Lê Thị Nhật Linh. Người này cũng chính là hội trưởng hội phụ huynh trường tiểu học Mutsumi số 2, nơi Linh theo học.
Theo cảnh sát, kết quả giám định cho thấy ADN của Shibuya trùng khớp với ADN trên các đồ vật của Linh được tìm thấy tại hiện trường. Xe của nghi phạm cũng trùng với hình ảnh phương tiện khả nghi thu thập được qua camera an ninh.
Bé gái 9 tuổi Nhật Linh mất tích vào sáng 24/3 sau khi rời khỏi nhà đến ngôi trường cách đó chỉ 10 phút đi bộ. Hai ngày sau, thi thể không quần áo của em được phát hiện trên một bãi cỏ gần cống thoát nước tại thành phố Abiko, cách nhà khoảng 10 km.
Xe chở các công tố viên đến thẩm vấn bà Park Geun-hye sáng 12/4. Nguồn: Yonhap
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị thẩm vấn lần cuối: 9h15 sáng 12/4, các công tố viên Hàn Quốc đã có mặt tại trung tâm giam giữ ở thủ đô Seoul, nơi cựu Tổng thống Park Geun-hye đang bị tạm giam, để tiến hành buổi thẩm vấn thứ 5 kể từ khi bà bị tạm giam tháng trước.
Cuộc thẩm vấn này có thể là cuộc thẩm vấn cuối cùng trước khi các công tố viên chính thức buộc tội bà Park.
Cựu Tổng thống Hàn Quốc đang phải đối mặt với các cáo buộc nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực và để lộ bí mật của chính phủ. Nếu bị kết tội, bà Park Geun-hye có thể bị tuyên án từ 10 năm tù giam đến chung thân.
Hiện trường vụ tai nạn máy bay Tu-154 tại Smolensk (Nga) vào năm 2010. Nguồn: NBC
Ba Lan công bố kết quả điều tra vụ tai nạn máy bay thảm khốc 2010: Ba Lan ngày 10/4 công bố kết quả điều tra lại vụ máy bay Tupolev Tu-154M của lực lượng không quân nước này chở Tổng thống Lech Kaczyncki và 95 người khác, trong đó có nhiều quan chức cao cấp chính phủ và quân đội, bị rơi khi đang tìm cách hạ cánh xuống sân bay quân sự Smolensk của Nga năm 2010, khiến toàn bộ 96 người trên khoang thiệt mạng.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Warsaw, đại diện Ủy ban điều tra mới của Ba Lan cho biết đã có một vụ nổ xảy ra trên khoang, làm chiếc Tupolev bị vỡ vụn thành nhiều mảnh trên không trung trước khi viên phi công cố gắng tiếp đất. Nguyên nhân chính xác gây ra vụ rơi máy bay nói trên vẫn chưa được làm rõ.
Nguồn BHT