Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thế giới tuần qua: Thế giới ‘nóng’ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, căng thẳng Ấn Độ-Pakistan
Chủ nhật: 16:24 ngày 03/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2 diễn ra tại Việt Nam và căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan leo thang là hai tiêu điểm đáng chú ý trong tuần.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai ở Hà Nội ngày 28/2/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN

Bất đồng được thu hẹp

Ngày 28/2, cuộc hội đàm chính thức giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra tại khách sạn Sofitel Legend Metropole, Hà Nội, trước sự hy vọng hai bên lần đầu tiên sẽ đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, mở khả năng Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt, tạo cơ hội cho kinh tế Triều Tiên phát triển.

Tuy nhiên, trong một diễn biến bất ngờ, trái ngược với tình hình lạc quan trong cuộc đối thoại 1-1 và bữa tối chung vào 27/2 tại khách sạn Metropole giữa hai nhà lãnh đạo, Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Triều Tiên kết thúc sớm hơn dự kiến, các khâu chuẩn bị theo lịch trình như cùng ăn trưa làm việc, ký văn bản chung đều bị hủy bỏ.

Hơn 2 giờ chiều ngày 28/2, Tổng thống Trump tổ chức cuộc họp báo ở khách sạn JW Marriott và tiết lộ lý do cuộc hội đàm kết thúc sớm. Theo người đứng đầu Nhà Trắng, việc hội đàm đỗ vỡ có liên quan đến việc hai bên vẫn chưa giải quyết được “khúc mắc” liên quan tới dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Đến 23h30 cùng ngày ngày, Triều Tiên bất ngờ tổ chức cuộc họp báo hiếm hoi về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2 kết thúc sớm hơn dự kiến. Tại cuộc họp báo, đại diện Triều Tiêu cho biết, chỉ  yêu cầu gỡ bỏ 5 trong tổng số 11 lệnh cấm vận được Hội đồng bảo an LHQ thông qua trong năm 2016 và 2017. Ông Ri Yong Ho cho rằng nguyên nhân hai bên không thể đạt được một thỏa thuận tại cuộc gặp gỡ lần này là do phía Mỹ yêu cầu Triều Tiên cam kết nhiều hơn nữa.

Dù không đạt được thỏa thuận, song Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã "có thời gian hữu ích" với nhà lãnh đạo Kim Jong-un và không khí kết thúc cuộc gặp "rất tốt, không ai ra về trong giận dữ". Trong khi đó, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) sau khi kết thúc hội nghị ngày 1/3 đã có một bài viết, khẳng định Mỹ và Triều Tiên sẽ duy trì đối thoại tích cực, cũng như cam kết tổ chức một hội nghị thượng đỉnh mới. Cùng ngày, báo Rodong Simun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, cũng khẳng định Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ đàm phán.

Giới quan sát nhận định kết quả cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội cho thấy vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên thực sự là bài toán hóc búa, không dễ giải quyết trong thời gian ngắn. Kết quả cho thấy Mỹ và Triều Tiên đều cần thêm thời gian để cân nhắc có những nhượng bộ cần thiết cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Điều quan trọng là cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội đã thu hẹp khoảng cách giữa hai bên để Mỹ và Triều có thể tiếp tục cùng nhau vượt qua chặng đường dài tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2, Việt Nam đã chứng minh khả năng lớn trong việc tổ chức một sự kiện lịch sử, cũng như khẳng định chính sách đối ngoại của Việt Nam là đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới.

Khủng hoảng Ấn Độ-Pakistan

Xác máy bay quân sự Ấn Độ rơi ở Budgam, cách thủ phủ Srinagar thuộc khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát 34km về phía nam, ngày 27/2/2019. Ảnh: THX/TTXVN

9h tối 1/3 (giờ địa phương), phi công Ấn Độ bị bắt đã được thả khỏi nơi giam giữ của Pakistan trong cuộc trao trả tại biên giới giữa hai nước. Đây được coi là một động thái “tháo ngòi” cuộc khủng hoảng quân sự lớn nhất ở Nam Á trong nhiều năm qua. Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Pakistan Pakistan Imran Khan tuyên bố nước này trao trả viên phi công Ấn Độ như một "cử chỉ hòa bình" với quốc gia láng giềng.

Trước đó, căng thẳng giữa Pakistan và Ấn Độ tăng cao sau khi New Delhi ngày 26/2 xác nhận đã tiến hành không kích một trại huấn luyện của nhóm khủng bố Jaish-e-Mohammad (JeM) nằm ở khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát.

Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj nêu rõ quyết định không kích dựa trên việc Pakistan chưa có hành động chống các nhóm khủng bố, cũng như nguồn tin đáng tin cậy rằng JeM đang lên kế hoạch tiến hành các vụ tấn công tại Ấn Độ.

Đến ngày 27/2, quân đội Pakistan tuyên bố lực lượng không quân nước này đã bắn rơi 2 máy bay chiến đấu của Ấn Độ và bắt giữ một phi công. Ngay lập tức,  Bộ Ngoại giao Ấn Độ lên tiếng phản đối việc Pakistan bắt giữ người và đề nghị Pakistan đảm bảo an toàn cho phi công trên đồng thời mong muốn phi công này được trở về Ấn Độ ngay lập tức và an toàn.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng đã triệu Phó Đại sứ Pakistan Syed Haider Shah để trao công hàm phản đối về một số hành động của Islamabad, trong đó có việc Không quân Pakistan xâm phạm không phận Ấn Độ và việc binh sĩ Pakistan tấn công các cơ sở quân sự của Ấn Độ tại Đường ranh giới kiểm soát (LoC).

Trước những diễn biến căng thẳng leo thang, nhiều nước trong đó có Nepal, Anh, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng Nam Á, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế. Trong cuộc họp báo tại Hà Nội, Tổng thống Trump bày tỏ hy vọng căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan sẽ chấm dứt sau khi hai bên có những hành động quân sự đáp trả lẫn nhau.

Nguồn Báo Tin tức

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục