Theo dõi Báo Tây Ninh trên
7/11 đoàn thể thao Đông Nam Á không thể có tên trên bảng tổng sắp huy chương Olympic Tokyo 2020, trong đó có Việt Nam, qua đó cho thấy sự thua sút trong chiến lược đầu tư nhằm cạnh tranh thành tích ở đấu trường lớn nhất hành tinh
Thể thao Việt Nam (TTVN) tham gia đấu trường Olympic trên dưới 40 năm, không kể khoảng thời gian đầu từ Moscow 1980 cho đến Atlanta 1996 thuần túy mang tính học hỏi, đã bắt đầu vào cuộc tranh chấp thành tích cao kể từ Sydney 2000 với tấm HCB của võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân. Mặc dù vậy, qua 6 kỳ đại hội, TTVN mới chỉ vỏn vẹn 1 lần được đứng trên bục chiến thắng cao nhất nhờ đường đạn xuất thần của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở Rio 2016.
Phân tích "hiện tượng" này, ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao Thành tích cao Ủy ban TDTT - khẳng định rằng Hoàng Xuân Vinh "bắn" 23 năm ròng rã để có được khoảnh khắc thăng hoa tại Thế vận hội.
Một quá trình đầu tư dài hơi nhưng cũng có thể được xem là một trong những mô hình thành công mà với các cường quốc thể thao, chu kỳ này được công nghệ hóa, khoa học hóa để rút xuống còn từ 5-8 năm, cho ra đời một thế hệ VĐV thành công.
Khoảnh khắc tỏa sáng hiếm hoi của Trương Thị Kim Tuyền (trái) tại Olympic Tokyo 2020 Ảnh: REUTERS
Nhắc chi tiết quan trọng này để thấy là sau 4 thập niên tham dự với 10 kỳ Olympic, TTVN phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc ghi dấu ấn ở đấu trường danh giá này, nếu không muốn nói là thất bại.
TTVN với vỏn vẹn 1 tấm HCV, thứ hạng quá khiêm tốn so với vị trí hàng đầu khu vực của thể thao Thái Lan với tổng cộng 10 HCV Olympic, hay so với Indonesia khi nền thể thao xứ sở vạn đảo cũng đã kịp mang về đến 8 ngôi vô địch Thế vận hội.
Sau khi Trần Hiếu Ngân giành ngôi á quân tại Sydney 2000, taekwondo Việt Nam dần đánh mất thế mạnh ở khắp các đấu trường. Trong khi đó, Thái Lan mãi đến đầu thập niên 1990 mới bắt tay vào phát triển taekwondo từ bộ khung là các võ sĩ còn sử dụng đòn chân của kick-boxing.
Từ Athens 2004 đến nay, kỳ đại hội nào Thái Lan cũng có huy chương taekwondo mà đỉnh điểm là hành trình bất bại của nữ võ sĩ Panipak Wongpattanakit ở hạng 49 kg tại Tokyo 2020.
Cử tạ Việt Nam sản sinh ra nhiều lực sĩ tài năng ở các hạng cân nhẹ nhưng từ Hoàng Anh Tuấn (HCB Bắc Kinh 2008), Trần Lê Quốc Toàn (HCĐ London 2012) cho đến Thạch Kim Tuấn, việc đầu tư cho các tuyển thủ này, từ HLV, chế độ dinh dưỡng cho đến chăm sóc y tế, cảnh báo doping… luôn có vấn đề. Ngay chính Hoàng Xuân Vinh từ thời điểm đăng quang ở Rio 2016 đã 5 năm, vậy mà bắn súng Việt Nam vẫn không thể giới thiệu được tuyến xạ thủ hậu bị để gánh vác trọng trách thay thế đàn anh.
Dư luận người hâm mộ những ngày qua đang âm ỉ câu chuyện hơn 30 tỉ đồng đầu tư cho Nguyễn Thị Ánh Viên chỉ để tài năng bơi lội "trăm năm có một" này vẫy vùng ở Đông Nam Á, thay vì mở ra cơ hội cho cô tranh chấp ở World Cup, Olympic.
Tương tự là câu chuyện của Nguyễn Tiến Minh khi "lão tướng" 37 tuổi này còn phải đọ tài với các đối thủ kém mình cả chục tuổi ở môn cầu lông; chuyện thể dục dụng cụ toàn hảo thủ tranh chấp huy chương châu Á, các tour World Cup nhưng cứ ra Olympic lại lặng lẽ quay về.
TTVN cần phải có 1 chiến lược phát triển phù hợp từ quan điểm đầu tư, xây dựng kế hoạch, đề xuất các giải pháp và biện pháp thực hiện, cả việc xã hội hóa trong đầu tư thể thao thành tích cao, chỉ có như vậy mới hy vọng sau 1 - 2 chu kỳ Olympic nữa, TTVN sẽ tham dự Thế vận hội với tư thế sẵn sàng tranh chấp huy chương.
Nếu SEA Games chỉ là cuộc chơi của 11 nước trong khu vực, hay Asian Games có sự tham dự của 46 nền thể thao toàn châu Á thì Olympic là đấu trường khắc nghiệt nhất, nơi quy tụ những VĐV hàng đầu đến từ 205 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Phải có chiến lược thích hợp và thực hiện chiến lược ấy một cách bài bản, khoa học mới mong vượt qua được các đối thủ cực mạnh và đứng trên bục nhận huy chương.
Nguồn NLDO