Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trên hành trình dựng xây dựng và phát triển tại 3 ấp Tầm Phô, Kà Ốt và Suối Dầm, sự đóng góp của các chiến sĩ biên phòng ở miền biên viễn này là không hề nhỏ. Hết thế hệ này đến thế hệ khác, các chiến sĩ biên phòng thay phiên nhau kiên cường bám đất, bám dân, cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương và bà con nơi đây tiếp tục dựng xây, kiến tạo bộ mặt nông thôn mới.
Quân dân trên biên giới Kà Tum luôn kề vai sát cánh với nhau trong công tác bảo vệ biên giới
Dân dựa vào quân – Quân dựa vào dân
“Biên phòng ở đây là số 1. Hỗ trợ bà con từ chuyện làm ăn, học tập, chăm sóc y tế đến chuyện xoá đói giảm nghèo, cái nào mấy ảnh cũng chung tay vào phụ giúp bà con và chính quyền địa phương nơi đây”- ông Nguyễn Văn Lực, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Tầm Phô khẳng định khi nhắc đến lực lượng BĐBP trong hành trình kiến tạo Tầm Phô.
Còn ông Danh Ngất- Bí thư ấp Kà Ốt nhớ lại cái thời còn mang danh ấp trắng, gần gũi, động viên, chia sẻ nhiều nhất với bà con nơi đây vẫn là bộ đội biên phòng. Ông nhớ nhất là khoảng thời gian từ năm 1990 -1995, các chiến sĩ biên phòng Đồn Kà Tum vào đây để xoá mù chữ cho bà con trong phum. Thời đó, ở Kà Ốt, cái ăn lớn hơn cái học, hơn 80% thanh niên trong phum không biết tiếng Việt, nên không thể ra ngoài xin việc làm, cái khó này kéo thêm cái bất cập khác, như do mù chữ nên thường xuyên vi phạm luật. “Sau này, biết tiếng Việt rồi, người dân trong ấp đi chợ mua bán, làm thuê, làm mướn đều thuận lợi dễ dàng, không còn vi phạm Luật Giao thông, Luật Biên giới quốc gia. Đó là một bước ngoặc lớn đối với bà con Khmer ở đây”- Bí thư Danh Ngất nhớ lại.
Tiếp tục tìm hiểu câu chuyện về 3 ấp đồng bào dân tộc Khmer trên đất Kà Tum vào những năm gian khó, chúng tôi tìm gặp Thượng tá Trương Văn Tòng, nguyên đồn trưởng Đồn biên phòng Kà Tum, người gắn bó cả đời binh nghiệp của mình với đường biên, bà con dân tộc vùng biên Kà Tum này. Ông nhớ lại: Bà con hai bên biên giới có mối quan hệ dòng tộc với nhau, hằng ngày họ qua lại thăm thân, mua bán, muốn đi là đi, băng đồng là tới nơi, không màng gì đến luật. Hồi đó tuyên truyền về quy chế biên giới, nhưng bà con không biết tiếng Việt, mặt khác bộ đội cũng khó khăn khi sử dụng ngôn ngữ Khmer nên chúng tôi quyết định cửa chiến sĩ vào 3 ấp, vừa kết hợp xoá mù, vừa lồng ghép công tác tuyên truyền, đồng thời để cho các chiến sĩ nâng cao trình độ tiếng Khmer.
Mưa dầm thấm lâu, được Đảng quan tâm, được biên phòng chung sức, đời sống bà con Khmer vùng biên ngày một nâng lên, hiểu biết về pháp luật ngày càng nhiều, nhất là việc chấp hành quy chế khu vực biên giới, hiểu rõ quan điểm của Đảng ta về vấn đề chủ quyền lãnh thổ, từ đó việc chăn thả trâu bò sang đất bạn không còn tái diễn. Bên cạnh đó, người dân cũng hiểu vấn đề kết hôn với người bên kia biên giới- nếu không đúng trình tự thủ tục quy định là sẽ khó khăn trong chuyện hộ tịch, hộ khẩu, khai sinh cho con và nhiều hệ luỵ khác.
Quân dân Kà Tum chung sức bảo vệ biên giới
Tình quân dân trên biên giới Kà Tum
Cuối năm 2000, khi Nghị định 34 của Chính phủ ban hành về quy chế khu vực biên giới đất liền, kết hợp với công tác tuyên truyền, Đồn biên phòng Kà Tum gợi ý bà con thành lập các tổ liên kết sản xuất vùng biên, với phương châm “Một ngày ra đồng là một đợt tuần tra”. Theo đó, hằng ngày, bà con ra đồng vừa sản xuất, vừa trông coi, bảo vệ đất đai hoa màu cho nhau, đồng thời để ý đến các dấu hiệu đường biên hiện quản, “thấy lạ” là báo ngay với BĐBP và chính quyền địa phương. Đến năm 2006, khi có Chỉ thị 29 của UBND tỉnh về “Tổ chức phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, ấp khu vực biên giới”, bà con Tầm Phô duy trì 2 tổ liên kết sản xuất vùng biên và thực hiện phong trào này.
Hôm trở lại Tầm Phô, nhắc về những kỷ niệm thời giữ đất, ông Nguyễn Văn Lực- Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Tầm Phô chia sẻ: “Bên đây tụi tui làm ăn cái gì hiệu quả thì chỉ hết cho bà con bên đó, thậm chí còn giới thiệu chỗ mua vật tư nông nghiệp, thương lái có uy tín mua giúp hàng nông sản cho họ. Nhờ vậy đó mà biên giới này yên ổn suốt hơn 20 năm qua”- ông Lực cười sảng khoái.
Thiếu tá Nguyễn Văn Lành, nhân viên đội vận động quần chúng của Đồn biên phòng Kà Tum thông tin thêm, trong 3 ấp có 15 tổ đăng ký tham gia thực hiện các mô hình tổ tuần tra nhân dân, tổ sản xuất vùng biên, Tổ tự quản đường biên cột mốc, với nhiệm vụ trông coi đoạn biên giới dài 3,5 km, trong đó có 4 cột mốc chính, 7 cột mốc phụ.
Kà Tum là một địa danh rất quen thuộc đối với người dân Tân Châu nói riêng và Tây Ninh nói chung. Địa danh này khi xưa vừa là tên phum, vừa là tên xã. Sau này, Kà Tum không còn là địa danh hành chính nữa và được thay thế bằng cái tên mới Tân Đông.
Lê Quân