Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 10) đối với 7 di tích.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải. (Nguồn: Dân Việt)
Theo quyết định của Thủ tướng, 7 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt gồm:
- Di tích lịch sử Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.
- Di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Xương Giang, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
- Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Núi Non Nước, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.
- Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
- Danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.
- Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Đại Phùng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội.
- Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền - Chùa - Đình Hai Bà Trưng, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Trong số 7 di tích kể trên, di tích ruộng bậc thang Mù Cang Chải từng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia vào năm 2007. Di tích này có diện tích 330 ha nằm trên địa bàn 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình. Vào mùa lúa chín (giữa tháng 9, đầu tháng 10 hằng năm), khu ruộng bậc thang này thu hút nhiều khách du lịch đổ về tham quan.
Bên cạnh ruộng bậc thang, Mù Cang Chải còn có nhiều địa điểm đang được khai thác du lịch sinh thái như: khu du lịch Thác Mơ (thị trấn Mù Cang Chải), suối nước nóng Nậm Khắt, khu vực leo núi các xã Púng Luông, Nậm Khắt, hang động Nậm Khắt, bãi đá cổ xã Lao Chải, Chế Cu Nha, khu du lịch sinh thái Chế Tạo, Nậm Khắt, đặc biệt là địa điểm khai thác du lịch mạo hiểm dù lượn tuyệt đẹp tại đèo Khau Phạ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng nêu trên trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Nguồn baoquocte