Công nghệ   Khoa học

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thêm bí ẩn về ‘hệ Mặt trời thứ hai’ được giải mã 

Cập nhật ngày: 30/05/2017 - 09:08

Các nhà thiên văn học vừa khám phá thêm một điều bí mật về Trappist-1, hệ thống hành tinh được xem là hệ Mặt trời thứ hai trong vũ trụ.

7 hành tinh thuộc Trappist-1.

Trappist-1 bao gồm 7 hành tinh có kích cỡ tương đồng với Trái đất. Qua quan sát quỹ đạo của hành tinh Trappist-1h nằm ở vị trí xa nhất, nhóm nghiên cứu của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện hành tinh này mất 19 ngày để quay một vòng quanh ngôi sao chủ yếu ớt của nó. 

Phát hiện mới này gợi ý về khả năng Trappist-1h quá lạnh lẽo để tồn tại sự sống như chúng ta vẫn trông đợi. Mặt khác, nó cũng củng cố giả thuyết 7 hành tinh trong Trappist-1 đều quay quanh sao chủ trong một liên kết trọng lực chặt chẽ. 

Thomas Zurbuchen, Phó trưởng Ban Sứ mệnh Khoa học của NASA cho biết: “Thật hào hứng rằng chúng tôi đã hiểu thêm về hệ hành tinh này, đặc biệt là hành tinh h mà chúng tôi hầu như không có thông tin gì cho tới nay”. 

Theo ông Zurbuchen, phát hiện này là một ví dụ điển hình về cách cộng đồng khoa học đang khai thác sức mạnh của các dữ liệu bổ sung từ các sứ mệnh khác nhau của chúng tôi để tạo ra những khám phá thú vị như vậy”. 

TRAPPIST-1 là một ngôi sao lùn đỏ thuộc chòm sao Bảo Bình, cách Trái đất của chúng ta khoảng 40 năm ánh sáng. Ngôi sao này có nhiệt độ thấp hơn và màu sắc đỏ hơn Mặt trời của chúng ta rất nhiều, nhưng kích cỡ chỉ bằng 8% Mặt trời. Nhờ vậy, nước sẽ có khả năng tồn tại trên các hành tinh với quỹ đạo rất gần với nó.

Các nhà khoa học NASA tin rằng 3 trong số 7 hành tinh thuộc “hệ Mặt trời thứ hai” này nằm trong “vùng có thể sinh sống được”, nơi mà chất lỏng có thể bám trên bề mặt đá và sự sống có thể phát triển ở đó.

Nguồn Báo Tin Tức