Đọc báo in
Tải ứng dụng
Thêm các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng cuối năm
2009-10-04 05:57:00

Các Bộ, ngành nhất trí kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về Tập đoàn kinh tế để tạo khung khổ pháp lý đồng bộ của các tập đoàn kinh tế và các Tổng công ty Nhà nước.

Sức tiêu thụ hàng hoá vẫn tăng đều đặn là kết quả của việc áp dụng nhiều biện pháp bình ổn thị trường.

Các Bộ, ngành nhất trí kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về Tập đoàn kinh tế để tạo khung khổ pháp lý đồng bộ của các tập đoàn kinh tế và các Tổng công ty Nhà nước. Cùng đó, kéo dài thời hạn có hiệu lực của Quyết định 497 thêm 6 tháng để nông dân có thêm thời gian tiếp cận và hưởng lợi từ chính sách của Chính phủ.
Đó chính là một trong những nội dung được đưa ra tại hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết 9 tháng 2009 vừa diễn ra sáng 4.10 của Bộ Công Thương, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhằm bàn các giải pháp đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu trong 3 tháng cuối năm.
Nhận diện bất lợi và khó khăn
Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu cho biết, với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm là 64,68 tỷ USD, tăng 3% so với năm trước nhưng đến hết 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu cả nước mới chỉ đạt 41,73 tỷ USD, còn lại 22,95 tỷ USD là không có khả năng đạt được vì lượng dầu thô xuất khẩu chỉ còn khoảng 14% kế hoạch; mặt hàng nông sản đã huy động tối đa về lượng; các mặt hàng công nghiệp chế biến phục hồi chậm...
Vì vậy, nếu điều kiện giá dầu thô bình quân giữ ở mức 60-65 USD/ thùng, giá cả các mặt hàng thuận lợi cùng với sự cố gắng tiếp tục của các doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, toàn ngành mới chỉ phấn đấu đạt được kim ngạch xuất khẩu 59 tỷ USD trong cả năm 2009.
Theo Thứ trưởng Bùi Xuân Khu, đối với thị trường trong nước, cân đối cung cầu những mặt hàng trọng yếu được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của nhân dân.
Bên cạnh đó, mặt bằng giá không có biến động lớn và giữ mức tăng hợp lý, sức tiêu thụ hàng hóa vẫn tăng đều đặn là kết quả của việc áp dụng nhiều biện pháp bình ổn thị trường. Hơn nữa, biện pháp kích cầu nội địa của Chính phủ đã phát huy tác dụng tích cực, sức mua tăng dần qua các tháng.
Tuy nhiên, cho đến nay, các doanh nghiệp mới thực sự chú trọng khai thác thị trường nội địa đúng mức, nên nhiều sản phẩm trong nước chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người dân cả về chất lượng, mẫu mã, nhất là giá cả và phương thức phục vụ.
Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh còn diễn biến phức tạp. Sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước còn yếu, đang chịu sự cạnh tranh gay gắt của sản phẩm cùng loại nhập khẩu giá rẻ ngay trên sân nhà.
Kiến nghị các giải pháp
Tại hội nghị, ngoài việc bàn các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh sản xuất công nghiệp và xuất khẩu hàng hóa với tốc độ tăng trưởng cao nhất có thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng tới đây, Bộ Giao thông vận tải cần chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Lào Cai- Hải Phòng và xây dựng mới tuyến đường sắt Hải Phòng- Đình Vũ để tăng cường khả năng vận tải của tuyến đường này nhằm thoả mãn nhu cầu vận tải hàng hoá ngày càng tăng.
Ngân hàng Nhà nước ưu tiên bán ngoại tệ cho các đơn đơn vị thực hiện dự án đầu tư xây dựng phải nhập khẩu thiết bị và vật tư phục vụ cho sản xuất; hỗ trợ vốn vay cho các dự án trọng điểm đang triển khai như: dự án khai thác và tuyển quặng apatit, dự án khai thác muối kali tại Lào Cai....
Đặc biệt, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục điều chỉnh giá bán than theo lộ trình đã phê duyệt; hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với than xuất khẩu...
Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Huy Hoàng cho biết sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp kích cầu, khuyến khích sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước. Cần thiết có thể chỉ đấu thầu rộng rãi trong nước đối với một số sản phẩm mà trong nước đã sản xuất đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật và chất lượng như công tơ điện 1 pha và 3 pha...
Mặt khác, các bộ, ngành cũng nhất trí đưa ra kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về Tập đoàn kinh tế để tạo khung khổ pháp lý đồng bộ của các tập đoàn kinh tế và các Tổng công ty Nhà nước. Cùng đó, kéo dài thời hạn có hiệu lực của Quyết định 497 thêm 6 tháng để nông dân có thêm thời gian tiếp cận và hưởng lợi từ chính sách của Chính phủ.

(Theo TTXVN/Vietnam+)

Từ khóa:
Tin liên quan