Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thêm chế độ cho người đóng BHXH tự nguyện
Thứ ba: 16:07 ngày 05/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Người tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện khi đủ tuổi về hưu có thể đóng dồn một lần còn thiếu (không quá 10 năm - 120 tháng) cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Căn cứ theo Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng BHXH đúng quy định của pháp luật thì được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Cụ thể, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028, và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Theo lộ trình này, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong năm 2024 đối với nam là 61 tuổi, nữ là 56 tuổi 4 tháng. Điều kiện hưởng lương hưu trên cũng áp dụng đối với lao động tham gia BHXH tự nguyện.

Về mức đóng  tự nguyện, căn cứ quy định tại Điều 10 Nghị định số 134 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, mức đóng hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng, do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. 

Tính đến hết năm 2023 cả nước có khoảng 1,83 triệu người tham gia BHXH tự nguyện (Ảnh minh hoạ: Thạch Thảo)

Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn, thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. 

Về phương thức đóng, căn cứ quy định tại Điều 9 Nghị định số 134 của Chính phủ, người tham gia được chọn linh hoạt các phương thức: Đóng hàng tháng; đóng 3 tháng/lần; đóng 6 tháng/lần; đóng 12 tháng/lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau, nhưng không quá 5 năm/lần.

Người lao động cũng có thể đóng một lần cho những năm còn thiếu, đối với người tham gia đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định, nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng), thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Người đang tham gia BHXH tự nguyện được thay đổi phương thức đóng, hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện.

Việc thay đổi phương thức đóng, hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện được thực hiện ít nhất là sau khi thực hiện xong phương thức đóng đã chọn trước đó.

Thêm chế độ hưởng cho người lao động 

BHXH tự nguyện hiện nay có 2 chế độ bao gồm hưu trí và tử tuất. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi cơ quan soạn thảo luật đã bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan, khảo sát thực tiễn, tổng kết thi hành Luật BHXH năm 2014 cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số người tham gia BHXH tự nguyện chưa cao, trong đó chủ yếu là do chính sách BHXH thiếu hấp dẫn, người lao động chưa được hưởng các quyền lợi ngắn hạn, trong khi mức hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện còn rất thấp. 

Do vậy, trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đề xuất, người lao động tham gia BHXH tự nguyện (gồm cả lao động nữ và nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho một con. 

Chế độ trợ cấp thai sản của BHXH tự nguyện do ngân sách Nhà nước đảm bảo, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ không phải đóng thêm so với hiện hành. 

Việc bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, thu hút người dân (đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi) tham gia BHXH tự nguyện. 

Theo BHXH Việt Nam, thời gian qua, diện bao phủ bảo hiểm xã hội tiếp tục tăng. Tính đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 18,26 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi (tăng 1,17% so với thời điểm cuối năm trước đó).

Trong đó, có khoảng 1,83 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 3,92% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Nguồn vietnamnet.vn

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục