Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thêm chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp
Thứ ba: 18:33 ngày 16/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian gần đây, Tây Ninh có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi với hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

Sơ chế chuối già Nam Mỹ.

Đồng thời, tỉnh đang chú trọng phát triển các hình thức liên kết trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá có năng suất, chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp; hướng đến hình thành vùng sản xuất tập trung, khắc phục tình trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu...

Định hướng trồng cây ăn trái

Hiện ngành Nông nghiệp đang lựa chọn loại cây ăn trái phù hợp yêu cầu của thị trường như dứa, xoài, nhãn, bưởi da xanh, sầu riêng... Một số doanh nghiệp chế biến cũng đề xuất trồng một số loại cây ăn trái đang có nhu cầu tiêu thụ lớn như chanh, mãng cầu xiêm, chuối, mít, nhãn, sầu riêng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trên địa bàn tỉnh có 3.400 ha nhãn, chủ yếu là nhãn tiêu da bò, chiếm 0,8% diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh. Đây là loại cây ăn trái truyền thống, không phải là cây trồng mà các doanh nghiệp quan tâm đầu tư.

Muốn cây nhãn phát triển bền vững, thu hút doanh nghiệp đầu tư, cơ quan chức năng cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển thị trường, quảng bá các sản phẩm, đăng ký chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt là phải mở rộng diện tích trồng nhãn thành các vùng nguyên liệu tập trung theo tiêu chí cánh đồng lớn.

Tỉnh hiện có khoảng 2.400 ha xoài, lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ha/năm, chủ yếu là các giống dùng ăn tươi, chưa có nhiều diện tích xoài nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu chế biến của các doanh nghiệp. Đây là loại cây ăn trái có triển vọng, là một trong những sản phẩm chủ lực của các nhà máy chế biến và các chuỗi tiêu thụ. Do đó, tỉnh định hướng mở rộng diện tích trồng xoài thành vùng nguyên liệu tập trung, phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh cũng có hơn 700 ha bưởi da xanh và diện tích trồng đang được phát triển mạnh.

Theo Sở NN&PTNT, để phát triển bền vững cây ăn trái theo chuỗi giá trị, trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất tập trung, hàng hoá lớn; theo dõi, đánh giá, lựa chọn các loại cây ăn trái phù hợp, hiệu quả cho từng vùng; tập trung tổ chức sản xuất một số loại cây ăn trái có tiềm năng theo hướng hàng hoá, hiện đại; phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết: trồng - sơ chế - chế biến - tiêu thụ; đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng trang trại, gia trại quy mô thích hợp; khắc phục hoạt động kém hiệu quả của các hợp tác xã và tiếp tục thành lập các hợp tác xã kiểu mới thực sự có hiệu quả; quan tâm thu hút các doanh nghiệp đầu tư trồng, chế biến theo hướng doanh nghiệp vừa có vùng trực tiếp sản xuất vừa ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với các hợp tác xã, trang trại...

Thu hoạch mãng cầu trên địa bàn xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh.

Hỗ trợ lãi suất

Theo UBND tỉnh, quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh thời gian qua gặp không ít khó khăn, bất cập, do một số quy định không phù hợp với tình hình thực tế như: yêu cầu quy mô đầu tư dự án lớn; mức hỗ trợ lãi vay thấp, thời gian hỗ trợ ngắn; nhà đầu tư phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trước khi trình thẩm định...

Vì vậy, HĐND tỉnh cần ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ lãi vay mới cho giai đoạn 2019 - 2025 phù hợp với quy định của Trung ương và thực tế địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận với chính sách hỗ trợ thực hiện các dự án nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Mới đây, HĐND tỉnh thống nhất thông qua chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2025. Theo đó, dự án thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ được hỗ trợ 50% mức hỗ trợ lãi vay sau khi được ngân hàng thương mại giải ngân; nếu hết thời gian quy định hưởng hỗ trợ lãi vay, sản phẩm của dự án được cấp giấy chứng nhận VietGAP, VietGAHP, GlobalGAP và hữu cơ theo quy định thì được hỗ trợ 50% mức hỗ trợ lãi vay còn lại.

Trường hợp hết thời gian quy định được hỗ trợ lãi vay nhưng chưa được cấp chứng nhận theo quy định thì ngưng việc hỗ trợ 50% mức hỗ trợ lãi vay còn lại; trong quá trình sản xuất không được cơ quan chức năng chứng nhận sản phẩm của dự án đạt tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP, GlobalGAP và hữu cơ mà không chứng minh được việc thực hiện để chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn trên thì thu hồi phần đã hỗ trợ.

Đối với dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khi có biên bản nghiệm thu nội dung, khối lượng công việc đã hoàn thành theo dự án được phê duyệt sẽ được hỗ trợ 100% mức hỗ trợ lãi vay theo quy định. Riêng đối với dự án sơ chế, bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp khi có biên bản nghiệm thu nội dung, khối lượng công việc đã hoàn thành theo dự án được phê duyệt và đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định được hỗ trợ 100% mức hỗ trợ lãi vay.

Hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ

Theo UBND tỉnh, thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn. Có 5 dự án được UBND tỉnh phê duyệt (gồm cây dứa, chanh dây, chuối già Nam Mỹ) với mức chi hỗ trợ 30% tiền mua giống cây trồng tại các huyện Trảng Bàng, Tân Châu, Tân Biên với tổng diện tích 349 ha.

Để khuyến khích các hình thức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh điều chỉnh Nghị quyết về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025 cho phù hợp với quy định mới. Cụ thể, đối với dự án liên kết được ngân sách Nhà nước hỗ trợ vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm; nhà xưởng, bến bãi, nhà kho phục vụ sản xuất, sơ chế bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, mức hỗ trợ 30% vốn đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ xây dựng liên kết (tổng mức hỗ trợ tối đa không quá 10 tỷ đồng/dự án).

Trong quá trình sản xuất, đối tượng tham gia sản xuất đươc hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã; hỗ trợ 30% chi phí mua giống, vật tư thiết yếu ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, phục vụ xây dựng chuỗi liên kết; mức hỗ trợ tối đa đến 100% chi phí bao bì, nhãn mác sản phẩm.

NHI TRẦN

Tin cùng chuyên mục