Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thêm cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Thứ tư: 06:15 ngày 11/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vừa qua, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025.

Một cơ sở chăn nuôi gà. Ảnh: Nguyễn Tường

Theo đánh giá của UBND tỉnh, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vẫn còn chậm, chỉ đang ở giai đoạn kiến thiết cơ bản, chưa tạo ra hiệu quả và giá trị như mong muốn. Giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản năm 2019 ước thực hiện được hơn 26.000 tỷ đồng, bằng 96% so với kế hoạch. Đây là chỉ tiêu duy nhất trong 23 chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2019 không đạt theo kế hoạch đề ra. 

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp đã có chuyển biến, một số mô hình hiệu quả, nâng cao giá trị đơn vị diện tích. Các cây trồng truyền thống như lúa, cao su, mía… do hiệu quả thấp nên diện tích giảm dần, chuyển sang phát triển cây ăn trái. Ngành chăn nuôi cũng có sự chuyển dịch từ phương thức nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, theo hướng an toàn sinh học.

Một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị ngày càng phổ biến như phát triển nhà kính trồng rau, dưa lưới, nhà lưới trồng hoa lan cắt cành… Nhiều kỹ thuật tiên tiến được ứng dụng vào sản xuất như tưới mưa, tưới nhỏ giọt cho cây trồng… góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh hàng hoá. 

Trên địa bàn một số huyện, thành phố đã hình thành những chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Đơn cử như Hợp tác xã (HTX) Thực phẩm cho mọi nhà tại huyện Hoà Thành. HTX này đã áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất như trồng rau, trồng dưa lưới trong nhà kính, tưới phun mưa. Những thực phẩm sạch, được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã được ký kết hợp đồng bao tiêu với nhiều trường học, bếp ăn tập thể. HTX có sự định hướng đầu ra cho nông sản của nông dân khi được mùa. Vì vậy, thời gian qua, các xã viên luôn có thu nhập ổn định. 

Theo ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở NN&PTNT, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn phát triển khá mạnh. Toàn tỉnh có khoảng 30.000 ha tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, trên 70% trang trại chăn nuôi là trang trại lạnh; nông nghiệp công nghệ cao chiếm trên 30% giá trị ngành nông nghiệp.

Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã ban hành 10 chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, 7 chính sách đang còn hiệu lực, 3 trong số các chính sách đã đi vào cuộc sống. Có thể nói, việc tỉnh đưa ra nhiều quyết sách quan trọng đã tạo “cú hích” cho nông nghiệp chuyển mình. Với sự hỗ trợ của ngành chức năng, nhiều nông dân đã liên kết với doanh nghiệp làm ăn lớn, hướng tới hội nhập. Các gương sáng nông dân, doanh nghiệp đi đầu sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP, ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, trồng cây trong nhà lưới… thực hiện thành công chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở NN&PTNT, việc thực hiện một số cơ chế, chính sách chưa tạo được đột phá cho quá trình cơ cấu lại sản xuất; công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, thiếu kịp thời. Dù chính sách có nhiều nội dung hỗ trợ cho chuyển đổi mô hình sản xuất, nhưng người sản xuất chưa có kinh nghiệm… Kinh tế hợp tác, HTX phát triển khó khăn, quy mô nhỏ; liên kết để tạo ra sức mạnh trong sản xuất - tiêu thụ còn hạn chế; sản xuất còn manh mún; các mô hình sản xuất hiệu quả chưa được nhân rộng; giá cả bấp bênh, sản phẩm tiêu thụ khó khăn…

Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát huy lợi thế trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh tương xứng với tiềm năng, vừa qua, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025. Theo đó, doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo danh mục dự án theo Nghị quyết, thì sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất vay thương mại.

Cụ thể, mức hỗ trợ bằng chênh lệch lãi suất cho vay thương mại của các ngân hàng thương mại so với lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước tính trên số dư thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ. Thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 6 năm đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư, tối đa 5 năm đối với dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư; dự án của doanh nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập, thời gian hỗ trợ là 6 năm; dự án mà doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị được áp dụng hỗ trợ lãi suất theo chu kỳ sản xuất của sản phẩm. Hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất theo mức dư nợ thực tế của doanh nghiệp tại thời điểm xem xét hỗ trợ tối đa không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án, nhưng không quá 20 tỷ đồng/dự án.

Trại lạnh nuôi gà tại huyện Châu Thành.

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cũng được hỗ trợ chi phí theo từng danh mục dự án và mức hỗ trợ cụ thể. Đồng thời, hỗ trợ ngoài hàng rào dự án với doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo chính sách nhưng bên ngoài hàng rào chưa có đường giao thông đạt chuẩn cấp V đồng bằng, hệ thống điện, cấp thoát nước để phục vụ dự án thì được hỗ trợ bổ sung 70% chi phí đầu tư và không quá 3 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục trên. 

Nông nghiệp của tỉnh hiện còn nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển. Vì vậy, hy vọng khi chính sách này có hiệu lực (ngày 1.1.2020) sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có điều kiện phát triển nhanh và bền vững.

Vũ Nguyệt

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục