Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Công ty TNHH L.C (một doanh nghiệp tại Tây Ninh) đến Sở GT-VT Tây Ninh để “hiến kế” xử lý vấn nạn lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông.
Tin liên quan: |
Ngày 10.5, Công ty TNHH L.C (một doanh nghiệp tại Tây Ninh) đến Sở GT-VT Tây Ninh để “hiến kế” xử lý vấn nạn lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông.
Đại diện doanh nghiệp này cho biết, qua nghiên cứu thực trạng lục bình trên sông Vàm và quá trình giải quyết vấn nạn này trong thời gian qua tại Tây Ninh, Công ty L.C đã tìm được phương án khả thi. Trước sự chứng kiến của các chuyên gia Sở GT-VT và Sở KH-CN, đại diện công ty trên đã thuyết trình nguyên lý xử lý lục bình trên sông bằng phương tiện cơ giới. Qua vận hành thử nghiệm mô hình thu nhỏ của máy xử lý lục bình, Công ty L.C khẳng định máy có khả năng vớt lục bình rất nhanh, tối thiểu cũng phải gấp 3 lần các phương tiện đã thử nghiệm tại Tây Ninh trước đây, đồng thời thiết bị này còn có khả năng ép lục bình thành khối để dễ dàng vận chuyển, tiêu thụ, sử dụng sau khi đưa lên bờ.
Đại diện Sở GT-VT và Sở KH-CN vận hành thử nghiệm mô hình máy xử lý lục bình của Công ty LC |
Ông Trịnh Văn Lo- Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết, so với máy cắt rong, bèo đã được vận hành thử nghiệm trước đó, mô hình máy xử lý lục bình của Công ty L.C thể hiện được nhiều ưu điểm vượt trội. Tuy nhiên, điều này chỉ mới thể hiện trên lý thuyết chứ chưa được kiểm nghiệm thực tế nên còn cần thêm thời gian đưa ra thực địa khảo nghiệm mới có thể kết luận. Hơn nữa, hiện tại doanh nghiệp này chỉ mới thể hiện khả năng vớt và xử lý lục bình, nhưng chưa tìm ra giải pháp tiêu thụ, sử dụng lục bình ra sao khi đưa lên bờ. Đồng thời, phương án thanh toán kinh phí xử lý lục bình trên sông Vàm cũng chưa được Công ty L.C trình bày cụ thể.
Sở GT-VT đã hướng dẫn Công ty L.C làm một số thủ tục cần thiết ban đầu gởi các ngành chức năng, UBND tỉnh để xin chủ trương thực hiện. Nếu được chấp thuận, Công ty L.C cho biết sẽ chỉ mất 2 tháng để hoàn chỉnh phương tiện xử lý lục bình trên sông Vàm (dự kiến máy có kích cỡ dài khoảng 20m đến 25m, rộng từ 5m đến 7m, vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng) bằng nguồn vốn của công ty.
Trước đó, ngày 4.4.2010, Công ty TNHH MTV thương mại-xây dựng-đầu tư Mê Kông (TP.HCM) đã gửi Sở GT-VT Tây Ninh đề án tóm tắt về việc thu gom xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông. Đề án này cho biết, Công ty Mê Kông sẽ đầu tư khoảng 3 tỷ đồng để đầu tư máy cắt, băng tải, máy tách nước, máy đóng gói và nhân công để xử lý lục bình. Sau khi đóng gói, lục bình sẽ có thể chế biến thành phân mùn hoặc một số sản phẩm khác phục vụ trong nông nghiệp…
“Tây Ninh luôn hoan nghênh các đơn vị, cá nhân quan tâm, tham gia xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông. Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh tuyển chọn đơn vị, cá nhân nào thể hiện được nhiều ưu điểm nhất, có phương án khả thi nhất với chi phí thấp nhất trong việc xử lý lục bình trên sông”, ông Trịnh Văn Lo nói.
HOÀNG THI