BAOTAYNINH.VN trên Google News

Theo bước chân trâu

Cập nhật ngày: 06/06/2015 - 02:00

Tên anh là Nguyễn Thanh Phong, tự Út Dện, sinh năm 1986, quê ở xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, hiện ngụ tại ấp 1, xã Suối Dây, huyện Tân Châu. Ngồi nghe anh kể lại quãng đời đi ở của mình, vợ anh không khỏi ngậm ngùi rơi nước mắt…

Gia đình anh tổng cộng có 6 người, anh thứ út, tính tình thật thà, có phần hơi khù khờ. Quãng đời đi ở của anh là lâu nhất so với các thành viên khác trong gia đình. Nhà không ai biết chữ, nên lúc đi ở cho người ta chỉ toàn thoả thuận bằng miệng, hậu quả là toàn chấp nhận thiệt thòi khi các ông chủ giở thói bội ước.

Đời chăn trâu của anh Út Dện bắt đầu từ năm 2000. Theo lời kể thì lúc đầu việc đi ở của anh được tính công bằng lúa, sau đó là gạo, cuối cùng là nghé. Chủ nhà thường tính công theo kiểu một năm 6 giạ lúa, 5 thùng gạo hay 1 con nghé.

Anh đi ở cho ông chủ đầu tiên ở ấp 1, xã Suối Dây. Anh ở cho nhà này trong khoảng thời gian gần 4 năm, đảm trách công việc chăn giữ cả trâu lẫn bò khoảng 90 con. Do số lượng trâu bò quá nhiều nên không chỉ có Út Dện mà cả cha, mẹ, anh hai và chị tư của anh cùng phụ giúp quản lý bầy gia súc.

Người chị dâu thứ ba của anh cho biết: “Ở gần hết cả nhà nhưng chỉ tính công cho 2 người là cha và anh hai, với tiền công 200.000 đồng/tháng. Nhưng thỉnh thoảng gặp phải đau bệnh mới nhận được tiền, còn thì hầu như chỉ… ăn cơm trừ công. Vậy mà ông chủ cứ hứa hẹn, không thực hiện đúng lời hứa, nên Út Dện cùng gia đình phải bỏ đi”.

Hỏi sao không tìm nghề khác để sinh sống mà cứ phải đi ở cho người ta làm chi, Út Dện thật thà trả lời: “13 tuổi đã theo đám bạn đi chăn trâu- chỉ là cho vui. 14 tuổi thì chính thức lấy đó làm nghề mưu sinh. Trình độ không có, nào giờ chỉ biết đi theo trâu bò. Muốn đi chặt mía hay nhổ mì thuê cũng đâu có bằng người ta nên không ai thuê mình làm”.

Cuộc đời chăn trâu vui ít buồn nhiều. Vô phước gặp phải trường hợp chủ thuê mướn cố ý “quỵt” công là coi như bao công sức đổ bỏ. Chẳng hạn khi sắp đến thời hạn “thanh lý hợp đồng” cho người làm công thì chủ nhà kiếm chuyện chửi mắng, thậm chí đánh đập rồi… “xù” luôn công sá phải trả.

Đó là trường hợp Út Dện đã gặp khi chăn trâu cho ông chủ thứ hai từ năm 2004 đến 2006 tại ấp 6, xã Suối Dây. Theo thoả thuận thì anh phụ trách chăn giữ gần 50 con bò, mỗi tháng chủ cho 200.000 đồng, làm hết thời gian 3 năm sẽ được sở hữu một con bê.

Út Dện làm được 2 năm 6 tháng, lúc thời hạn bắt bê sắp đến, ngày nào anh cũng nước mắt chan cơm. Cuối cùng, anh bị chủ nhà vác rựa rượt chém, phải lẩn trốn trong đám mía 3 ngày, 3 đêm, đói quá phải ăn mía trừ cơm. Đến đêm thứ ba, khi đã gần kiệt sức anh mới đành liều lén tìm đường về nhà người anh ruột thứ ba để cầu cứu.

Năm 2007, Út Dện lại đi ở cho ông chủ thứ ba tại xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu. Lần này tiền công là 500.000 đồng/tháng, ăn ở… tự túc. Một số tiền quá ít so với công sức mà anh chàng làm công nghèo khó bỏ ra, trong khi gia đình anh vẫn luôn sống trong cảnh thiếu thốn. Vì thế chỉ ở được 2 năm, Út Dện đã phải tìm chỗ khác mà làm, mong được trả công khá hơn.

Năm 2009, Út Dện lại quay về Suối Dây chăn trâu cho ông chủ thứ tư, gần nhà ông chủ thứ hai, cũng ở ấp 6. Ông chủ này trả công 4.000.000 đồng/năm nhưng đến giờ vẫn còn thiếu anh… 200.000 đồng.

Do “hợp đồng làm công” chỉ thông qua thoả thuận miệng, nên Út Dện luôn phải chịu thiệt khi bị chủ trở mặt. Thua buồn, gia đình ngăn không cho Út Dện đi ở nữa nhưng ông chủ thứ năm- nhà ở ấp Phước Lợi 2, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu hứa hẹn sẽ làm hợp đồng đàng hoàng nên Út lại nhận lời.

Hợp đồng cũng được làm là một bản viết tay có nội dung thoả thuận đại ý: mỗi năm chăn trâu, Út Dện được bắt một con nghé, còn nếu không bắt nghé thì được nhận số tiền bằng với giá trị con nghé đó, năm nào sẽ thanh lý dứt điểm năm đó.

Thế là từ năm 2010, mỗi ngày Út Dện chăn hơn 50 con trâu cho ông chủ mới. Đến hẹn, gia đình muốn anh nhận nghé nhưng ông chủ bảo: “Tôi chỉ giữ giùm cho nó”.

Thời gian trôi đi, kéo dài từ năm này sang năm khác, mãi đến tháng 8.2014, gia đình Út Dện phải nhờ đến sự can thiệp của chính quyền địa phương ông chủ kia mới chịu trả trâu cho người làm công. Cả trâu lẫn nghé được 5 con. Ngày bắt trâu về, cả nhà mừng mừng tủi tủi, hàng xóm cũng mừng lây.

Sau 14 năm đi theo bước chân trâu, bán sức lao động đổi lấy miếng cơm, lần này trở về Út Dện nói với cha: “Cha đã lớn tuổi rồi, không làm gì ra tiền, con lựa hai con trâu bự nhất cho cha nuôi. 3 con còn lại để con làm vốn mà lập gia đình với người ta. Con còn trẻ, còn có thể làm nhiều việc khác kiếm ra tiền, người ta có trả công cho con ít hơn một chút cũng được”.

Qua mai mối, chàng trai nghèo cũng đã cưới được vợ. Bên vợ thương nên cũng không đòi hỏi gì nhiều. Sau đám cưới nghèo, đôi vợ chồng sống với nhau rất hạnh phúc. Trong khoảng thời gian này Út Dện được người chị thứ tư “huấn luyện” kỹ năng giẫy cỏ mía, cỏ mì… khuyên em quyết tâm đoạn tuyệt với cái nghề “ở đợ”.

Nhưng ở đời mấy ai được như ý muốn!

Đã nghèo còn mắc cái eo, mấy con trâu của Út Dện do quen được chăn thả trong lòng hồ Dầu Tiếng nên khi đem về nhà chúng hay chạy nhảy lung tung, chẳng may bị máy cày cán chết một con nghé lứa, anh đành phải bán lỗ, chỉ được 7 triệu đồng. Chủ máy cày thương tình cho thêm 2 triệu đồng nữa, Út đưa hết tiền cho cha.

Một khoảng thời gian sau, con trâu cái to khoẻ sắp đẻ con của anh lại giậm phải dây vàm không lên được mà chết dưới hầm bom. Lần này cũng phải bán lỗ chỉ được 13 triệu đồng và Út Dện cũng lại đưa hết cho cha.

Ông Nguyễn Văn Re- cha của anh nói: “Tôi già rồi, giữ cho con nó vui chứ lấy của nó làm gì, đổ mưa xuống tôi dùng số tiền này để mua lại con nghé cho thằng Út nuôi gây giống”.

Vợ chồng Út Dện.

Út Dện học nghề giẫy cỏ hoài mà vẫn không làm được như người ta. Lòng thoáng buồn, anh mộc mạc chia sẻ: “Tôi lại thấy… nhớ trâu, chắc tại tôi nặng nợ với mấy con trâu, con bò. Ở nhà chăn trâu, mình cũng không biết làm gì ăn, thôi thì giao trâu lại cho gia đình nuôi giùm, tôi đi coi trâu cho người ta nuôi cơm, lại được trả công để có thêm trâu.

Dù trước đây ông chủ có gây khó khăn trong việc trả trâu nhưng dù sao người ta cũng đã chịu giao trâu cho mình rồi. Lần này lại có hợp đồng rõ ràng, thôi thì tôi quay lại nghề cũ vậy”. Gia đình không ai muốn cho Út trở lại “nghiệp cũ” nhưng họ vẫn tôn trọng quyết định của anh.

Thế là Út Dện lại tiếp tục lên đường, đi chăn trâu cho ông chủ cũ, lại lẽo đẽo theo sau bước chân trâu. Chỉ khác, lần này có người vợ mới cưới cùng theo sát bên anh…

Quốc Sơn