Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cha tôi hơi khập khiễng khi bước chân lên bậc tam cấp của khu khám đa khoa. Chả là vì ngồi xe lâu nên chân cha tê và cũng bởi sự hoành tráng của bệnh viện lớn làm cha ngại.
- Ở đây thử máu tiểu đường giá nhiêu con?
- Dạ, tất cả có bảo hiểm chi trả tám mươi phần trăm rồi ạ!
- Nhưng cụ thể là bao nhiêu? Chỗ chị Hai quầy thuốc tây mỗi lần thử có hai chục ngàn thôi đó!
- Ở đây chắc không có giá đó đâu cha ơi vì là bệnh viện lớn, máy móc chính xác và còn in kết quả để bác sĩ theo dõi nữa.
- Vậy là mắc lắm! Thôi… mình về chỗ chị Hai rồi lấy kết quả đem lên đây cho bác sĩ đi con.
- Ôi trời… ba mươi cây số lận đó cha. Mà bác sĩ bệnh viện không chấp nhận kết quả ở ngoài đem vô đâu!
Vừa nói, tôi vừa nắm tay cha lách qua mấy bóng áo xanh bảo vệ đang đứng trước cửa. Cha làu bàu: “Làm như dễ kiếm mấy trăm lắm vậy à! Kêu tiết kiệm đồng nào đỡ đồng đó mà không nghe”.
Cha tôi nay đã bảy mươi. Phát hiện tiểu đường từ hai năm trước với chỉ số 220. Ðời ông bà tôi không ai mắc bệnh này, nên bệnh của cha không phải do di truyền rồi. Nhưng cha tôi hơn nửa đời chay lạt, một giọt rượu không uống, bia bọt cũng không dùng, thuốc lá càng không hút. Thì sao lại bị tiểu đường?
Ngày phát hiện bệnh của cha, chị em tôi và cha đều như người từ trên trời rơi xuống. Trong suy nghĩ của những người trẻ thế hệ 8X chúng tôi, tiểu đường là hậu quả của việc ăn uống quá độ hoặc bia, rượu nhiều, thức ăn nhanh nhiều đạm ít rau… Ðàng này, cha tôi ăn chay trường kia mà.
Nhưng bệnh vẫn ràng ràng rồi.
Em gái tôi tìm hiểu trên “bác gồ” thì trong vòng 0,62 giây đã có hơn ba mươi ba ngàn kết quả về căn bệnh tiểu đường, mà điều bất ngờ nhất là do dùng quá nhiều gạo trắng. Trời đất ơi, cha tôi nửa đời là nông dân, bữa cơm với món chính vẫn là cơm trắng mới có thể chắc bụng mà đi làm thì làm sao có thể còn món gì hơn nữa?
Thế là em tôi sưu tầm ngay một menu dài nhằng về các món ăn dành cho người tiểu đường rồi dán nơi nhà bếp cho mẹ tiện bề nấu ăn cho cha.
Từ một người đàn ông nặng sáu tám ký và có thể xốc lên vai vác đi vù vù một bao xi măng năm mươi ký, sau khi mắc bệnh, cha tôi chỉ còn năm mươi bốn ký, bao tro hỗn hợp cho cây cảnh cũng phải gù vai xuống mới rinh được.
Từ một người thợ hồ có thể leo trên giàn giáo bốn tầng, giờ cha tôi thấy chóng mặt khi leo đến tầng thứ hai. Ngày nào có thể đứng lâu trên giàn giáo vài tiếng đồng hồ, giờ chừng ba mươi phút là cảm giác chân run, lũ kiến bò ở lòng bàn chân đã hiện ra hàng đàn.
Nhưng mẹ tôi chăm chồng kỹ lắm. Bữa ăn của cha giờ chia nhỏ như bữa ăn em bé; với sáng bún riêu, hủ tiếu gì đó; chín giờ thì bông cải, đậu cô ve luộc; mười một giờ một chén cơm với hai trăm ram rau trộn hoặc rau luộc. Tráng miệng là một quả thanh long hoặc ly yến mạch không đường. Bữa xế bánh ướt hay con nui kèm ly đậu nành lạt. Chiều quay lại thực đơn bữa sáng.
Cha kêu khổ, rằng một người “thực như hổ” với bữa cơm bốn chén giờ bị cắt còn một thì sao mà sống? Mẹ liếc đầy yêu thương: “Ông muốn sống với con cháu cả đời hay sống một hai ngày rồi thôi?”. Vậy là cha lại ngoan ngoãn cầm ly sữa mè đen gạo lức cho bữa tối chứ không phải là hai ổ bánh mì kẹp chuối như lúc trước.
Tôi cũng bắt đầu “theo cha” bằng những món nước lá vối, nước dây khổ qua. Lần đầu cha phun vèo ra nói: “Trời ơi, cái mùi vị gì vậy? Thà cho tao uống xuyên tâm liên ực một phát là xong. Còn cái mùi này khó chịu quá! Bắt uống suốt ngày nữa”.
Tôi lại phải làm chuột bạch để ừng ực những ly nước lá cho cha xem. Ðể theo cha, cả nhà tôi dần dần mất hẳn bình nước lọc, chỉ còn những ấm nước lá thuốc nam nhân nhẩn, hăng hăng đặt từ phòng khách đến nhà bếp để cha “tiện tay” lấy khi khát.
Bài toán ăn uống ở nhà đã xong. Vậy còn những lúc cha ra đường đi chơi với bạn bè thì sao? Nhà đã mua sẵn loại đường dành cho người bị bệnh và khuyến khích cha bỏ vào túi áo mỗi khi đi cà phê nhưng cha bảo mắc cỡ lắm, ai lại hô lên là tôi bị bệnh tiểu đường cho cả quán cười cho.
Vậy là chị em tôi phải “trinh sát” những quán cha thường tới rồi nhỏ to với chủ quán và “xin” gửi lại đó hộp đường để mỗi khi cha kêu món gì thì bà làm ơn dùng đường riêng của người bệnh. Bà Tám Phú- chủ quán cha thường ghé nhất cười hí hí, nói cha mày bày đặt sĩ diện, nửa thế giới giờ đã bệnh như ổng rồi. Tao cũng vậy nè!
Gánh nặng lại được bỏ xuống thì đùng một phát, đường cha tôi lên ba trăm hai sau bữa đi đám giỗ nhà bác Hai Bò.
Cha nằm dàu dàu, sáng ăn chưa hết tô bún đã nằm tới trưa mới dậy. Ăn qua quýt dĩa rau trộn chứ không thèm ăn cơm nữa, rồi lại đi nằm và kêu: “Chai thuốc rượu Bình An của con đâu rồi. Cho cha mượn xoa bóp chút coi, đau nhức đâu từ trong xương ấy”.
Tôi xoa dầu bóp chân cho cha, bàn chân nhiều nốt chai sần nhưng khá lạnh dù cả ngày cha không tưới vườn hay dầm nước. Ði đo đường huyết thì đường lên cao đột ngột. Dò hỏi mãi cha mới nói khẽ: “Hôm qua đi đám giỗ gặp bác Năm Sáng, bạn hồi gần bốn chục năm trước giờ mới gặp lại nhau. Cha và bác ấy có uống một lon nước ngọt... Không dám nói, sợ mẹ con la…”.
Tôi thương cha đến rơi nước mắt. Căn bệnh quái ác đã lấy đi của con người ta nhiều thứ.
Vậy là đưa cha đi bệnh viện ngay.
Khu khám đa khoa không phải là ngày đầu tuần mà cũng đông chen chân không được. Những người bệnh đều có một vài người thân đi cùng. Không có số thứ tự, ai nộp sổ trước chờ kêu tên thôi. Nhưng âm thanh loa phát ra khá nhỏ mà tiếng ồn ào của con người cộng với tiếng quay vù vù của chiếc máy quạt nên người ta không nghe được nếu ngồi ở ghế chờ.
Vậy là cứ lố nhố vây quanh bàn gọi tên, dù nhiều lần các cô áo trắng kêu khổ.
Người phụ nữ ngồi bên trái cha tôi ngoài năm mươi, trang điểm kỹ nên trông tươi tắn như chẳng bệnh đau gì. Cô bắt chuyện:
- Anh bệnh gì?
- Tiểu đường.
- Nay nhiêu rồi?
- Bảy mươi.
- Tiểu đường gì bảy mươi ông?
- Tôi tưởng cô hỏi tuổi. Ðường hôm qua ba trăm hai.
- Cũng chưa bằng em. Bị bao lâu rồi?
- Hai năm. Còn cô?
- Mới ba tháng. Mà em ba trăm tám.
- Trời! Cao dữ nhen! Rồi có run chân hay kiến bò lòng bàn chân không?
- Không, chỉ thấy nhức mỏi. Có khi đuối như không có đôi chân vậy.
- Trời! Ghê vậy? Rồi chồng cô làm nghề gì? Các con có đỡ đần gì không?
- Em lập gia đình muộn, con mười tuổi, chồng bị tai nạn giao thông mất. Con giờ mười ba tuổi nên có nhờ cậy gì đâu.
- Hờ..ờ…ờ… tội cô không! Bệnh tật mà không có người thân thì mệt biết mấy.
- Dạ, bởi vậy, ông bà ta nói “nhỏ cậy cha, già cậy con” là đúng lắm ạ!
Tên cha đã được gọi. Tôi dắt tay cha đi cùng vào phòng khám. Vị bác sĩ hiền từ nhìn cuốn sổ khám bệnh và bảo: “Cho bác xét nghiệm tổng quát nghen!”. Cha tôi ngập ngừng: “Tổng quát là sao hả bác sĩ”. “Là xét nghiệm máu, đo điện tim, nội soi bao tử nếu có nhu cầu…”. “Làm nhiêu đó khoảng nhiêu tiền bác sĩ?”. Cha tôi nhỏ giọng nhưng cũng đủ làm vị thiên thần áo trắng cau mày: “Mình bệnh. Nhiêu cũng phải làm mà bác. Nhưng bác có bảo hiểm chắc không nhiều đâu”.
Ði thang máy chưa đầy ba mươi giây đã tới tầng ba, nơi xét nghiệm máu và đo điện tim. Cha nắm tay tôi run run: “Ðo điện tim là sao con? Ở đây… máy móc nhiều quá… cha sợ đau hoặc phát hiện thêm bệnh gì nữa đó…”.
Tôi dìu cha ngồi xuống ghế, trao cho cha chai nước lọc và lý giải rằng đo điện tim không đau. Hoặc giả sau phen xét nghiệm tổng quát này có biết thêm chứng bệnh nào đó gọi là phát hiện sớm để dễ chữa trị. Cha cúi đầu nói nhỏ: “Sao kỳ quá, già không chết đại đi cho rồi, bệnh chi vừa khổ mình, khổ con cái”. Tôi chỉ biết nắm tay cha thật chặt.
Cánh cửa phòng bật mở, bác sĩ gọi tên cha. Tôi lại một lần nữa an ủi cha rằng hãy bình tĩnh vì sẽ không đau.
Cha đã khuất sau tấm ri-đô màu kem nhạt. Tôi chợt thấy thương vô ngần, bởi ngọn thái sơn của chúng tôi bây giờ đang lo lắng và cô quạnh một mình bên giàn máy móc lạnh băng đang rì rì chạy mà không có bất cứ một người thân nào được ở bên.
Ð.P.T.T