Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Theo chân đội xe 0 đồng vào nơi 'ai cũng muốn đi ra'
Thứ sáu: 10:33 ngày 16/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Khoác lên người bộ đồ bảo hộ ngột ngạt, cabin xe nồng nặc mùi dung dịch sát khuẩn, nhóm tài xế đội xe chở hàng 0 đồng nổ máy, chuyển cơm, rau củ quả vào các khu cách ly, bệnh viện dã chiến...

Anh Chính trên chuyến xe chở hàng miễn phí 24/24 của mình.

Tình nguyện vào nơi "ai cũng muốn ra”

4h chiều, vẫn chưa kịp ăn bữa trưa, anh Trần Văn Chính (32 tuổi, tài xế đội xe chở hàng miễn phí 24/24) lại tất tả chuẩn bị lên đường. Anh nói, đã đến giờ lấy cơm tại các bếp ăn từ thiện để chở đi phát cho khu cách ly, bệnh viện dã chiến…

Gửi vội bộ đồ bảo hộ cùng đôi bao tay y tế, anh mời chúng tôi lên xe sau khi đã xịt khử khuẩn ca-bin. Trên đường đi, anh kể, từ đầu tháng 6, khi tình hình dịch bệnh phức tạp, công ty nơi anh làm việc kích hoạt đội xe chở hàng miễn phí 24/24 đến các khu cách ly, bệnh viện dã chiến.

Công ty kêu gọi tinh thần tự nguyện từ các tài xế vì đây là nhiệm vụ nguy hiểm, có nguy cơ lây nhiễm cao. Anh quyết tâm tham gia. Chỉ tay về phía một khu cách ly, anh nói: “Lúc đầu, bạn bè, gia đình cũng lo lắng lắm vì tôi cứ nhất định đi vào nơi ai cũng muốn đi ra. Nhưng tôi đã hạ quyết tâm”.

Trước khi nhận cơm đi phát, anh tranh thủ gửi rau, củ, quả cho bếp cơm từ thiện.

“Ngồi trên xe, di chuyển qua các tuyến đường, tôi thấy nơi đâu cũng có các lực lượng thực hiện công tác chống dịch. Lúc này, cả nước đang đoàn kết chống dịch, mình đâu thể ngồi yên”, anh nói thêm.

Quả thực, anh chẳng thể “ngồi yên”. Từ ngày đội xe được các hội, nhóm thiện nguyện biết đến, anh liên tục được họ liên hệ. Một ngày làm thiện nguyện của anh bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc lúc 11h đêm, thậm chí kéo dài đến 4h sáng hôm sau.

Anh kể: “7h sáng, tôi đi giao rau củ quả cho các bếp ăn từ thiện ở các quận, 10h30 đi lấy cơm ở các bếp cơm giao cho những khu cách ly, phong tỏa, bệnh viện… đã lên danh sách. Sau đó, tôi đi nhận gạo, nhu yếu phẩm từ các cơ quan chức năng, chở đến nơi cần phát. Chiều, tôi lại chạy đến các bếp cơm, nhận cơm đi phát”.

Ngoài việc nhận cơm, anh còn nhận các loại nước ép từ mạnh thường quân để chuyển vào bệnh viện cho y, bác sĩ.

“Phát xong, tôi đến điểm các mạnh thường quân tập kết rau củ quả để nhận hàng. Nhận xong, tôi phải đi giao ngay trong đêm cho các bếp ăn để họ bảo quản, chế biến. Nếu chậm trễ, thực phẩm sẽ hư hỏng, không tươi ngon. Những hôm hàng về nhiều, đến tận 4h sáng hôm sau, tôi mới về nhà”, anh kể thêm.

Suốt 1 tháng qua, anh hầu như ăn, ngủ trên xe. Thậm chí, anh bận đến nỗi không có thời gian gọi, nhận cuộc gọi từ vợ con ở quê. Mệt mỏi cộng thêm việc mất nước do phải “giam mình” trong bộ đồ bảo hộ suốt nhiều giờ liền, sau một tháng, anh gầy đi trông thấy.

Trên cabin xe chất đầy những bộ đồ bảo hộ, găng tay y tế, dung dịch sát khuẩn… chúng tôi di chuyển chầm chậm trên đường. Mỗi khi xe chạy ngang qua khu vực có khu phong tỏa, cách ly, anh lái xe chậm lại như muốn quan sát xem nơi ấy có đang được ai đó gửi, phát quà hay không. Xe dừng đèn đỏ, anh vội vàng cầm tờ danh sách các điểm nhận cơm, rau củ quả lên để ghi vào trí nhớ.

Chuẩn bị lên đường, chuyển cơm vào bệnh viện điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19.

“Phải đồng lòng mới mong sớm thắng đại dịch”

4h30 chiều, xe đến bếp cơm. Trên vỉa hè, những tình nguyện viên đang tất bật chuẩn bị các phần cơm, canh, nước ép. Mùi thơm từ gian bếp khiến chúng tôi ngỡ như đang bước vào một nhà hàng hạng sang với những món ăn thuần Việt.

Anh Chính đỗ xe, mở cửa. Nhân viên bếp cơm lần lượt chất những phần cơm thơm phức, nóng hổi lên thùng xe. Công việc hoàn tất sau ít phút ngắn ngủi. Anh ra hiệu cho chúng tôi mặc bộ đồ bảo hộ, đeo găng tay để chuẩn bị chở cơm vào bệnh viện gửi cho các bác sĩ.

Mọi công đoạn đều được anh và nhân viên bếp cơm thực hiện nhanh, gọn để hạn chế tối đa thời gian tiếp xúc với nhau. Anh nói, ngoài mục đích giảm thiểu thời gian tiếp xúc, việc nhận cơm thật nhanh còn mang ý nghĩa nhân văn.

“Mọi việc phải diễn ra thật nhanh để khi đến tay người cần, hộp cơm, bịch canh còn ấm, nóng. Nếu không, những phần cơm nghĩa tình, tâm huyết của các mạnh thường quân, bếp ăn sẽ không trọn vẹn. Đó cũng là yêu cầu tự chúng tôi đặt ra và cố gắng thực hiện cho bằng được”, anh Chính chia sẻ.

Chuyển cơm vào bệnh viện trong bộ đồ bảo hộ rộng thùng thình, nóng nực, vướng víu.

5h chiều, xe đến bệnh viện. Chúng tôi ngồi trên xe, chạy thẳng qua cổng có bảng thông báo “khu cách ly”. Trong bộ đồ bảo hộ rộng thùng thình, vướng víu, chúng tôi cùng anh chuyển những phần cơm được bếp cơm nấu cho các y bác sĩ. Rời khỏi cabin xe có máy lạnh, ngay lập tức, chúng tôi cảm nhận được sự ngột ngạt từ bộ đồ bảo hộ.

Chỉ ít phút, người chúng tôi đã mướt mồ hôi. Anh Chính nói, có như thế mới cảm nhận được sự vất vả của các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. “Nhiều hôm, tôi thấy các bác sĩ lộ rõ vẻ mệt mỏi. Họ chịu áp lực quá lớn. Phải mặc bộ đồ bảo hộ kín mít trong thời gian dài, ra mồ hôi nhiều, mất nước cộng thêm áp lực công việc khiến họ mệt mỏi vô cùng”, anh chia sẻ.

Việc gửi tặng cơm của chúng tôi cũng diễn ra trong “tích tắc”. Gửi lời chào, chúc sức khỏe các y bác sĩ, anh xịt khuẩn toàn xe rồi “lùa” chúng tôi lên cabin. Anh nói phải tranh thủ từng phút vì còn phải xuống Củ Chi lấy rau, củ, quả về gửi cho các bếp nấu.

Những phần cơm ấm nóng, nước ép trái cây mát lạnh được anh Chính chuyển đến y, bác sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch.

Anh Trần Mạnh Thái, Giám đốc công ty kích hoạt đội xe chở hàng miễn phí nói trên, cho biết, anh sớm nhận thấy sự cần thiết của việc vận chuyển thực phẩm đến các khu cách ly, bệnh viện dã chiến suốt thời gian dịch bệnh. Do đó, từ đầu tháng 6, anh tách riêng 5 xe tải 2,5 tấn và 1 xe bán tải của công ty để lập đội xe chở hàng 0 đồng.

Anh nói: “Công ty kết nối với mạnh thường quân ở các tỉnh gửi thực phẩm hỗ trợ TP.HCM chống dịch. Khi họ chở thực phẩm đến cửa ngõ TP.HCM, công ty sẽ điều đội xe này ra nhận hàng về chuyển cho các bếp cơm. Tùy theo số lượng hàng hóa, chúng tôi sẽ điều các loại xe phù hợp, nếu cần thiết có thể điều cả container đến hỗ trợ miễn phí”.

“Chúng tôi sẽ duy trì đội xe cho đến khi hết dịch. Hơn bao giờ hết, lúc này, mỗi chúng ta nếu giúp được gì trong việc chống dịch đều phải cố gắng. Không còn đường nào khác, tất cả phải chung tay, đồng lòng mới sớm đẩy lùi, chiến thắng dịch bệnh”, anh chia sẻ thêm.

Nguồn Vietnamnet

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục