Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930- 2005) viết: “Đồng chí Võ Văn Lợi từ Bà Điểm (Hóc Môn) lên Giồng Nần (huyện Châu Thành), vừa sinh sống vừa tuyên truyền giác ngộ quần chúng chống Pháp. Sau gần một năm hoạt động bí mật, năm 1930 đồng chí Lợi được Chi bộ Đảng ở Bà Điểm kết nạp vào Đảng, rồi nhận nhiệm vụ về Tây Ninh tiếp tục hoạt động và xây dựng phong trào cách mạng.
Đồng chí Lợi giác ngộ được 4 quần chúng tốt là anh Trương Văn Chẩn, Trương Văn Phú, Nguyễn Văn Viết, Trần Văn Luông làm nòng cốt cho phong trào…”.

Những bụi gừa bên rạch.

Ít lâu sau, đồng chí Lợi bị địch bắt đày ra Côn Đảo. Địch tăng cường khủng bố. Các quần chúng tốt ở đây có thêm hai anh Nguyễn Văn Độ, Đặng Văn Son, nhưng phải đổi vùng hoạt động “sang đất Campuchia vào các làng người Việt vừa cày thuê, gặt mướn, vừa móc nối với chi tổ chức Đảng ở Ba Ti…

Một thời gian nữa, các anh được chi bộ ở Ba Ti kết nạp và trở về lập cơ sở Đảng tiếp tục hoạt động ở Giồng Nần, Long Giang, Long Khánh thuộc Châu Thành…” (trang 39. Sđd. Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2010)

Con xuồng nhỏ trên rạch.

Như vậy là ngay từ năm 1930, hạt giống đỏ của cách mạng Việt Nam đã được gieo trên đất Giồng Nần. Tổ chức Nông hội Đỏ đầu tiên cũng được thành lập ở đây. Danh sách 12 người đầu tiên còn in khắc trên bảng đá đen trong Nhà lưu niệm ở khu di tích. Về sau, phần lớn những đảng viên đầu tiên ấy cũng bị địch bắt giết hoặc đày đi mất tích.

Bến Giồng Nần cuối rạch.

Nhưng phong trào cách mạng thì không mất. Đốm lửa đầu tiên đã nhen lên thành cả một phong trào cách mạng ở Tây Ninh. Từ Bàu Sen, Bàu Dài ở Dương Minh Châu, tới Quán Cơm của xã Thái Bình (nay là phường I) và sau nữa là Rạch Tràm, Phước Chỉ, Sở công nhân cao su Trà Phí, huyện Châu Thành… Để tới năm 1945, lực lượng cách mạng đã đủ sức lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Tây Ninh, 25.8.1945.

Sách không viết về đường lên Tây Ninh của Võ Văn Lợi. Nhưng năm 1929 thì giao thông vẫn còn chủ yếu bằng ghe xuồng, dù xe đò đã có chạy trên quốc lộ 22B. Quốc lộ thì đồn bốt giăng đầy, nên có lẽ các anh đã theo sông rạch Tây Ninh. Đấy cũng là con đường của lưu dân đi tìm và mở đất mới hàng trăm năm trước. Nhà thơ Trần Vạn An đã có đôi câu thơ nói về việc ấy, là: “Nặng nhọc thuyền cày nước ngược/ Nghe như cánh- mọc tâm hồn…” (bài thơ Ngược dòng sông Vịnh).

Nhà lưu niệm Nông hội đỏ

Về Tây Ninh, nếu bạn muốn tới thăm khu di tích quốc gia “Địa điểm thành lập cơ sở Đảng đầu tiên tỉnh Tây Ninh” thì tốt nhất là đi ghe từ Bến Đình, Trường Tây mà sang rạch Giồng Nần. Bởi ngày nay, tuyến này là một tuyến đường sông nước hoang sơ cực kỳ lý thú.

Bến Đình, cách quốc lộ 22B chỉ độ non trăm mét, vừa là bến nước đông vui, vừa có đỉnh Trường Tây cổ tích đã trăm năm. Thuê một chiếc ghe nhỏ gắn máy, là như chỉ có mình ban giữa trời mây, sông nước. Ghe sẽ cắt ngang sông Vàm Cỏ Đông thơ mộng, xuôi hạ lưu một đỗi là tới rạch Giồng Nần.

Chỉ ba cây số là tới bến. Qua rặng cao su đầu tiên xanh mướt mát là thấy ngay những mái nhà đỏ óng kiểu như các mái đình xưa. Nơi đây thuộc về ấp Long Đại, xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành.

Nhà bia ghi công nhóm Đảng đầu tiên trên đất Tây Ninh.

Con rạch cụt ấy hóa ra cũng thênh thang nước đổ. Mặt nước rộng chừng 20 mét luôn có màu hồng ấm áp phù sa. Có nơi bờ chen kín những rặng cây gừa khoe những bộ rễ bị nước đánh te tua, nhưng vẫn phủ bóng mát và buông những chùm rễ nâu đầy mặt nước.

Nếu là khoảng tháng tư hay tháng mười thì sau đôi bờ sẽ là những cánh đồng vàng rực, làm nổi bật lên bao cỗ máy gặt đập liên hợp chạy băng băng.

Đình Trường Tây nhìn xuống bến sông.

Chỉ trừ hai tháng vụ gặt này thôi, còn lại chỉ là con rạch hoang vu lồng lộng gió trời lay động lau lác cùng cây lá. Thỉnh thoảng lắm mới gặp một chiếc xuồng con chèo chân của người đi kiếm rau cỏ hay buông chài lưới cá. Và suốt 3 cây số ấy cũng chỉ gặp đôi ba túp tranh của người giữ ruộng hay lều vó.

Cỏ lau ở đây cũng lạ. Hoa lau cứ rực lên màu đỏ hồng của nước phù sa. Hay là hoa cũng nặng lòng với nơi cội nguồn, cách mạng được sinh ra

N.Q.V