Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
theo dõi báo cáo hoạt động sản xuất và tính toán phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa
Thứ bảy: 03:30 ngày 02/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 1.11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tập huấn bổ sung kiến thức cho cán bộ kỹ thuật và nông dân về hệ thống theo dõi báo cáo hoạt động sản xuất và tính toán phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa (RiceMore).

Ông Nguyễn Đình Xuân– Giám đốc Sở NN&PTNT phát biểu tại chương trình.

Tham dự có ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt; lãnh đạo Sở NN&PTNT; các phòng chuyên môn trực thuộc Sở; phòng NN&PTNT các huyện, phòng Kinh tế thị xã Trảng Bàng, Hoà Thành và thành phố Tây Ninh; công ty CP sản xuất thương mại Lúa Vàng Việt; đại diện các hợp tác xã canh tác lúa tại các huyện Châu Thành, Gò Dầu, Bến Cầu và thị xã Trảng Bàng.

Theo Cục Trồng trọt, các công cụ kỹ thuật số ngày càng trở nên hữu ích và thiết yếu trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi nông nghiệp sinh thái, bền vững và phát thải thấp bằng cách cung cấp thông tin, dữ liệu chi tiết... cho nông dân và các bên liên quan, hỗ trợ cải thiện tập quán canh tác. Thông qua các nền tảng như ứng dụng di động, cảm biến và hình ảnh vệ tinh, người dùng có thể truy cập dữ liệu có giá trị về sức khoẻ đất, quản lý nước và chất dinh dưỡng, tình trạng cây trồng, thời tiết và lượng khí thải nhà kính liên quan đến sản xuất nông nghiệp và cụ thể là canh tác lúa.

Cán bộ kỹ thuật và nông dân tập huấn về hệ thống theo dõi báo cáo hoạt động sản xuất và tính toán phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa.

Tuy nhiên, việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo của Việt Nam vẫn còn hạn chế, tập trung vào tư vấn kỹ thuật, trao đổi thông tin, lưu giữ hồ sơ và đánh giá hiệu suất, nhưng vẫn còn thiếu các giải pháp toàn diện cho quá trình chuyển đổi nông sinh thái; thiếu sự tích hợp trong hệ sinh thái kỹ thuật số và không kết nối được nông dân với các tác nhân khác trong chuỗi giá trị như nhà cung cấp và người mua đầu vào. Việc tăng cường các mối liên kết này có thể nâng cao các lợi ích kinh tế xã hội gắn liền với các hoạt động nông nghiệp sinh thái.

Để góp phần giải quyết những thách thức này, công cụ FarMoRe được phát triển để hỗ trợ quá trình chuyển đổi nông sinh nghiệp thái tại Việt Nam. Được tích hợp vào Hệ thống theo dõi và báo cáo sản xuất lúa quốc gia (RiceMoRe) thuộc Bộ NN&PTNT, FarMoRe có tiềm năng đóng góp vào xây dựng cơ sở dữ liệu về sản xuất lúa xuyên suốt từ cấp đồng ruộng, xã, huyện, tỉnh đến cấp Trung ương, hỗ trợ theo dõi, báo cáo và quản lý, chỉ đạo sản xuất theo các định hướng chiến lược về phát triển nông nghiệp sinh thái, bền vững, phát thải thấp của Chính phủ.

Đại diện Cục Trồng trọt hướng dẫn nông dân sử dụng phần mềm FarMoRe.

Tại buổi tập huấn, đại diện Cục Trồng trọt đã triển khai đến nông dân và cán bộ kỹ thuật cách sử dụng điện thoại thông minh để cập nhật thông tin về kỹ thuật canh tác lúa nhằm tính toán lượng phát thải khí nhà kính thông qua phần mềm FarMoRe; cách sử dụng hệ thống theo dõi và báo cáo hoạt động sản xuất lúa RiceMoRe để cập nhật thông tin về kỹ thuật canh tác lúa nhằm đánh giá thực hành canh tác và tính toán lượng phát thải khí nhà kính.

Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngành trồng lúa của Tây Ninh đang từng bước hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải, nâng cao chất lượng sản phẩm và đời sống người nông dân. Đây là trách nhiệm không chỉ của ngành Nông nghiệp mà còn là của mỗi người dân Tây Ninh. Những nỗ lực này sẽ góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá lúa nước, đồng thời nâng tầm vị thế của hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Giám đốc Sở NN&PTNT hy vọng, với những giải pháp cụ thể và sự đồng lòng của toàn ngành, Tây Ninh sẽ xây dựng thành công ngành lúa gạo bền vững, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp và giữ vững hình ảnh quê hương thanh bình, trù phú.

Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục