Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Cả Mỹ và Nga đều có chung một nhận thức rằng, riêng đối với tình hình bất ổn tại Afghanistan, họ cần có nhau.

![]() |
Taliban đẩy mạnh các vụ đánh bom liều chết tại Afghanistan. Ảnh: Getty |
Tuần sau, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có chuyến thăm Moscow trong 3 ngày, chủ yếu để thảo luận với người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev việc ký kết Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân mới (START 2), thay thế Hiệp ước START 1 sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Trong cuộc hội đàm thượng đỉnh Moscow giữa hai nhà lãnh đạo không chỉ có vấn đề hạt nhân mà còn có những vấn đề “nóng” khác, trong đó có Afghanistan.
Thực tế, Nga và Mỹ hầu như luôn bất đồng trong mọi vấn đề, duy chỉ có vấn đề Afghanistan là mối quan tâm ưu tiên hàng đầu của cả hai bên. Đối với Nga, nếu Mỹ thất bại trong việc trấn áp tàn quân Taliban và tổ chức khủng bố Al-Qaeda ở nước này cũng đồng nghĩa với việc bụi mù của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan sẽ bốc lên ở Trung Á –khu vực được xem là sân sau rất chiến lược của Nga.
Đối với Mỹ, sau một thời gian dài tập trung cho chiến trường Iraq, đến bây giờ Washington mới giật mình khi nhận thấy rằng, Taliban và Al-Qaeda đang hồi sinh, kiểm soát gần 40% lãnh thổ Afghanistan, buộc Tổng thống Barack Obama phải tăng cường binh lực, thay đổi chiến lược diều hâu bằng việc cố gắng thiết lập mối quan hệ với các phe phái Hồi giáo ôn hoà, thậm chí cả thành phần Taliban, đẩy mạnh trợ giúp kinh tế để chính quyền Kabul ổn định đất nước. Từ chính sách mới của ông Obama, Mỹ gia tăng các tuyến đường trung chuyển binh lính lẫn hàng hoá quân sự và dân sự đến Afghanistan. Một vấn đề nan giải đặt ra là trong thời gian qua, đồng minh Pakistan lại quá buông lỏng khu vực bộ tộc biên giới phía Bắc để cho Taliban có thời gian củng cố lực lượng, thường xuyên tổ chức các cuộc tấn công nhằm vào tuyến đường trung chuyển của Mỹ từ Pakistan sang Afghanistan. Có tháng, Mỹ và đồng minh NATO mất đến 200 xe vận tải hàng quân nhu.
Từ đó, Mỹ buộc phải tìm kiếm thêm nhiều tuyến đường vận chuyển khác để dần thay thế tuyến đường đẩy nguy hiểm ở Pakistan. Mỹ đã thoả thuận được với Nga, Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan và Turkmenistan về việc trung chuyển hàng hoá phi quân sự, nhưng điều đó chưa đủ, Washington rất cần cái gật đầu của Moscow về việc cho phép trung chuyển hàng quân sự sang Afghanistan qua lãnh thổ Nga và các nước cộng hoà thuộc Nga ở khu vực Trung Á bằng đường thuỷ, đường bộ lẫn đường sắt.
May thay, cho dù rất e ngại việc Mỹ sẽ mở các căn cứ quân sự vĩnh viễn ở Trung Á, nhưng Afghanistan lại là một trong những vấn đề quan tâm của Nga hiện nay nên nhiều người dự đoán rằng, ông Obama sẽ dễ dàng có được chữ ký của người đồng cấp Medvedev nếu đưa ra lời đề nghị hợp lý, hợp tình. Cả Mỹ và Nga đều có chung một nhận thức rằng, riêng đối với tình hình bất ổn tại Afghanistan, họ cần có nhau.
Đặng Hoàng Thái