Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Có một thực tế mà bất kỳ người Iran nào cũng hiểu rằng, chiếc ghế Tổng thống mà ông Mousavi cố tâm giành giựt không mang lại quyền lực tối cao ở một đất nước mà các giáo sĩ Hồi giáo có quyền phủ quyết mọi quyết định của chính phủ.

![]() |
Đại giáo chủ Ali Khamenei tham gia bầu cử Tổng thống Iran hôm 12.6. Ảnh: AP |
Những ngày cuối tuần qua, thành phố Tehran rơi vào tình trạng bất ổn vì những cuộc biểu tình của phe ủng hộ ứng viên Mir-Hossein Mousavi phản đối việc đương kim Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad tái đắc cử trong một cuộc bầu cử được cho là gian lận.
Thế nhưng có một thực tế mà bất kỳ người Iran nào cũng hiểu rằng, chiếc ghế Tổng thống mà ông Mousavi cố tâm giành giựt không mang lại quyền lực tối cao ở một đất nước mà các giáo sĩ Hồi giáo có quyền phủ quyết mọi quyết định của chính phủ. Và, không ai khác ngoài Lãnh đạo tối cao, đại giáo chủ Ali Khamenei có quyền phê chuẩn những quyết sách chính trị, đường lối ngoại giao, an ninh – quốc phòng. Hay nói một cách khác, không ai có thể dễ dàng ngồi lên chiếc ghế Tổng thống nếu không được hội đồng giáo sĩ đồng ý. Vai trò của Tổng thống hay nội các chính phủ cũng chỉ là “tấm bình phong” của các thế lực Hồi giáo Shi’ite đang nắm quyền tại Iran. Với cái gọi là bảo vệ những thành quả của cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, hội đồng giáo sĩ có quyền bính rất lớn, thậm chí họ còn có lực lượng vệ binh cách mạng rất tinh nhuệ.
Sau cuộc bầu cử Tổng thống hôm 12.6, ông Ahmadinejad tuyên bố chiến thắng. Uỷ ban bầu cử Iran cũng khẳng định đã tái đắc cử. Tuy nhiên, theo Hiến pháp Iran, ông Ahmadinejad chỉ có thể tuyên bố chiến thắng một cách danh chính ngôn thuận khi đại giáo chủ Ali Khamenei đặt bút phê chuẩn. Và khi đó, cho dù ông Mousavi có bao nhiêu người ủng hộ đi chăng nữa, cũng không dám “hó hé” gì. Có tin cho biết, ông Ali Khamenei đã chấp thuận đơn kiện của ông Mousavi, yêu cầu Hội đồng Bảo vệ Cách mạng Hồi giáo Iran xác minh việc ông Ahmadinejad bị cáo buộc gian lận bầu cử. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, đó chỉ là một biện pháp “câu giờ” để những người ủng hộ ông Mousavi nguôi ngoai giận dữ. Trước đó, hôm 13.6, chính ông Ali Khamenei đã từng yêu cầu nhân dân Iran đoàn kết chung lòng dưới sự lãnh đạo của “người chiến thắng” Ahmadinejad.
Theo các nhà phân tích, dù là ông Ahmadinejad hay ông Mousavi lên nắm quyền, họ cũng phải phục tùng ý kiến của đại giáo chủ Khamenei và Hội đồng giáo sĩ với quan điểm bảo thủ hoàn toàn không muốn Iran bình thường hoá hay thân thiện với phương Tây. Theo họ, điều đó sẽ mang đến cho Iran những mối đe doạ gây xói mòn hệ thống chính trị của nước này. Trong trường hợp, kết quả bầu cử hôm 12.6 được kết luận là gian lận, cũng có khả năng ông Khamenei sẽ phải ra tay nắm hết quyền bính để ổn định tình hình đất nước, tránh để tình trạng chia rẽ giữa các phe phái ảnh hưởng đến sự tồn vong của các thế lực tôn giáo ở Iran.
Đ. Hoàng Thái