Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong một buổi thuyết pháp trước đông đảo những người tham gia cầu nguyện vào ngày thứ Sáu hàng tuần, ông Khamenei đã bác bỏ khả năng chính phủ đã sắp xếp kết quả bầu cử.

![]() |
Những người ủng hộ đại giáo chủ Ali Khamenei tham gia cuộc tuần hành tại Tehran hôm 16.6. Ảnh: AP |
Cách đây vài hôm khi hàng chục ngàn người đổ về thủ đô Tehran, ủng hộ ông Mir Hossein Mousavi –ứng viên thất bại trong bầu cử hôm 12.6, người đã cáo buộc Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad gian lận; Mỹ và phương Tây hy vọng rằng, tại Iran sẽ diễn ra một cuộc cách mạng, kiểu như “cách mạng nhung” tại Gruzia hay “cách mạng cam” tại Ukraina, lật đổ vai trò lãnh đạo tối cao của Đại giáo chủ Ali Khamenei và Hội đồng giáo sĩ.
Thế nhưng, Iran không giống như Gruzia và Ukraina, đại giáo chủ Ali Khamenei và Hội đồng giáo sĩ không chỉ có ảnh hưởng về chính trị mà còn nắm cả lực lượng Vệ binh cách mạng, vốn được trang bị hiện đại và rất tinh nhuệ. Mặt khác, đối với ông Khamenei, ông Mousavi đã đi quá xa khi tạo ra tình trạng hỗn loạn ở quốc gia Tây Nam Á này.
Hôm 19.6, trong một buổi thuyết pháp trước đông đảo những người tham gia cầu nguyện vào ngày thứ Sáu hàng tuần, ông Khamenei đã bác bỏ khả năng chính phủ đã sắp xếp kết quả bầu cử, và cho rằng khó có sự gian lận nào có thể tạo nên khoảng chênh lệch đến 11 triệu phiếu bầu giữa Tổng thống Ahmadinejad và ứng viên đối lập Mousavi.
Trong bài thuyết pháp, ông Khamenei đã bày tỏ thái độ ủng hộ tất cả các chính sách ngoại giao cũng như những chủ trương trong các vấn đề đối nội của Tổng thống Ahmadinejad. Vị lãnh đạo tối cao của Iran cũng kêu gọi chấm dứt các cuộc biểu tình, mọi cáo buộc về gian lận trong bầu cử cần được giải quyết thông qua các kênh hợp pháp, trong đó có Hội đồng giám hộ - cơ quan có quyền quyết định về những vấn đề liên quan đến bầu cử tại Iran.
Theo các nhà phân tích, việc đại giáo chủ Khamenei lên tiếng ủng hộ Tổng thống Ahmadinejad, điều đó cũng đồng nghĩa với việc ông Mousavi khó mà có được kết quả phân xử thuận lợi từ Hội đồng Giám hộ.
Trong khi đó, mặc dù Iran cáo buộc Mỹ và phương Tây kích động làn sóng biểu tình, bạo động tại nước này, nhưng trong một tuyên bố gần đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, ông hoàn toàn không nhận thấy sự khác biệt Ahmadinejad và Mousavi. Ông Meir Dagan – Cục trưởng Cục tình báo đối ngoại Mossad của Israel – thẳng thừng hơn khi nhận định, đối với nhà nước Do Thái, tốt hơn hết ông Ahmadinejad nên tiếp tục làm Tổng thống Iran vì một khi ông Mousavi lên nắm quyền chỉ làm phức tạp thêm những vấn đề xoay quanh chương trình hạt nhân của nước này.
Trước đó, hôm 16.6, tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải diễn ra ở thành phố Yekaterinburg (Nga), cả Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào lẫn Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đều đã đến chúc mừng chiến thắng của ông Ahmadinejad.
Đ. Hoàng Thái