BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thép tăng giá, nhà thầu lẫn người dân gặp khó 

Cập nhật ngày: 26/05/2021 - 00:15

BTN - Từ tháng 2.2021, giá các loại vật liệu xây dựng bắt đầu tăng, trong đó, đỉnh điểm là vào khoảng tháng 4.2021, giá sắt tăng khoảng 60%-70%, khiến nhiều doanh nghiệp lẫn người dân gặp không ít khó khăn.

 

Giá vật liệu xây dựng tăng cao- nhất là giá thép xây dựng đã gây khó khăn trong việc xây dựng công trình (ảnh minh hoạ).

Nhà thầu “Chìa khoá trao tay” khóc ròng!

Những ngày qua, anh H.T- một nhà thầu xây dựng công trình nhà ở tư nhân có tiếng ở thị xã Hoà Thành đứng ngồi không yên vì giá vật liệu tăng đột biến. Khổ là, nhiều công trình mà anh ký hợp đồng xây dựng với người dân theo hình thức “chìa khoá trao tay” đang trong quá trình thực hiện, có nơi chỉ mới làm được phần móng.

Cũng theo anh T, hình thức xây dựng nhà “chìa khoá trao tay” ngày càng được nhiều người lựa chọn. Khi ký hợp đồng, phần lớn các chi tiết về từng loại vật liệu, kết cấu công trình đều được các bên thống nhất giá trong hợp đồng. Chính vì thế, khi giá vật liệu xây dựng tăng là nhà thầu “mất ăn, mất ngủ”.

Theo anh T, với những công trình xây dựng nhà ở theo quy mô biệt thự hay nhà cao tầng, khối lượng sắt thép sử dụng trong công trình không nhỏ. Do đó giá thép tăng khoảng 60%-70% như hiện nay, doanh nghiệp chắc chắn bị lỗ.

Anh T tính toán, khoảng tháng 1.2021, giá một cây thép (13x26) khoảng 160 -170 ngàn đồng/cây, đến thời điểm hiện tại đã nằm ở ngưỡng 250 ngàn đồng/cây. Ðó là chưa kể giá cát, đá, gạch trang trí cũng tăng mỗi loại thêm vài phần trăm nên doanh nghiệp đã khó lại càng thêm khó.

Khi ký hợp đồng với khách hàng, giá cả hai bên đã thống nhất nên không thể làm gì khác. Khách hành thông cảm, hỗ trợ thêm phần chi phí; còn không thì doanh nghiệp tự chịu. Mà dù khách hàng có hỗ trợ đi nữa, doanh nghiệp cũng không thể thoát khỏi cảnh lỗ.

Không chỉ doanh nghiệp, người dân cũng đau đầu do chi phí “đội lên”, vượt quá dự tính ban đầu. Chị K.C, ngụ xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu cho biết, ban đầu chị dự định xây căn nhà giá khoảng 600 triệu, dự phòng thêm 100 triệu phát sinh. Nhà mới khởi công, “bỗng dưng” giá sắt tăng mạnh, giá cả các loại vật liệu xây dựng khác cũng tăng nên chi phí hiện nay đã lên đến gần 800 triệu đồng. Chị phải tìm mọi cách mới xoay xở được.

Công trình nhà nước cũng gặp khó

Anh H- giám đốc một doanh nghiệp xây dựng thường tham gia đấu thầu các công trình nhà nước trong tỉnh cho biết, giá vật liệu tăng cao, doanh nghiệp như "ngồi trên đống lửa". Bởi lẽ, khi đấu thầu công trình, giá cả đã tính vào gói thầu nên giá vật liệu tăng nhà thầu phải chịu, khó mà xin điều chỉnh giá cả- nhất là đối với công trình đầu tư công do giá vật liệu trong dự toán thầu đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

Hơn nữa, “chữ tín” trong hoạt động xây dựng là quan trọng với doanh nghiệp. Nếu bị chủ đầu tư đánh giá kém, có vấn đề… thì coi như không được tham gia đấu thầu những công trình trong tương lai. Do đó, nếu muốn làm ăn lâu dài, doanh nghiệp buộc phải chấp nhận.

Ðại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết, vẫn biết việc giá vật liệu xây dựng tăng bất thường, trong đó có giá thép, ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp đã trúng thầu các công trình đầu tư công. Tuy nhiên, Ban Quản lý dự án không có quyền điều chỉnh giá vật liệu để hỗ trợ nhà thầu thi công do các phê duyệt dự án đấu thầu, giá vật liệu đã được các ngành chức năng có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy, rõ ràng trước việc giá vật liệu xây dựng- trong đó có sắt xây dựng tăng mạnh đã khiến không chỉ doanh nghiệp xây dựng mà cả người dân cũng rơi vào cảnh khó cũng rơi vào cảnh khó.

VSA cũng cho rằng, nguồn cung thép trong nước không khan hiếm, giá tăng là do nguyên liệu sản xuất mặt hàng này tăng theo giá thế giới.

Tại cuộc họp điều hành về giá mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Công Thương có biện pháp thúc đẩy, tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thép thành phẩm trong nước. Bộ này cũng cần đưa ra giải pháp điều chỉnh mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường trong nước, thông qua cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.

Bộ Công Thương giải thích giá thép tăng là do phụ thuộc lớn vào nguyên liệu đầu vào. Do vậy, trong bối cảnh giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên toàn cầu, ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm thời gian giao hàng kéo dài... đẩy giá thép lên cao. Cơ quan này đồng thời phủ nhận việc các doanh nghiệp bắt tay đẩy giá thép.

Thế Nhân