Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thêu tranh chữ thập gây quỹ từ thiện
Thứ hai: 00:09 ngày 07/03/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những năm gần đây, bà Tạ Thị Sót- 66 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Long Khương, xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành được nhiều người biết đến bởi tài thêu tranh chữ thập và tranh đính đá.

Chị Đặng Ngọc Huyền- Chủ tịch Hội LHPN xã Long Thành Nam (bên phải) trao đổi với bà Tạ Thị Sót về việc thêu tranh.

Những ngày cuối tháng 2, chúng tôi đến thăm gia đình bà Sót khi bà cặm cụi thêu bức tranh cánh đồng hoa dại nhiều màu sắc. Bà Sót chia sẻ, những bức tranh cỡ trung bình phải mất ít nhất 3 ngày mới hoàn thành, còn cỡ lớn phải làm cả tuần mới xong.

Tranh thêu xong được giặt sạch và đưa đến nơi khác đóng khung mới bán ra thị trường. Nổi bật là các bức tranh phong cảnh thiên nhiên núi rừng, sông suối, chim, hoa, cá kiểng hoặc Phật Di Lặc, các ông Phước - Lộc - Thọ, đồng hồ treo tường.

Bà Sót kể, bà học thêu tranh chữ thập từ khi còn là nữ sinh của Trường nữ trung học Tây Ninh, trước năm 1975: “Trong những giờ nữ công gia chánh, tôi được học môn thêu này. Hồi đó tôi mê lắm, nhưng không có điều kiện làm nghề”.

Mãi đến những năm gần đây, khi con cái lớn khôn, dựng vợ gả chồng, bà Sót mới mua đồ nghề, tranh mẫu về bắt đầu thêu. “Thời gian đầu chưa quen, thêu xong bức tranh bị chảy cả máu tay”- bà Sót nhớ lại.

Tác phẩm tranh thêu chữ thập của bà Tạ Thị Sót.

Bà Sót tỉ mỉ hoàn thành bức tranh thêu cánh đồng hoa dại.

Ban đầu, bà Sót chỉ dự định thêu tranh để thoả đam mê, treo trang trí trong nhà hoặc làm quà tặng người thân, bạn bè chứ không có ý định kinh doanh. Nhưng trong quá trình tham gia công tác Hội Phụ nữ của ấp Long Khương, nhận thấy nhiều chị em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên bà bàn bạc với Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã sản xuất tranh thêu, tranh đính đá bán ra thị trường, lấy tiền gây quỹ từ thiện, giúp đỡ chị em.

Thấy việc làm có ích, năm 2019, Hội LHPN xã Long Thành Nam thành lập Tổ tranh thêu và phát động mô hình này ra toàn xã. Từ đó, bà Sót bắt đầu dành hết thời gian rảnh rỗi của mình vào việc sản xuất tranh và hướng dẫn nhiều thành viên khác trong Chi hội Phụ nữ các ấp cùng làm nghề này.

Những sản phẩm tranh thêu, tranh đính đá được bán vào các dịp tổng kết năm, hay họp mặt nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10… Khách hàng đa số là những doanh nghiệp, mạnh thường quân mua tranh ủng hộ hoạt động từ thiện.

Số tiền bán tranh, sau khi trừ chi phí vật tư, được sung vào quỹ từ thiện của Hội LHPN xã để chị em phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn mượn xoay vòng, không tính lãi, thời gian 12 tháng.

Số tiền cho vay tuy không nhiều nhưng phần nào hỗ trợ chị em trong lúc ngặt nghèo. Trường hợp của chị Sự ở ấp Long Yên là một ví dụ. Gia đình chị thuộc diện khó khăn. Những năm trước, hằng ngày, chị dậy từ 5 giờ sáng đến phường Long Thành Bắc may gia công quần áo.

Biết hoàn cảnh của chị Sự, Hội LHPN xã xét cho chị mượn tiền mua máy may công nghiệp để tại nhà và nhận hàng về gia công. “Hiện nay, kinh tế gia đình chưa khá giả nhưng cũng đỡ chật vật hơn”- chị Sự nói.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục