Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Mặc dù đã được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh, chính quyền địa phương, nhưng tiến độ thi công vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra; mặt bằng bàn giao nhà thầu không liên tục, gây khó khăn khi triển khai thi công, điều phối vật tư, máy móc.
Theo kế hoạch, các dự án trọng điểm như đường ĐT.782-784, Đất Sét - Bến Củi và gói thầu số 7 (phạm vi huyện Tân Châu) sẽ được thi công hoàn thành trước ngày 31.12.2023. Đối với Dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.795, sẽ thi công hoàn thành gói thầu số 7 (phạm vi huyện Tân Châu); gói thầu số 6 (phạm vi huyện Tân Biên) được thi công cơ bản hoàn thành, tuy nhiên, còn vướng mặt bằng tại điểm cua chữ S khoảng 500m. Hầu hết các dự án trên đều gặp vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Công nhân thi công tuyến đường ĐT.795 gói thầu số 7 (phạm vi huyện Tân Châu).
Một số dự án hoàn thành chậm
Ông Đặng Xuân Trường- Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông tỉnh (Ban Quản lý) cho biết, Dự án đường ĐT.782-784, đường Đất Sét - Bến Củi đều hoàn thành chậm hơn so với kế hoạch.
Đường ĐT.782-784 đã thi công hoàn thành phần hợp đồng chính trước ngày 30.4.2023. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án phải bổ sung hệ thống thoát nước hai bên tuyến, do giá trị khối lượng bổ sung lớn nên Ban Quản lý tổ chức lựa chọn nhà thầu và đã triển khai thi công, sẽ hoàn thành trước 31.12.2023 phần khối lượng bổ sung này. Đồng thời, phải điều chỉnh, bổ sung hệ thống an toàn giao thông phù hợp với tình hình giao thông thực tế hiện nay, trước khi nghiệm thu đưa công trình vào khai thác sử dụng.
Đường Đất Sét - Bến Củi được khởi công năm 2018. Do công tác giải phóng mặt bằng kéo dài từ 2018 đến nay, hợp đồng được ký kết theo hình thức đơn giá cố định, không điều chỉnh giá theo thời điểm; hiện nay giá cả vật tư, nhiên liệu, nhân công tăng cao, trượt giá lớn dẫn đến giá thành xây dựng tăng, gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại tài chính cho nhà thầu như: chi phí lãi vay, chi phí duy trì bộ máy khi chờ bàn giao mặt bằng, chi phí trượt giá...
Mặc dù gói thầu được gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng nhiều lần, lần gia hạn sau cùng là 31.12.2022, nhưng đến ngày 26.12.2022 vẫn chưa bàn giao hết mặt bằng cho nhà thầu thi công. UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương cắt giảm khối lượng hợp đồng và lập lại hồ sơ dự toán, đấu thầu thi công các hạng mục chưa thi công hoàn thành do vướng giải phóng mặt bằng. Ban Quản lý phải tổ chức đấu thầu lại và đã triển khai thi công xây lắp phần khối lượng vướng mặt bằng, thời gian hoàn thành trước ngày 31.12.2023.
Khó khăn trong quá trình thi công
Đối với các dự án đang triển khai thực hiện, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc. Mặc dù đã được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh, chính quyền địa phương, nhưng tiến độ thi công vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra; mặt bằng bàn giao nhà thầu không liên tục, gây khó khăn khi triển khai thi công, điều phối vật tư, máy móc.
Nguyên nhân chủ yếu là công tác giải phóng mặt bằng theo quy định phải thực hiện nhiều bước, mất nhiều thời gian; trong điều kiện thuận lợi, tổng thời gian thực hiện tối thiểu là 7 tháng, khối lượng bồi thường theo tuyến với số hộ dân bị ảnh hưởng lớn, các nội dung liên quan đến đất đai có tính chất phức tạp, việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân qua từng giai đoạn có sự khác nhau, mất nhiều thời gian xử lý khiếu nại của người dân, cũng như xin ý kiến các sở, ngành, tỉnh trước khi thực hiện.
Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật như: trụ điện trung, hạ thế, hệ thống trụ/cáp viễn thông, hệ thống cấp nước sạch... do tính chất liên tục theo đường dây, nên hệ thống trụ điện, trụ viễn thông sẽ thực hiện di dời sau khi đã được bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, thực tế việc bàn giao mặt bằng của người dân không liên tục, gây ra khó khăn trong việc di dời hạ tầng kỹ thuật, dẫn đến tiến độ thi công công trình bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, việc thiếu nguyên vật liệu đất, sỏi đỏ cũng là một trong những khó khăn lớn ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các công trình. Hiện nay, dự án có nhu cầu cần đất, sỏi lớn là dự án đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789 đi qua huyện Dương Minh Châu và thị xã Trảng Bàng, nhưng các mỏ khai thác tại địa phương và khu vực lân cận không còn nhiều, không đủ trữ lượng để phục vụ công trình.
Nhà thầu phải mua và vận chuyển từ các huyện khác về công trình ở Châu Thành, Tân Châu, Tân Biên, có trường hợp phải mua ngoài tỉnh phục vụ thi công. Do vận chuyển xa nên cước phí tăng, làm cho giá vật liệu (đất, sỏi) đến chân công trình tăng theo, gây khó khăn trong vấn đề tài chính của nhà thầu.
Về vật liệu đá các loại, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 1 mỏ đá Lộc Trung, không đủ nguồn cung cấp cho các dự án trong tỉnh. Nhà thầu phải huy động từ các nguồn ngoài tỉnh, gồm mỏ đá ở các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Vũng Tàu… nên giá thành tăng cao do vận chuyển xa; lại không chủ động được khi cần đẩy nhanh tiến độ thi công.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài và tác động của tình hình thế giới dẫn đến các doanh nghiệp, nhà thầu chịu nhiều thiệt hại về kinh tế, nguồn lực tài chính suy giảm. Đồng thời, các ngân hàng siết chặt hạn mức tín dụng cho vay nên việc huy động nguồn lực tài chính của các nhà thầu gặp khó khăn, không đáp ứng kịp nhu cầu tiến độ của dự án.
Về yếu tố thời tiết, do đặc thù của các hạng mục của công trình giao thông như: nền đất, sỏi đỏ, mặt đường bê tông nhựa, bê tông xi măng… phần lớn phải thi công trong điều kiện khô ráo, trong khi đó, thời tiết hiện nay mưa liên tục kéo dài khoảng từ tháng 5 đến giữa tháng 11, làm các công trình gặp rất nhiều khó khăn trong tổ chức thi công.
Mặc dù khi lập kế hoạch thi công, nhà thầu đã sắp xếp để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến thời tiết, nhưng vẫn không tránh khỏi khó khăn khi thời tiết thay đổi bất thường; hạng mục có giá trị lớn như mặt đường bê tông nhựa phải tập trung thi công vào mùa khô, do đó, giá trị giải ngân các dự án giao thông thường chủ yếu tập trung vào các tháng cuối năm.
Công nhân thi công tuyến đường ĐT.795 gói thầu số 7 (phạm vi huyện Tân Châu)
Ông Đặng Xuân Trường cho biết, để tháo gỡ khó khăn, Ban Quản lý đề ra một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công của các dự án trọng điểm và bảo đảm hoàn thành trước 31.12.2023. Theo đó, Ban Quản lý chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các sở, ngành xử lý các vấn đề phát sinh trong công tác giải phóng mặt bằng; kịp thời báo cáo UBND tỉnh, các sở, ngành vấn đề vượt thẩm quyền để tháo gỡ nhằm hoàn thành dự án theo kế hoạch đề ra.
Về nguồn vật liệu san lấp, Ban Quản lý đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tháo gỡ khó khăn về khan hiếm nguồn vật liệu (như: đất, sỏi đỏ…) để thi công các dự án trọng điểm: xem xét quy hoạch và cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng chỉ sử dụng thi công các dự án trọng điểm hoặc đơn vị được cấp phép phải cam kết ưu tiên cung cấp nguồn vật liệu cho các dự án trọng điểm; báo giá công khai tại hầm mỏ, đồng thời gửi báo cáo về Sở Xây dựng niêm yết giá theo định kỳ hằng tháng tại các địa phương có dự án đi qua, nhằm tiết kiệm ngân sách Nhà nước, đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng công trình.
Khẩn trương thực hiện các thủ tục nghiệm thu thanh toán kịp thời cho nhà thầu, bảo đảm nguồn tài chính để nhà thầu tái sản xuất cũng như đẩy nhanh công tác giải ngân vốn kế hoạch.
Đồng thời, để đẩy nhanh tiến độ thi công cũng như bảo đảm chất lượng công trình trong thời gian tới, Ban Quản lý quản lý chặt chẽ nguồn tiền tạm ứng vật tư, bảo đảm sử dụng đúng mục đích, nhằm chủ động trong nguồn cung cấp vật tư; thường xuyên tổ chức họp với nhà thầu giải quyết các khó khăn vướng mắc trong suốt quá trình thực hiện; bố trí cán bộ giám sát có năng lực, kiểm tra chặt chẽ trong suốt quá trình thi công, bảo đảm công trình đạt yêu cầu theo hồ sơ thiết kế được duyệt.
Nhi Trần