Tiến độ thi công ở một số gói thầu được triển khai tương đối tốt, nhưng ở một gói thầu còn lại thì bị vướng công tác đền bù giải toả, trụ điện và chờ hướng dẫn đền bù theo quy định mới.
Dự án đường Hồ Chí Minh (HCM) qua Tây Ninh, chia làm 2 đoạn, chính thức được khởi công từ đầu năm 2009. Đến nay, theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải, tiến độ thi công ở một số gói thầu được triển khai tương đối tốt, nhưng ở một gói thầu còn lại thì bị vướng công tác đền bù giải toả, trụ điện và chờ hướng dẫn đền bù theo quy định mới.
Ở đoạn 1 (từ cầu Thanh An-giáp với Bình Dương đến đường 782, ngang qua các xã Hưng Thuận, Lộc Hưng, Gia Lộc huyện Trảng Bàng), các gói thầu 8, 9 và 10 hiện đã được Ban giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện Trảng Bàng chi trả đền bù cho các hộ dân nằm trong quy hoạch khoảng 60 tỷ đồng (tổng kinh phí bồi thường là trên 78,8 tỷ đồng). Đến nay, Ban QLDA-Sở GTVT và Ban bồi thường GPMB huyện Trảng Bàng đã cơ bản bàn giao xong mặt bằng cho Ban QLDA đường HCM và các nhà thầu đang triển khai thi công. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp chưa bàn giao mặt bằng, chưa được Ban bồi thường GPMB huyện Trảng Bàng giải quyết dứt điểm. Đồng thời, trên tuyến này hiện còn “vướng” 9 trụ điện vẫn chưa được di dời đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Ngoài ra, trạm thuỷ nông trên địa bàn xã Hưng Thuận (nhà cấp 4, hiện không hoạt động) hiện chưa nhận tiền đền bù (94 triệu đồng) do chưa được cấp đất mới để xây dựng trạm.
Ban QLDA đường HCM đang đề nghị tỉnh khẩn trương phê duyệt phương án tổng thể di dời đường điện và tái định cư để trình Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư. |
Mặt khác, tại các giao lộ giữa đường HCM với các tuyến đường tỉnh hiện thiếu diện tích “vuốt nối” nên chưa thể bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Sở GTVT vừa có văn bản đề nghị Ban QLDA đường HCM khẩn trương bàn giao số liệu phần diện tích còn lại ở các giao lộ để lập phương án bồi thường bổ sung trình cấp thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện cho kịp tiến độ đề ra.
Theo thông tin chúng tôi vừa nhận, Điện lực Tây Ninh cũng vừa hoàn chỉnh phương án di dời đường dây điện nằm trong dự án để bàn giao Ban QLDA đường HCM trình thẩm định, phê duyệt và triển khai di dời.
Ở đoạn 2 (từ đường 782 đến giáp tỉnh Long An, ngang qua hai huyện Trảng Bàng và Gò Dầu), hiện phương án đền bù chi tiết đoạn qua Gò Dầu dù đã lập xong nhưng đang bị “treo”. Lý do khiến Ban bồi thường GPMB huyện Gò Dầu chưa thể trình thẩm định, phê duyệt là vì còn chờ hướng dẫn thực hiện theo Nghị định số 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Cho nên, hiện Ban QLDA đường HCM vẫn chưa được giao mặt bằng thi công.
Phần qua huyện Trảng Bàng (tổng kinh phí đền bù, hỗ trợ tái định cư gần 68,7 tỷ đồng), hiện Ban bồi thường GPMB huyện đang trình Sở Tài nguyên – Môi trường thẩm định phương án tổng thể thu hồi đất. Trước đó, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu phải tiến hành thu hồi đất tổng thể trước ngày 15.10 nhưng đến nay vẫn chưa thẩm định xong phương án thu hồi.
Ông Ngô Văn Thông-Giám đốc văn phòng điều hành Ban QLDA đường HCM tại Trảng Bàng cho biết, hiện các gói thầu số 11, số 17 (cầu vượt quốc lộ 22), số 19 (cầu Trảng Bàng và cầu Tây Long nối 2 tỉnh) đang được đấu thầu, dự kiến sẽ triển khai thi công vào tháng 12 tới. Theo ông Thông, Ban QLDA đường HCM và các nhà thầu đang rất “sốt ruột” trước việc “thiếu” mặt bằng thi công. Có gói thầu được triển khai thi công đã 7 tháng nay nhưng vẫn chưa được giao mặt bằng. Do đó, Ban QLDA đường HCM đang đề nghị tỉnh khẩn trương phê duyệt phương án tổng thể di dời đường điện và tái định cư để trình Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư.
BẢO TÂM