Trường tiểu học Ngô Quyền là trường đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này của tỉnh Tây Ninh được chọn tham gia dự án GPE-VNEN.
|
Trong giờ học tại khối lớp 2 Trường tiểu học Ngô Quyền |
(BTN) - Năm học 2012 - 2013 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục - Đào tạo triển khai dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam (viết tắt là GPE-VNEN). GPE-VNEN là dự án nhằm xây dựng và nhân rộng một kiểu mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm của giáo dục Việt Nam. Tại Tây Ninh, Trường tiểu học Ngô Quyền (Thị xã) là trường đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này được chọn tham gia dự án GPE-VNEN.
Xét về nội dung giảng dạy thì mô hình trường học mới GPE-VNEN không có gì mới, học sinh vẫn học nội dung chương trình và sách giáo khoa hiện hành. Tuy nhiên, cách thức tổ chức các hoạt động dạy học hoàn toàn thay đổi so với cách thức dạy học truyền thống. Theo đó, giáo viên và học sinh chỉ sử dụng duy nhất một cuốn sách (tài liệu) cho mỗi môn học. Nội dung các bài học, các bước thực hiện trong quy trình dạy học đã được soạn trong tài liệu nên giáo viên không phải soạn giáo án đối với ba môn học mới được triển khai là Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội. Trong quá trình dạy học, phần lớn thời gian của tiết học, học sinh được giáo viên tổ chức cho làm việc theo nhóm.
Bà Mai Thị Lệ, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết: Đặc điểm nổi bật của chương trình dạy học kiểu mới là học sinh có cơ hội phát huy tính chủ động, sáng tạo của cá nhân trong giờ học, nghĩa là vai trò của người học được đề cao. Giáo viên là người tổ chức các hoạt động giáo dục chứ không chỉ là người dạy theo kiểu thuyết trình một chiều. Việc dự giờ, đánh giá tiết dạy của giáo viên cũng có sự thay đổi. Từ trước đến nay, mục đích của việc dự giờ là để xem giáo viên dạy như thế nào, có thực hiện đúng các bước lên lớp hay không. Còn với mô hình dạy học theo kiểu mới, người ta chỉ quan tâm xem khả năng tiếp thu của học sinh như thế nào, các em học được cái gì sau mỗi tiết học.
Vẫn theo bà Lệ, sau khi triển khai thí điểm tại khối lớp 2 ở Trường tiểu học Ngô Quyền trong năm học 2012 - 2013, giáo viên đứng lớp tỏ ra ủng hộ cách thức dạy học theo quy trình mới. Cả người học và người dạy đều phải làm việc tích cực hơn, hiệu quả đạt được qua tiết dạy cũng cao hơn, đồng thời có thể định lượng được hiệu quả của tiết dạy ấy. Qua thời gian thí điểm cho thấy, học sinh có thái độ tự tin, mạnh dạn hơn do các em làm việc nhóm thường xuyên nên cơ hội giao tiếp nhiều. Cách thức dạy học theo mô hình mới giúp học sinh tăng khả năng thực hành, các hoạt động phát triển ngôn ngữ được thực hiện thông qua các hoạt động học tập. Các hoạt động giáo dục trên lớp không chỉ dạy những lý thuyết xa vời mà được gắn liền với đời sống hằng ngày. Ví dụ: học môn Toán, học sinh có thể lấy thước ra đo ngay kích thước, chiều dài, chiều rộng, chiều ngang của một vật bất kỳ nào đó chứ không chỉ là thực hiện các phép tính trên giấy.
Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, việc dạy học theo mô hình GPE-VNEN cũng bộc lộ một số điều bất cập. Theo yêu cầu của chương trình, đối tượng tham gia lớp học kiểu mới là học sinh lớp 2 phải đọc thông viết thạo thì mới có thể tự học. Song thực tế cho thấy, một bộ phận học sinh đang yếu về ngôn ngữ. Học sinh ở vùng nông thôn lại ít giao tiếp, trong khi giáo viên cũng ít có thời gian kèm từng học sinh yếu. Một số bài học trong tài liệu được thiết kế chưa thật khoa học nên giáo viên gặp lúng túng trong quá trình dạy.
Dù còn những bất cập do dự án GPE-VNEN mới được triển khai năm đầu tiên, song kết quả đánh giá học sinh đã cho ra các chỉ số khá lạc quan. Toàn bộ học sinh khối lớp 2 của Trường tiểu học Ngô Quyền không có em nào bị xếp loại yếu kém về học lực. Cái được lớn nhất mà cả thầy lẫn trò thu hoạch được là thái độ làm việc, tinh thần học tập được nâng cao hơn, các em học sinh được tiếp cận nhiều hơn với thực tế cuộc sống. Nói ngắn gọn, tính ứng dụng của mô hình dạy học tiên tiến này hơn hẳn chương trình hiện hành.
Dự án GPE-VNEN tại Việt Nam được hình thành dựa trên cơ sở phương pháp sư phạm của nước ngoài. Dự án đã được thực hiện trên toàn quốc với khoảng 1.500 trường tiểu học tham gia. Điều kiện để tham gia dự án là trường dạy 2 buổi/ngày, có học sinh người dân tộc thiểu số, cơ sở vật chất của trường ở mức tương đối và chưa được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Thời gian thí điểm của dự án mô hình trường học mới kéo dài 3 năm, kể từ năm học 2012 - 2013. Tại Tây Ninh, năm học 2013 - 2014 sẽ có thêm Trường tiểu học Duy Tân (Thị xã) tham gia dự án này.
Đ.V.T