Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nếu phân hữu cơ sản xuất từ lục bình đạt tiêu chuẩn, doanh nghiệp hợp tác sẽ cùng với công ty sản xuất đại trà, tìm thị trường tiêu thụ, kể cả xuất khẩu ra nước ngoài.
Tiến hành đưa men vi sinh vào lục bình để ủ phân.
Thời gian qua, Công ty Huỳnh Vương được UBND tỉnh đồng ý giao thực hiện dự án vớt lục bình trên sông Vàm Cỏ Ðông. Do mật độ lục bình dày đặc trên sông, số lượng lục bình vớt quá nhiều nên Công ty Huỳnh Vương phải tìm hướng xử lý.
Từ trước đến nay, Công ty Huỳnh Vương chỉ mới bán lục bình được cho một số người mua về ủ gốc cây trồng, làm phôi cấy mô cây... với số lượng rất ít. Mới đây, Công ty Huỳnh Vương đã tìm ra hướng xử lý lục bình rất khả thi khi có một doanh nghiệp sản xuất phân hữu cơ, phân vi sinh xuất khẩu (trụ sở tại tỉnh Bến Tre) đến liên hệ để hợp tác triển khai thí điểm sản xuất phân hữu cơ từ lục bình.
Theo đó, lục bình được sấy khô, cắt nhỏ, ủ với men vi sinh làm từ phân chuồng, than bùn... để thành phân hữu cơ.
Anh Huỳnh Vương Trung - Giám đốc Công ty Huỳnh Vương cho biết, công ty đã cho ủ khoảng 1 tấn lục bình, đang chờ đủ thời gian theo đúng quy trình. Sau đó, phân được đưa đi kiểm nghiệm để xác định thành phần, chất lượng có đạt hay không. Nếu phân hữu cơ sản xuất từ lục bình đạt tiêu chuẩn, doanh nghiệp hợp tác sẽ cùng với công ty sản xuất đại trà, tìm thị trường tiêu thụ, kể cả xuất khẩu ra nước ngoài.
Hiện Tây Ninh đang xây dựng nền nông nghiệp sạch, phân hữu cơ sẽ được nông dân sử dụng nhiều. Anh Trung hy vọng sản phẩm phân hữu cơ chế biến từ lục bình sẽ có thị trường tiêu thụ.
THIÊN TÂM