Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Thi hành án xong, toà án tối cao huỷ án, phải đền bù thiệt hại?
Thứ bảy: 11:49 ngày 25/06/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Mặc dù TAND tối cao có kháng nghị, yêu cầu hoãn thi hành án nhưng cơ quan thi hành án vẫn cưỡng chế thi hành.

Ông Lê Hoàng Lụa, ngụ ấp Ninh Trung, xã Ninh Sơn, Thị xã gửi đơn đến Báo Tây Ninh cho biết, toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm xét xử vụ tranh chấp đất giữa gia đình ông và ông Tạ Tỏn, nhưng gia đình ông thua kiện. Gia đình ông Lụa khiếu nại đến TAND tối cao. Ngày 15.9.2010, TAND tối cao có quyết định giám đốc thẩm huỷ bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND tỉnh Tây Ninh. Trước đó, mặc dù TAND tối cao có kháng nghị, yêu cầu hoãn thi hành án nhưng cơ quan thi hành án vẫn cưỡng chế thi hành. Ông Lụa yêu cầu các cơ quan liên quan phải bồi thường thiệt hại cho gia đình ông.

Nguồn gốc tranh chấp đất

Quyết định giám đốc thẩm của TAND tối cao nêu rõ: diện tích 70,2m2 đất tranh chấp (tại khu phố 3, phường 1, Thị xã) có nguồn gốc đất là của gia đình ông Tạ Ngọc Ẩn. Nguyên đơn là ông Tạ Tỏn cho rằng, ông Ẩn chuyển nhượng diện tích đất trên cho cha ông là Tạ Ngọc Thoa vào năm 1969, việc mua bán có làm giấy, được Uỷ ban hành chính xã Thái Hiệp Thạnh xác nhận. Ông Thoa được chính quyền chế độ cũ cấp phép xây dựng nhưng do gia đình bà Trần Thị Xuyến (mẹ ông Lụa) đang sử dụng đất nên ông Thoa không xây nhà được. Bà Xuyến cho rằng, năm 1915, gia đình bà thuê căn nhà ông Ẩn để ở. Năm 1955, bà Xuyến thuê thêm diện tích đất ngang 19m, dài 20m kế bên nhà ông Ẩn. Năm 1979, do căn nhà bị hỏng nên gia đình bà Xuyến chuyển sang ở một khu đất khác (cũng của ông Ẩn), cách nhà thuê trước khoảng 10m. Diện tích mà ông Thoa nhận chuyển nhượng không phải là diện tích đất gia đình bà Xuyến đang sử dụng.

Theo “tờ bán đứt đất Châu Thành” ngày 24.10.1969 và sơ đồ xin phép cất nhà của ông Thoa thể hiện phần đất ông Thoa nhận chuyển nhượng từ ông Ẩn là lô E, hai bên là đất trống, diện tích 224m2, trong khi đó diện tích mà gia đình bà Xuyến đang ở là 70,2m2. Quyết định giám đốc thẩm của TAND tối cao nhận định rằng, trong trường hợp này, cần xác minh làm rõ sự khác biệt về diện tích đất, nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này (đặc biệt chiều dài đất chuyển nhượng trước đây là 24m, nhưng hiện tại chiều dài đất tranh chấp là 10,8m). Đồng thời phải xác minh cụ thể hai lô đất giáp bên nhà ông Xuyến do ai sử dụng, nguồn gốc và quá trình sử dụng đất như thế nào, từ đó mới đủ căn cứ giải quyết vụ án. Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chỉ căn cứ vào việc định vị diện tích đất tranh chấp, từ đó xác định diện tích tranh chấp là diện tích ông Thoa nhận chuyển nhượng của ông Ẩn là không đủ căn cứ.

Mặt khác, bà Xuyến cho rằng năm 1989, ông Thoa có thoả thuận chuyển nhượng cho gia đình ông Huỳnh Văn Trung  phần đất ngang 4m, dài 28m, sau đó ông Trung chuyển nhượng cho người khác, phần còn lại ông Thoa cho cháu là bà Tạ Thị Lệ Mai sử dụng nên hiện tại đất ông Thoa không còn. Còn ông Tỏn cho rằng, ông Thoa có làm giấy chuyển nhượng cho ông Trung phần đất ngang 4m, chuyển cho bà Mai phần đất ngang 4m phần đất còn lại, nhưng gia đình bà Xuyến đang sử dụng nên bà Mai chưa nhận đất, còn ông Trung thì chuyển sang mua đất của gia đình ông Ẩn. TAND tối cao nhận định, cần xác minh tại cơ quan có thẩm quyền về hồ sơ nhận chuyển nhượng đất năm 1989 của ông Trung để làm rõ việc ông Trung nhận chuyển nhượng đất của gia đình ông Thoa hay gia đình ông Ẩn. Đồng thời xác minh làm rõ, ông Thoa có cho đất bà Mai hay không thì mới đủ căn cứ để giải quyết vụ án.

Ngoài ra, cũng cần xem xét diện tích đất tranh chấp có thuộc diện cải tạo theo quy định tại Quyết định số 111/CP ngày 14.4.1977 của Hội đồng Chính phủ về việc ban hành chính sách quản lý và cải tạo XHCN đối với nhà, đất cho thuê ở các đô thị của các tỉnh phía Nam hay không để làm cơ sở giải quyết vụ án, đảm bảo quyền lợi của các đương sự.

Vì các lẽ trên, TAND tối cao quyết định huỷ án sơ thẩm và phúc thẩm, giao TAND Thị xã xét xử sơ thẩm lại.

(ảnh minh hoạ)

Cưỡng chế vì kháng nghị của toà án... đến trễ (!?)

Ông Lụa cho biết, trước khi có quyết định giám đốc thẩm, TAND tối cao cũng có kháng nghị giám đốc thẩm, yêu cầu giám đốc thẩm huỷ án xét xử lại, đồng thời có văn bản đề nghị THADS Thị xã (nay là Chi cục THADS Thị xã) hoãn thi hành án 90 ngày. Tuy nhiên, sau khi THADS Thị xã hoãn thi hành án 90 ngày nhưng TAND tối cao chưa có quyết định giám đốc thẩm cũng như không có ý kiến nào khác nên THADS Thị xã tiến hành cưỡng chế, buộc gia đình ông Lụa giao nhà cho gia đình ông Tạ Tỏn. Ông Lụa cho rằng, theo quyết định kháng nghị của TAND tối cao có nêu rõ: “Tạm đình chỉ thi hành án dân sự phúc thẩm nêu trên cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm” nhưng THADS Thị xã vẫn không chấp hành, và ngày 15.7.2010 đã tiến hành cưỡng chế thi hành án, hậu quả là gia đình ông Lụa không có nơi ở, phải thuê nhà ở tạm đến nay. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo THADS Thị xã cho rằng, THADS Thị xã nhận được kháng nghị giám đốc thẩm của TAND tối cao ngày 9.8.2010, (trong khi đó kháng nghị này đề ngày 10.6.2010).

Huỷ án là phải bồi thường thiệt hại?

Ông Lê Hoàng Lụa cho rằng việc làm của THADS Thị xã đã gây thiệt hại cho gia đình ông nên ông yêu cầu bồi thường. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoà Hiệp, Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh cho biết, Luật THADS có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2009, tại Điều 136 quy định:

“1. Trường hợp quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đã xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại thì việc thi hành án được thực hiện theo bản án, quyết định sơ thẩm mới có hiệu lực pháp luật hoặc bản án phúc thẩm mới.

2. Trường hợp quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án đã xét xử vụ án và đình chỉ giải quyết vụ án mà phần tài sản trong bản án, quyết định bị huỷ đã thi hành được một phần hoặc đã thi hành xong thì thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 135 của luật này”.

Về vụ việc của ông Lụa, ông Hiệp cho biết, ngày 6.1.2011, TAND Thị xã đã thụ lý lại và đang giải quyết theo quy định thủ tục tố tụng dân sự hiện hành.

Như vậy, trường hợp của ông Lụa, căn cứ vào Khoản 1, Điều 136 Luật Thi hành án nêu trên phải chờ kết quả xét xử lại của toà án.

HỮU ĐỨC

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục