Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thị ơi
Thứ sáu: 08:46 ngày 23/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Giờ thì không gặp thị được nữa rồi, bởi những nơi có thị đã “cổng đóng then cài”. Từ ngày 18.7, và ít ra cũng phải hai tuần nữa. Khi ấy, thị có còn lấp ló ửng vàng trên cây để đợi người không?

Tôi là người rất hâm mộ thị. Đến đây cần nói rõ hơn là trái thị. Tháng 7 là mùa trái chín. Hồi đầu tháng tôi đã nghếch đầu lên ngó vòm lá xanh cây thị ở sân chùa Linh Quang, khi nhặt được hai trái thị vừa rụng xuống. Ôi chà, trái mới chớm chín thôi nên còn cứng, lớp vỏ còn tươi 2 sắc xanh, vàng. Vậy nên dù rụng xuống sân gạch, thị vẫn còn nguyên vẹn mà chưa bị giập. Nâng niu 2 trái nhỏ trên tay và hít thở thật sâu hương thị thơm lừng.

Cũng vào đầu tháng 7, có lần bạn hẹn đi uống cà phê ở quán Tầm Quên. Tôi đến. Như có một cái duyên hay sao, mà lần này thì có trái thị rụng ngay ở trên bàn chúng tôi ngồi trò chuyện. Cũng là một trái thị “ương”. Cũng cứng cáp và không hề bị giập. Và sau cùng, cũng tỏa ngát một lần hương. Hương thị và hương cà phê, như quyện lẫn vào nhau thành một hương vị gì thương nhớ lắm. Khiến tôi nhớ và muốn đọc ngay câu trong truyện Tấm Cám. Rằng: “Thị ơi thị rụng bị bà/ Bà để bà ngửi chứ bà không ăn”. Ngước lên. Thì thấy chủ quán cũng đã có một câu thơ viết tay gắn vào gốc thị: “Thị ơi, thị rụng bị bà”.

Đáng tò mò đây! Đành phải hỏi thăm chủ quán. Anh bảo cây thị anh đem ở Thanh Điền về trồng đã mười mấy năm. Tôi ngước lên vòm lá xanh toả rộng, vương bóng mát đầy sân. Chúng xoè ra che chở cho hàng chục món đồ xưa của làng quê thời trước. Vô số cối xay đá, rồi cái trục bừa có hình trái khế. Cái rương đựng thóc được đục nguyên từ một thân cây lớn đường kính hơn 1 mét. Rồi cái đơm, cái đó, thúng mủng, quang gánh treo đầy ở các cột, gốc cây…

Nhìn kỹ ở quanh mình, thì cái bàn đặt cà phê là một chiếc máy may hiệu Singer cổ lỗ, chắc có từ đầu thế kỷ 20. Trên cái bờ gạch xây bao quanh gốc thị là một chiếc cối xay bằng đá. Chủ nhân của nó ngày xưa đã tạc lên một hàng chữ số ghi năm. Đây là 1981. Vừa vặn 40 năm, là quả nửa đời người. Cái cối đá vài mươi năm trước ta còn thấy các mẹ, các bà ở quê xay gạo thành bột để làm những món bánh xèo, bánh tráng. Không như những cối xay khác, ông thợ tạc ra nó chắc là gửi gắm vào đây bao công sức và tình cảm. Để tạc nên hàng số thật đẹp, có cả nét bóng để số ấy nổi bật lên. Thế nhưng, cả hai vật dụng kể trên vẫn không thể làm lu mờ đi màu vàng ửng, và một mùi thơm vô cùng quyến rũ của trái thị vàng. Điều mới nhận ra này khiến tôi nhớ lại một chi tiết, tưởng đã quên mất từ lâu lắm. Là trẻ em thời chúng tôi, ai cũng mê chơi trái thị. Bọn con gái còn đua nhau đan những cái rọ bằng dây gai để đựng thị đem theo. Những cái rọ xinh xinh có hình cái võng. Chắc là để nếu có cô Tấm lén chui ra thì đã có sẵn võng nằm.

Tôi cũng nhớ luôn ở phố Tây Ninh mình, từng có nhiều cây thị lớn. Như cây ở vườn trụ sở Liên hiệp Mía đường trên phố Nguyễn Thái Học, nay là Trường tiểu học Kim Đồng. Hồi người ta xây dựng trường, vài cây thị cổ thụ ở phía sau bị chặt đi, nhưng Trường cũng cố giữ lấy 1 cây ở giữa sân. Nhưng đời thị dễ gì chịu sống ở nơi có bê tông sân gạch bít bùng, nên cây đã chết. Giờ tôi chỉ biết có 3 cây, ở chùa Như Lai phường 1, chùa Linh Quang phường 3, và cây vừa kể có quê gốc Thanh Điền, bên hữu ngạn rạch Tây Ninh. Và cũng xin nhắc lại rằng con rạch- động mạch chủ của thành phố quê ta từng có tên là “Rạch Thị” thưa quý bạn. Hai trăm năm trước, Trịnh Hoài Đức trong sách Gia Định thành thông chí đã gọi đây là suối Xỉ Khê (Suối Thị) hoặc Lăng Khê. Vậy thì có nhiều khả năng Tây Ninh đã từng là quê hương của thị. Dường như nhiều đại gia cũng đã biết câu chuyện này, nên xây nhà cao cửa rộng xong là tìm thị về trồng.

Mùa dịch Covid- 19 đang căng. Thương người, thương thân, mà cũng thương cho cây thị đang giữa mùa trái chín. Sân chùa, cổng đóng. Quán cà phê cũng nghỉ luôn. Thị rụng mà không ai lượm. Thị ráng đợi nhen! Dịch tan tôi lại sang tìm để nâng niu và mơ cùng hương thị mỗi đêm.

NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục