Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tuyển sinh đại học năm 2020:
Thí sinh trông đợi một kỳ thi công bằng, khoa học
Thứ tư: 00:17 ngày 13/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chậm hơn vài ngày so với kế hoạch, đến 12.5, Bộ GD-ĐT vẫn chưa công bố quy chế kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Một nguồn tin có trách nhiệm cho biết, có thể ngày 15.5, Bộ sẽ ban hành quy chế chính thức về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Tuy nhiên, ngay từ lúc này, bằng những thông tin đã được phát đi, điều dư luận quan tâm là, làm thế nào để có một kỳ thi công bằng đối với học sinh cuối cấp.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2018.

Xoá bỏ hệ trung cấp sư phạm

Tại hội nghị trực tuyến về tuyển sinh đại học được tổ chức hôm 8.5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, việc tuyển sinh đại học năm nay “cơ bản giữ nguyên như năm 2019”, nhưng cũng có một số điểm mới.

Theo tinh thần đó, quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 áp dụng cho các loại hình đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, gồm đào tạo chính quy, vừa học vừa làm, liên thông, đào tạo cho người đã có bằng đại học, tuyển sinh đào tạo đặt hàng, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non. 

Như vậy, có thể thấy, quy chế tuyển sinh đại học năm 2020 không chỉ dành cho những học sinh cuối cấp (vừa tốt nghiệp THPT) mà còn liên quan đến nhiều nhóm đối tượng thí sinh khác với nhiều loại hình đào tạo khác nhau.

Điểm đáng lưu ý thứ hai của kỳ tuyển sinh đại học năm nay, là từ ngày 1.7, Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 chính thức có hiệu lực. Theo quy định của luật, từ nay sẽ không đào tạo hệ trung cấp đối với ngành sư phạm. Ngành sư phạm chỉ đào tạo trình độ từ cao đẳng trở lên. Điều này có nghĩa, hệ trung cấp sư phạm, đặc biệt là sư phạm mầm non sẽ không còn tồn tại trong trường cao đẳng sư phạm hoặc các trường khác có đào tạo ngành sư phạm.

Theo quy chế tuyển sinh năm 2020, học sinh học chương trình nước ngoài tại trường trung học phổ thông ở Việt Nam được quyền tham gia tuyển sinh với điều kiện, chương trình đó đã được nước sở tại công nhận và đạt trình độ tương ứng trình độ THPT của Việt Nam.

Thí sinh là người nước ngoài có nguyện vọng học tại các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam thì hiệu trưởng các trường đại học căn cứ kết quả học tập THPT của học sinh (bảng điểm), kết quả kiểm tra kiến thức và khả năng nói tiếng Việt để xem xét, quyết định cho vào học.

Tại hội nghị trực tuyến, Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục hỗ trợ thí sinh đăng ký xét tuyển như năm 2019. Từ năm 2021, thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến hoặc trực tiếp theo quy định của các trường.

Theo lộ trình tuyển sinh, từ năm 2021, các trường tự chủ hoàn toàn phương thức tuyển sinh nên sẽ không còn tiếp tục duy trì hệ thống lọc ảo (thí sinh ảo) chung trên toàn quốc. Tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh các hình thức đào tạo trên trang thông tin điện tử của trường trước 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển và cập nhật điều chỉnh thông tin (nếu có) tại các thời điểm tuyển sinh.

Quy chế tuyển sinh đại học năm 2020 quy định cơ sở đào tạo đại học muốn tổ chức thi riêng cần đáp ứng các điều kiện nhất định. Trước tiên, cơ sơ đào tạo phải có bộ phận độc lập chuyên trách thực hiện chức năng tổ chức thi tuyển sinh. Điều này để bảo đảm rằng, nhân lực đáp ứng các yêu cầu về năng lực quản lý và chuyên môn để tổ chức tốt kỳ thi riêng.

Bộ phận phụ trách này bao gồm lãnh đạo bộ phận chuyên trách, cán bộ xây dựng cấu trúc đề thi, cán bộ phát triển câu hỏi và ngân hàng câu hỏi chuẩn hoá, cán bộ đánh giá, thẩm định các tham số của câu hỏi thi và đề thi, đến các cán bộ hỗ trợ, kỹ thuật viên. Thứ hai, cơ sở đào tạo có ngân hàng câu hỏi thi trắc nghiệm hoặc tự luận đã được chuẩn hoá đủ lớn để xây dựng đề thi cho việc tổ chức thi trong mỗi lần thi.

Nhà trường phải ban hành quy chế thi tuyển sinh gồm quy trình tổ chức và các quy định liên quan, có đề án tổ chức thi tuyển sinh, có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị bảo đảm số lượng, chất lượng phù hợp với quy mô, hình thức tổ chức thi.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng, với những điều kiện trên, những cơ sở đào tạo đã có kinh nghiệm tổ chức thi đánh giá năng lực, thi văn hoá, năng khiếu… để tuyển sinh hoặc đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc tuyển sinh riêng năm nay hoàn toàn có thể đáp ứng được.

Cũng như mấy năm gần đây, năm nay, Bộ GD-ĐT tiếp tục quy định tiêu chí xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo giáo viên, sức khoẻ, điều này áp dụng với các loại hình tuyển sinh. Bộ sẽ quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào với thí sinh sử dụng điểm bài thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. 

Nếu thí sinh đăng ký sử dụng kết quả học tập để xét tuyển vào các ngành y khoa, y học cổ truyền, răng - hàm - mặt, dược thì điểm học bạ trung bình tối thiểu là 8,0 trở lên. Đối với các ngành điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng tối thiểu là 6,5 trở lên.

Ngoài 2 ngành y khoa và sư phạm, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào các ngành đào tạo khác sẽ do các trường tự quy định trên nguyên tắc bảo đảm chất lượng nguồn tuyển sinh của mình. Các trường đại học có trách nhiệm giải trình về quy trình, cơ sở xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của mình với cơ quan quản lý và xã hội, với người học.

Mặc dù được tự chủ tuyển sinh nhưng cơ sở đào tạo phải tuân thủ các quy định của Bộ GD-ĐT. Trong đó, Bộ yêu cầu các bài thi, môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo của nhà trường.

Cơ sở đào tạo không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi, môn thi để xét tuyển cho một ngành (những tổ hợp chỉ thay đổi các ngoại ngữ khác nhau được coi là một tổ hợp). Thủ trưởng cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về quy trình, cơ sở xác định tổ hợp tuyển sinh.  Quy định này nhằm ràng buộc, đề phòng các trường bất chấp chất lượng để tăng số lượng tuyển sinh.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trường hợp số thí sinh trúng tuyển 2 ngành sư phạm và y khoa nhưng không đủ điều kiện để tổ chức lớp học thì nhà trường phải liên hệ, thống nhất với thí sinh phương án giải quyết (không trái quy định của pháp luật) hoặc báo cáo Bộ GD-ĐT để có phương án giải quyết, bảo đảm quyền lợi cho thí sinh. 

Quy định này cần được hiểu, có thí sinh trúng tuyển nhưng số lượng quá ít không thể mở lớp đào tạo. Hội đồng tuyển sinh trường sẽ chỉ gửi giấy thông báo thí sinh trúng tuyển nhập học khi thí sinh đáp ứng đủ các điều kiện tuyển sinh theo quy định, ví dụ có giấy chứng nhận đã tốt nghiệp THPT để tránh trường hợp thí sinh chưa tốt nghiệp THPT đã có giấy thông báo trúng tuyển.

Quy chế cũng quy định thẩm quyền của Bộ GD-ĐT không áp dụng quy chế này trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh, địch hoạ... và các trường hợp bất khả kháng khác và không được trái quy định của pháp luật.

Thi tốt nghiệp-những điều băn khoăn

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ do địa phương hoàn toàn chịu trách nhiệm, trường đại học, cao đẳng không tham gia như kỳ thi từ năm 2019. Điều băn khoăn nhất hiện nay, làm thế nào để có kỳ thi công bằng cho khoảng một triệu học sinh lớp 12 trên toàn quốc? 

Một cán bộ có trách nhiệm trong ngành Giáo dục Tây Ninh cho biết, điều băn khoăn lớn nhất, quan trọng nhất là khâu coi thi và chấm thi. Người này phân tích, kết quả kỳ thi tốt nghiệp năm nay vẫn được hầu hết các trường dùng làm căn cứ tuyển sinh vào cao đẳng, đại học, trong khi kỳ thi hoàn toàn do địa phương tổ chức.

Như vậy, sẽ khó tránh khỏi chuyện siết chặt hay nới lỏng trong khâu coi thi giữa các địa phương với nhau, vì địa phương nào cũng muốn con em mình có kết quả tốt nhất. Nơi nào làm nghiêm theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, của Thủ tướng Chính phủ thì nơi đó có thể cho ra kết quả khách quan và ngược lại.

Sự lo ngại này không phải không có cơ sở, thậm chí không thiếu bằng chứng để chứng minh vấn đề này. Ngoài khâu coi thi, một khâu đặc biệt quan trọng là chấm thi. “Năm trước, quy chế chấm thi có điều bất cập khi cho phép giám khảo chấm bài (tự luận) có thể chênh lệch nhau đến 2,5 điểm.

Ví dụ, giám khảo A chấm bài thi đó được 5 điểm nhưng giám khảo B chấm đến 7,5 điểm. Khi có sự chênh lệch đó, quy chế cho phép lấy điểm trung bình cộng bằng cách cộng hai con điểm vừa nêu lại rồi chia đôi.

Như vậy, điểm thi của thí sinh có thể từ 5 điểm thành hơn 6 điểm. Theo tôi, chỉ nên cho phép chênh lệch giữa hai giám khảo không quá 1 điểm thì kết quả chấm thi sẽ sát thực tế bài làm của thí sinh hơn. Việc cho phép giám khảo chấm chênh lệch đến 2,5 điểm rồi cộng lại chia đều là một “biên độ” quá rộng”- người này phân tích.

Điểm thứ hai, quy chế quy định, nếu giữa hai giám khảo chấm bài mà kết quả chênh lệch 0,25 điểm thì “không cần phải thảo luận, trao đổi” điều này không hợp lý. Vì trong tuyển sinh đại học, chỉ cần hơn kém nhau 0,25 điểm là đã quyết định thí sinh nào trúng tuyển, thí sinh nào trượt.

Vì vậy, để bảo đảm sự chặt chẽ, công bằng, cần quy định, nếu có sự chênh lệch ở mức 0,25 điểm giữa các giám khảo thì phải trao đổi, thảo luận lại với nhau. Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành quy chế tuyển sinh đại học (nêu ở phần đầu bài viết) cũng như Luật Giáo dục đại học năm 2018 có hiệu lực, hầu hết các trường, kể nhóm trường tốp đầu đã cho biết sẽ không tổ chức tuyển sinh riêng.

Nói ngắn gọn, mặc dù không còn kỳ thi THPT quốc gia nhưng các trường đại học vẫn áp dụng kết quả điểm thi để làm căn cứ tuyển sinh. Theo giải thích của vị cán bộ có trách nhiệm, sự thay đổi đột ngột này là vì, vừa qua, Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh hoạ. Cấu trúc đề thi cho thấy vẫn có sự phân loại về kiến thức, tức trong đề thi năm nay có 20% câu hỏi nâng cao để làm cơ sở cho các trường tuyển sinh.

Như vậy, đề thi năm nay không hoàn toàn chỉ để phục vụ cho thi tốt nghiệp như thông tin do chính Bộ GD-ĐT phát biểu với báo giới cách nay chỉ ít ngày. Chính vì trong đề thi đã có 20% câu hỏi, bài tập nâng cao nên trường đại học, cao đẳng chỉ chờ kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh bằng cách xét tuyển, không tổ chức kỳ thi riêng nữa.

Những kỳ thi trước đây, gần nhất là kỳ thi năm 2019, đề thi được chia theo tỷ lệ 4/6, tức 60% câu hỏi dành cho tốt nghiệp, 40% câu hỏi nâng cao còn lại dùng để phân loại học lực của thí sinh. Như vậy, so với kỳ thi năm ngoái, tỷ lệ câu hỏi nâng cao giảm 20% chứ không phải không có câu hỏi nâng cao như thông tin ban đầu.

Theo ý kiến của giới chuyên môn, với việc cho phép trường đại học tuyển sinh trên cơ sở kết quả thi tốt nghiệp cũng như việc điều chỉnh đề thi phân loại câu hỏi theo tỷ lệ từ 4/6 xuống 2/8, về bản chất, đây vẫn là kỳ thi hai trong một như những năm trước nhưng có sự điều chỉnh về đề thi.

Cùng với những sự thay đổi liên tục giống như “tình trạng khẩn cấp”, Bộ GD-ĐT cũng cảnh báo hệ thống trường phổ thông rằng, sẽ có sự đối chiếu, so sánh giữa điểm thi tốt nghiệp THPT với điểm trong học bạ. Nếu điểm trong học bạ “quá đẹp” khi điểm thi tốt nghiệp thấp bất thường thì sẽ xem xét trách nhiệm của nhà trường. Để làm được điều này, Bộ GD-ĐT yêu cầu trường phổ thông trong cả nước số hoá kết quả học tập của học sinh và nộp “học bạ điện tử” về Bộ.

Như vậy, đến thời điểm này có thể thấy, các thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 như tính chất kỳ thi, cấu trúc đề thi, quy chế thi, quy chế tuyển sinh đã thay đổi liên tục, gần như hằng ngày. Thông tin đưa ra buổi sáng, buổi chiều đã lạc hậu.

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục