Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thí sinh vẫn đổ xô chọn ngành đã cảnh báo thất nghiệp

Cập nhật ngày: 04/05/2014 - 06:51

Hà Nội là địa bàn năm nào số lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH, CĐ luôn đông nhất nước, theo thống kê sơ bộ của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm nay lượng hồ sơ đăng ký dự thi ĐH,CĐ giảm hơn so với năm trước.

Số hồ sơ nhận được 152.000 hồ sơ, so với năm trước giảm 1,3 vạn hồ sơ (con số này chưa bao gồm hồ sơ của thí sinh tự do). Hà Nội có khoảng 80.000 học sinh lớp 12, như vậy trung bình mỗi em nộp xấp xỉ 2 bộ hồ sơ.

Nhóm ngành Kinh tế, Tài chính ngân hàng mặc dù đã được khuyến cáo thừa nguồn nhân lực và Bộ GD- ĐT đã cắt giảm chỉ tiêu cho khối ngành này nhưng vẫn rất đông thí sinh Hà Nội nộp hồ sơ ĐKDT.

Cụ thể: Học viện Tài chính có 4.700 hồ sơ; ĐH Kinh tế Quốc dân có 4.900 hồ sơ; Học viện Ngân hàng cũng có 4.900 hồ sơ và ĐH Thương mại có 3.800 hồ sơ…

Khối ngành Kỹ thuật, Sư phạm số lượng hồ sơ nộp đông nhất vẫn là trường ĐH Công nghiệp Hà Nội có 8.500 hồ sơ; tiếp đến là ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp 8.100 hồ sơ. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có hơn 6.000 hồ sơ; đặc biệt CĐ Sư phạm Hà Nội chỉ có gần 4.000 hồ sơ, giảm khá mạnh.

Sếp sau Hà Nội là tỉnh Thanh Hóa về số lượng hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ, năm nay, số lượng thí sinh ĐKDT cũng giảm mạnh xuống còn hơn 1,4 vạn hồ sơ (năm 2013, Thanh Hóá giảm hơn 1,6 vạn hồ sơ). Tương tự như Hà Nội, trong số hồ sơ ĐKDT của tỉnh Thanh hóa, số lượng hồ sơ đăng ký vào nhóm ngành Tài chính ngân hàng vẫn đông.

Ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Thanh Hoá cho biết: “Cả tỉnh có 48.900 hồ sơ, trong đó một số trường đào tạo về Kinh tế có số lượng hồ sơ đông. Cụ thể, Học viện Tài chính năm trước đứng thứ 26 thì năm nay vượt lên vị trí thứ 5, với 1.599 hồ sơ; ĐH Kinh tế Quốc dân cũng vươn lên vị trí thứ 8 với 1.078 hồ sơ; ĐH Thương mại có 1.064 hồ sơ. ĐH Tài nguyên Môi trường xếp ở vị trí thứ 7 trong nhóm ngành này với 1.216 hồ sơ”.

Về nhóm ngành trường khác, số lượng hồ sơ thí sinh nộp đông vẫn dẫn đầu là trường ĐH Công nghiệp với 4.321 hồ sơ, tiếp đến là trường nhà là ĐH Hồng Đức có 4.088 hồ sơ; ĐH Nông nghiệp có 3.245 hồ sơ; ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp 2.721 hồ sơ và ĐH Y Thái Bình có 1.337 hồ sơ; ĐH Y Hà Nội có 816 hồ sơ, giảm 50% vì năm 2013.

Khối trường ĐH Sư phạm, lượng hồ sơ giảm mạnh như trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương có 47 hồ sơ; ĐH Sư phạm Thái Nguyên có 21 hồ sơ; ĐH Sư phạm Hà Nội 2 có 67 hồ sơ; ĐH Giáo dục có 22 hồ sơ và ĐH Sư phạm Hà Nội có 499 hồ sơ.

Nhiều thí sinh vẫn chưa biết cách chọn trường phù hợp với năng lực của mình (Ảnh minh họa)

Nhiều thí sinh vẫn chưa biết cách chọn trường phù hợp với năng lực của mình (Ảnh minh họa).

Thiếu thông tin để lựa chọn ngành nghề

Ông Nguyễn Văn Long, Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho rằng: “Tình trạng dư thừa nguồn cử nhân thất nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa với con số 25.000 người đã tác động đến xu hướng chọn ngành nghề của thí sinh.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng thí sinh chọn ngành nghề mà không hề có sự tư vấn, hướng nghiệp như ngành Tài nguyên môi trường có tới 1.216 hồ sơ - chiếm tỷ lệ khá lớn trong khi nhóm ngành này cũng không nằm trong nhóm ngành được tuyên truyền đang cần nhân lực. Như vậy, rõ ràng là chúng ta vẫn còn khoảng trống về công tác hướng nghiệp, tư vấn”.

Nhận định về thực trạng phân luồng hiện nay, PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, thông tin về thị trường lao động ở nước ta còn nghèo nàn và thiếu nên gia đình và học sinh không đủ thông tin để lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Theo bà Loan, tâm lý thanh niên, học sinh chuộng bằng cấp, coi đại học là con đường duy nhất để thăng tiến trong nghề nghiệp cùng với sự chậm đổi mới tư duy giáo dục đã và đang là rào cản lớn đối với sự phát triển của giáo dục nghề nghiệp.

Bà Loan phân tích, thực tế lao động sản xuất, dịch vụ xã hội đã và đang làm thay đổi nhu cầu nhân lực kỹ thuật theo hướng đòi hỏi cao hơn về trình độ nghề nghiệp, đồng thời tăng số lượng lao động có trình độ TCCN và dạy nghề. Mặt khác, nhiều học sinh và gia đình không đánh giá đúng sức học của bản thân học sinh và điều kiện kinh tế gia đình để tìm con đường học nghề từ sớm.

Tâm lý sính bằng cấp không chỉ nặng nề trong tâm lý học sinh mà còn ảnh hưởng nặng nề trong xã hội. Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng: “Trong xã hội còn nặng tâm lý bằng cấp, có thể hiểu vì sao việc phân luồng học sinh THCS vào trường nghề, TCCN lại trầy trật. Nhưng nói đi nói lại, những chính sách ưu đãi cho đào tạo nghề hiện nay chưa đủ thuyết phục phụ huynh, học sinh lựa chọn học nghề”.

Khoảng 350.000 học sinh tốt nghiệp THPT chưa biết học thêm nghề gì

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, Quy mô tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm học 2011 - 2012 tăng hơn năm học trước quy mô tuyển sinh vào ĐH,CĐ trên 433.000 sinh viên chiếm 46,5% học sinh tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, học sinh tốt nghiệp THPT vào TCCN là 208.833 học sinh chiếm 22,4%. Phần còn lại vào học nghề hoặc chưa tiếp tục học.

Theo thống kê trong năm học 2010 - 2011 cả nước có khoảng 185.000 học sinh tốt nghiệp THPT nhưng không vào ĐH,CĐ hoặc TCCN. Năm 2011 - 2012, con số này là 290.000. Đặc biệt số học sinh bỏ học và trượt tốt nghiệp khá lớn trong 2 năm qua. Năm 2010 - 2011 có khoảng 163.000 học sinh, năm 2011 - 2012 khoảng 109.000 trượt tốt nghiệp và bỏ học giữa chừng.

Nếu cộng cả số học sinh tốt nghiệp THPT chưa tiếp tục học với số học sinh bỏ học và trượt tốt nghiệp hàng năm thì con số này khoảng 350.000 học sinh. Nếu những học sinh này được học nghề từ sớm thì hiệu quả kinh tế cao hơn.

 Theo Hồng Hạnh (Dân trí)