BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thi tốt nghiệp THPT: Muôn kiểu bảo mật đề thi 

Cập nhật ngày: 05/07/2022 - 09:08

Với kỳ thi tốt nghiệp THPT, từ khâu ra đề đến in sao, vận chuyển đề đều được Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT đặc biệt quan tâm, chú trọng.

Bàn giao tay ba

Theo quy chế, các Sở GD&ĐT sau khi nhận đề thi từ Bộ GD&ĐT có trách nhiệm in sao, vận chuyển đề thi từ nơi in sao đến các điểm thi. Ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hoá, cho biết, địa điểm in sao đề thi được đảm bảo khép kín, an toàn, ba vòng độc lập; có lắp máy phá sóng, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, lực lượng công an bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định.

Sở GD&ĐT Thanh Hoá tổ chức bàn giao, vận chuyển đề thi theo nguyên tắc bàn giao tay ba giữa Ban in sao đề, Ban vận chuyển đề và các trưởng điểm thi tại nơi in sao đề thi. Việc vận chuyển đề thi đến các điểm thi bằng ô tô có công an bảo vệ đề thi; đề thi được bỏ trong thùng sắt, được khoá; trưởng điểm thi và công an cùng niêm phong, chìa khoá do trưởng điểm thi giữ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc (người giơ tay) ngày 4/7 dẫn đoàn đi kiểm tra công tác tổ chức thi tại TPHCM

Tại mỗi điểm thi, có bố trí phòng riêng để bảo quản đề thi, bài thi đảm bảo an toàn, chắc chắn, có đủ thiết bị phòng chống cháy, nổ; có tủ đựng đề thi và tủ đựng bài thi riêng biệt; công an trực, bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày; tủ đựng đề thi, tủ đựng bài thi đảm bảo chắc chắn, được khoá và niêm phong theo quy định; phòng bảo quản đề thi, bài thi có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động bên trong phòng liên tục 24 giờ/ngày.

Bà Đặng Thị Quỳnh Diệp, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, cho hay, Sở phối hợp công an tỉnh lắp đặt máy phá sóng tại khu vực in sao đề thi. Ban vận chuyển và bàn giao đề thi nhận các túi đề thi còn nguyên niêm phong từ Ban in sao đề thi, các túi đề thi được bảo quản trong thùng sắt khoá, niêm phong. Sử dụng ô tô chuyên dụng của bưu điện tỉnh để vận chuyển đề thi, có công an bảo vệ đề thi đi cùng trong quá trình vận chuyển.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc lưu ý các điểm thi cần chú trọng phổ biến cho thí sinh về quy chế thi trong ngày 6/7, nhất là quy định không mang điện thoại, vật dụng cá nhân phải để cách phòng thi tối thiểu 25m.

Ông Nguyễn Giang Nam, Trưởng phòng Quản lý chất lượng - Sở GD&ĐT Quảng Bình, nói rằng, ngoài các yêu cầu thực hiện tại điểm in sao đề thi như các địa phương khác, đề thi sẽ được vận chuyển bằng xe đặc chủng của công an và được công an tỉnh bảo vệ, giám sát chặt chẽ. Theo đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An, việc in sao đề thi được thực hiện tại một địa điểm an toàn, biệt lập và được lực lượng công an kiểm tra về an ninh, an toàn, bảo vệ nghiêm ngặt. Các thành viên tham gia làm đề thi được cách ly triệt để với bên ngoài. Danh sách những người tham gia làm đề thi được giữ bí mật trước, trong và sau kỳ thi.

Đề thi chưa công khai thuộc diện tối mật

Báo cáo với Bộ GD&ĐT, Ban Chỉ đạo thi tỉnh Hòa Bình cho biết đã có phương án phối hợp lực lượng công an để vận chuyển đề thi, bài thi bằng ca-nô trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình đến hai điểm thi tại Trường THPT Yên Hòa và Trường THPT Mường Chiềng của huyện vùng cao Đà Bắc, do hai địa điểm này nếu xảy ra mưa lớn kéo dài sẽ rất dễ bị chia cắt về giao thông.

Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, năm nay, tỉnh tiếp tục tổ chức vận chuyển đề thi và 18 thành viên đoàn cán bộ coi thi ra điểm thi tại huyện Côn Đảo bằng máy bay trực thăng. Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT, cho biết theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT, đề thi, đáp án chưa công khai thuộc danh mục bí mật nhà nước độ tối mật. Đề thi dự bị chưa sử dụng tự giải mật sau khi kết thúc công tác coi thi của kỳ thi. Phong bì (túi) chứa đề thi để vận chuyển và bàn giao đề thi từ nơi làm đề thi đến Ban chỉ đạo cấp quốc gia, các hội đồng thi/điểm thi phải được làm bằng giấy đủ độ bền, kín, tối màu và được dán chặt, không bong mép, có đủ nhãn, dấu niêm phong.

Ban in sao đề thi làm việc tập trung theo nguyên tắc cách ly triệt để từ khi bắt đầu tổ chức mở niêm phong túi đề thi gốc đến khi kết thúc buổi thi cuối cùng của kỳ thi. Việc mở túi đề thi, phát đề thi cho thí sinh phải được thực hiện tại phòng thi đúng thời gian và đúng bài thi, môn thi theo quy định trong hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm của Bộ GD&ĐT. Tại các điểm thi, camera tại phòng chứa đề thi, bài thi phải quét được 360 độ toàn bộ tủ đựng bài thi và đề thi.

Kiểm tra công tác chuẩn bị thi một số địa phương trong tuần vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chỉ ra một số điểm cần khắc phục đối với công tác bảo mật đề thi. Ông lưu ý, tủ đựng đề thi không được để gần cửa sổ; tủ làm bằng sắt là tốt nhất, vừa phòng chống cháy nổ, vừa chắc chắn hơn tủ gỗ. Ông cũng yêu cầu các điểm thi kiểm tra lại các thiết bị phòng chống cháy nổ để đảm bảo chúng vẫn hoạt động bình thường.

Nhiều phương án dự phòng

Ngày 4/7, Đoàn công tác Bộ GD&ĐT, do Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc làm Trưởng đoàn, kiểm tra công tác kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại TPHCM. Đoàn đã kiểm tra hội đồng sao in đề thi, hội đồng chấm thi và điểm thi. Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, năm 2022, thành phố có hơn 85.000 thí sinh, bố trí 158 điểm thi, trong đó có 71 điểm thi có thí sinh tự do. Tổng số cán bộ, nhân viên được huy động tham gia phục vụ kỳ thi là 13.656 người.

Tất cả các bộ phận coi thi đều được tập huấn, có lực lượng dự phòng. Mỗi quận, huyện có 3 điểm thi dự phòng, mỗi điểm thi có 3 phòng thi dự phòng. TPHCM điều động mỗi phòng thi 3 cán bộ coi thi, vượt số lượng quy định, đủ đảm bảo thay thế và bổ sung vào các phòng thi dự phòng khi được yêu cầu. Dù vậy, ông Hiếu cho biết sẽ yêu cầu các điểm thi bố trí thêm phòng dự phòng. “Các điểm thi đều bố trí phòng chứa vật dụng thí sinh, đảm bảo quy định vật dụng của thí sinh cách phòng thi 25m. Từ kinh nghiệm tổ chức kỳ thi tuyển sinh 10, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, thí sinh nghi ngờ liên quan đến dịch COVID-19 sẽ được sắp xếp thi tại phòng thi riêng, đảm bảo an toàn phòng chống dịch…”, ông Hiếu thông tin.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nói rằng, năm nay quy chế cho phép thí sinh F0 dự thi, vì thế TPHCM cũng cần phải tính đến phương án xử lý tình huống, phương án dự phòng cho tốt, ví dụ thí sinh đang thi mà được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 thì xử lý ra sao… Do đó, thành phố phải có các phương án dự phòng nhiều hơn bình thường.

“Để tiện cho thí sinh trong quá trình để đồ, có địa phương bố trí mỗi phòng để thùng các-tông để thí sinh chứa đồ. TPHCM cũng phải lưu ý quy định này, bố trí khu vực chứa đồ hợp lý, tránh để thí sinh chờ đợi quá lâu, ảnh hưởng đến quá trình tham gia các bài thi khác…”, ông Phúc nói.

Nguồn TPO