Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
“Cơn bão” dịch bệnh Covid-19 khiến cho các hoạt động giáo dục nói chung, kỳ thi THPT quốc gia nói riêng đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, kỳ thi THPT quốc gia đang nổi lên như một mối quan tâm hàng đầu của người trong ngành và học sinh lớp 12.
Theo thông tin mới nhất, lãnh đạo Bộ GD&ĐT chủ trương kỳ thi năm nay chỉ phục vụ cho việc xét công nhận tốt nghiệp THPT, còn khâu tuyển sinh do trường đại học, cao đẳng quyết định. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn sử dụng đề thi của Bộ nhưng khâu coi thi hoàn toàn do địa phương tự tổ chức, trường đại học không tham gia như những năm trước.
Lo âu, băn khoăn
Trước thông tin nêu trên, nhiều cán bộ, giáo viên đang công tác trong ngành Giáo dục Tây Ninh không giấu được sự lo âu, băn khoăn. Một cán bộ giàu kinh nghiệm về công tác thi cử đã nêu ra hàng loạt vấn đề về chủ trương của Bộ GD&ĐT.
“Trước đây, lãnh đạo Bộ đã nhiều lần khẳng định, kỳ thi THPT quốc gia sẽ ổn định đến năm học 2020. Điều không ai lường được là năm nay dịch bệnh Covid-19 diễn ra và diễn biến khó lường. Trước tình hình đó, Bộ khẳng định, nếu học sinh đi học trở lại trước ngày 15.6 thì vẫn thi bình thường và sẽ sớm công bố đề thi minh họa để học sinh tham khảo. Đó là kế hoạch của Bộ” – vị cán bộ nêu.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Tuy vậy, ý kiến này phân tích, học sinh THPT là cấp học cuối cùng của bậc giáo dục phổ thông, đa số các em khi đang học lớp 10, 11 đã có kế hoạch cho tương lai của mình, tức chọn trường nào, ngành gì, học sinh đã tập trung ôn tập cho môn thi, tổ hợp môn thi của mình. Thế nhưng, với thay đổi nêu trên, “học sinh sẽ trở tay không kịp” – người này phân tích.
Theo chủ trương mới nhất của Bộ, tách hai kỳ thi riêng, tức là quay lại như giai đoạn trước đây thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới học sinh. “Học sinh bình thường thì phải trải qua hai kỳ thi, gồm thi tốt nghiệp và thi vào đại học. Còn những học sinh điều kiện kinh tế gia đình khó khăn thì sẽ rất vất vả, vì phải xuống dự thi ở các thành phố lớn theo phương thức tuyển sinh riêng của từng trường.
Trong khi trước đây, lãnh đạo Bộ và các cấp quản lý cao hơn nhiều lần khẳng định, tao điều kiện hết sức để không học sinh nào dang dở chuyện thi cử vì điều kiện kinh tế. Hiện nay nhiều trường đại học chưa đưa ra được phương án cụ thể về cách thức tuyển sinh, thi môn gì, khối nào, thi ở đâu, bao giờ thi… đều chưa biết. Điều này rõ ràng ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của học sinh” – người này chỉ ra.
Một vấn đề khác đặt ra, là số phận của những thí sinh tự do sẽ như thế nào nếu không còn kỳ thi THPT phục vụ cho hai mục đích? Theo phân tích, nếu một trường nào đó dùng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 để xét tuyển sinh vào đại học, vậy thí sinh tự do có được quyền nộp hồ sơ xét tuyển vào trường này không? “Tôi e rằng thí sinh tự do sẽ không được quyền nộp hồ sơ để xét tuyển, vì những trường hợp này đã tốt nghiệp từ năm học trước, trong khi trường đại học lại chỉ dùng kết quả của năm học này để tuyển sinh” – ý kiến nêu.
Không chỉ các trường đại học, nếu trường trung cấp, cao đẳng cũng áp dụng chỉ xét tuyển những thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 thì về nguyên tắc, thí sinh tự do không thể đăng ký tuyển sinh. Tiếp theo, nếu Bộ quyết định chỉ ra đề thi chung cho kỳ thi THPT (để xét công nhận tốt nghiệp) giao việc tuyển sinh cho trường đại học thì không loại trừ “lò luyện thi” lại mọc lên như trước khi có kỳ thi THPT quốc gia.
Khi đó, học sinh vừa thi tốt nghiệp xong lại khăn gói đi luyện thi trong những “lò luyện” do chính các trường đại học mở ra. Bởi vì, khi được giao tổ chức tuyển sinh riêng, trường nào ra đề của trường đó, học sinh muốn tăng cơ hội trúng tuyển phải chấp nhận luyện thi ở trường mình đăng ký tuyển sinh.
Dưới góc nhìn thuần túy chuyên môn, một ý kiến khác chỉ ra, nhiều năm nay, để phục vụ cho kỳ thi THPT quốc gia, Bộ đã đầu tư rất nhiều công sức, kinh phí để xây dựng ngân hàng đề thi. Ngân hàng đề thi này chỉ phục vụ cho kỳ thi THPT quốc gia, điều đó có nghĩa, nếu chủ trương kỳ thi THPT năm nay chỉ để xét công nhận tốt nghiệp thì không thể sử dụng ngân hàng đề thi nêu trên.
Khi đó, Bộ phải phải xây dựng một ngân hàng đề thi hoàn toàn mới. “Theo kế hoạch, kỳ thi THPT năm nay được tổ chức vào trung tuần tháng 8, từ nay tới đó chỉ còn khoảng hơn 3 tháng, liệu có đủ thời gian để xây dựng một ngân hàng đề thi mới hay không? Ngân hàng đề này có đảm bảo chất lượng không và sử dụng được cho mấy kỳ thi hay chỉ phục vụ riêng mỗi kỳ thi năm nay? Nếu như vậy sẽ rất lãng phí” – ý kiến nêu.
“Với thông tin do lãnh đạo Bộ GD&ĐT phát biểu trước báo giới, rõ ràng kỳ thi năm nay hoàn toàn khác với những năm học trước” – hiệu trưởng một trường THPT ở thị xã Hòa Thành nhìn nhận. Ý kiến này tiếp tục bày tỏ rằng, nếu chỉ để công nhận tốt nghiệp thì không cần phải tổ chức thi, thay vào đó là xét tuyển để công nhận tốt nghiệp. Sau khi được công nhận tốt nghiệp, học sinh dành thời gian để dự thi, dự tuyển vào đại học.
“Kết quả mấy kỳ thi gần đây cho thấy, tỷ lệ học sinh được công nhận đỗ tốt nghiệp rất cao, số thí sinh trượt không đáng kể, do đó, nếu không sử dụng kết quả điểm thi để xét tuyển đại học thì không nhất thiết phải thi” – vị hiệu trường nêu ý kiến.
Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Vị này cũng kiến nghị, nếu Bộ kiên quyết tách hai kỳ thi thì nên xem xét giảm số lượng các môn thi xuống còn 4 môn là đủ, “Tôi xin mạnh dạn nói thật, tôi không tán thành chủ trương của Bộ khi tách hai kỳ thi. Vì việc tách hai kỳ thi, học sinh vừa lo thi tốt nghiệp lại vừa lo thi tuyển sinh, trong khi ngay từ đầu năm thậm chí cả năm lớp 11, học sinh chỉ học để tham dự một kỳ thi. Sau khi có thông tin về hai kỳ thi, giáo viên trường tôi hầu hết đều không ủng hộ” – hiệu trưởng một trường THPT ở TP.Tây Ninh nêu ý kiến.
Phương án nào?
Ở thời điểm hiện tại, kỳ thi THPT năm nay vẫn chưa có quyết định chính thức. Trước khi Bộ GD&ĐT công bố trước công luận rằng, kỳ thi THPT năm nay chỉ phục vụ cho việc xét công nhận tốt nghiệp, nhiều ý kiến đề nghị nên xem xét bỏ thi, thay vào đó là xét công nhận tốt nghiệp. Còn nếu giữ kỳ thi thì vẫn duy trì hình thức thi “hai trong một”, tức một kỳ thi phục vụ cho hai mục đích.
Nhưng, diễn biến mới nhất cho thấy, dù chưa chính thức, tức chưa “giấy trắng mực đen” nhưng với sự thận trọng cần thiết, có thể mạnh dạn rằng năm nay sẽ không còn kỳ thi THPT quốc gia. Điều đó có nghĩa học sinh lớp 12 phải thi để được công nhận tốt nghiệp, sau đó tiếp tục kỳ thi tuyển sinh vào đại học.
Cũng sẽ có nhiều trường sử dụng học bạ của học sinh để làm căn cứ xét tuyển thay cho thi tuyển, tuy nhiên, số trường này phần lớn thuộc tốp dưới. Đến giờ này chưa ai hình dung được khâu tuyển sinh vào đại học năm nay được thực hiện như thế nào: sử dụng học bạ để xét tuyển, tổ chức thi tuyển hay sử dụng kết quả điểm thi của một số trường đại học lớn, tốp trên để làm cơ sở tuyển sinh?
Về nguyên tắc, muốn bỏ kỳ thi THPT, xét công nhận tố nghiệp thì phải tạm hoãn áp dụng Điều 34 của Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019. Nếu không, vẫn phải tổ chức kỳ thi, vì xét công nhận tốt nghiệp sẽ phạm luật. Một vấn đề nữa, nếu chỉ để công nhận tốt nghiệp thì không nên tổ chức bài thi tổ hợp, vì như thế học sinh phải thi đến 9 môn (nếu chọn thi cả hai tổ hợp).
Trước khi có kỳ thi THPT quốc gia, kỳ thi tốt nghiệp THPT nhiều nhất cũng chỉ có 6 môn thi. Mặt khác, nếu thi chỉ để công nhận tốt nghiệp mà vẫn giữ nguyên số môn thi độc lập, số tổ hợp môn thi như kỳ thi “hai trong một” là vô lý. Trước khi có kỳ thi THPT quốc gia vào năm 2015, một thời gian dài, từ năm 2002 đến năm 2014, Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi “ba chung”, gồm chung đề, chung đợt, chung kết quả.
Trước khi có kỳ thi “ba chung”, từ năm 2002 trở về trước, việc tuyển sinh vào đại học do trường tự tổ chức theo đề thi riêng. Phương án này có nhiều bất cập như đề thi khó dễ khác nhau, “lò luyện thi” mọc lên như nấm sau mưa gây nhức nhối trong xã hội.
Năm nay, nếu giao khâu tuyển sinh cho từng trường đại học, chính là quay về cách tuyển sinh cũ, từ năm 2002 trở về trước. Phương án giao khâu tuyển sinh đại học cho từng trường (tự chủ tuyển sinh) điều này đúng với Luật Giáo dục đại học nhưng kèm theo đó không phải không có những băn khoăn. Bởi vì, khi giao quyền tự chủ tuyển sinh cho trường đại học, vai trò của Bộ GD&ĐT trong việc tổ chức một kỳ thi chung cho học sinh toàn quốc, đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh sẽ giảm hẳn.
Trong thi cử, không phương án nào có ưu điểm tuyệt đối, vì vậy, cơ quan quản lý cần cân nhắc, tính toán kỹ để tìm ra phương án tối ưu nhất. Từ khi có thông tin về việc sẽ có hai kỳ thi, dư luận trong ngành và học sinh lớp 12 đang rất lo lắng, băn khoăn.
Việt Đông