Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Một chị bán hàng cá xong phiên chợ sáng, tiện tay, tạt luôn chậu nước ra nền chợ. Một chị khác ở hàng rau, nhẹ nhàng quăng “đồ phế thải” ngay tại nơi chị bán một cách rất vô tư…
Xe để không có trật tự vì chợ chưa có bãi giữ xe |
Một chị bán hàng cá xong phiên chợ sáng, tiện tay, tạt luôn chậu nước ra nền chợ. Một chị khác ở hàng rau, nhẹ nhàng quăng “đồ phế thải” ngay tại nơi chị bán một cách rất vô tư. Còn mấy chị nội trợ đến đây, sau khi dựng chiếc xe máy ngoài nhà lồng chợ rồi ung dung đi mua đồ ăn sáng...
Đó là những hình ảnh người ta thường thấy ở chợ khu phố 4, thị trấn Châu Thành. So với một số chợ nhỏ khác thì đây là ngôi chợ khá thông thoáng với nền chợ được tráng xi măng, nhà lồng cao ráo. Tuy nhiên, sức mua tại đây cũng chỉ dừng lại ở mức một ngôi chợ loại 3. Người mua, kẻ bán tấp nập vào buổi sáng đến khoảng 9 giờ là gần như tan hàng.
Vừa qua, người trong chợ bất ngờ nhận được thông tin: huyện Châu Thành chọn chợ này làm điểm xây dựng chợ văn minh của toàn huyện (phấn đấu thực hiện trong năm 2009). Bà con tiểu thương tại đây vui mừng. Nhưng đi kèm với niềm vui đó là những băn khoăn. Hầu hết các công trình phụ như nhà vệ sinh, nhà để xe… chưa có. Thêm vào đó, hệ thống xử lý chất thải khu vực chợ cũng chưa hoàn thiện.
Ông Ngô Văn Chua, Bí thư chi bộ khu phố 4 nói: “Chợ văn minh thì bán hàng phải đi vào nền nếp thứ tự, mặt tiền phải thông thoáng, mà chỗ giữ xe cũng chưa có thì nói gì đến những chuyện khác. Để ngôi chợ này đạt danh hiệu chợ văn minh thì còn khó”.
Chuyện sắp xếp trật tự các gian hàng ở khu chợ nói trên cũng là vấn đề cần phải bàn ở đây. Theo ghi nhận của chúng tôi, các gian hàng tại đây được bố trí lung tung không theo một trật tự nào, hàng gạo nằm xen lẫn giữa hàng bán đồ ăn sáng, hàng rau xanh thì lẫn với hàng cá tạo nên một vẻ… mất trật tự! Với khung cảnh như thế khó mà tạo cảm giác thoải mái, thuận lợi trong hoạt động mua, bán tại đây. Nếu muốn đạt danh hiệu chợ văn minh thì cần phải sắp xếp lại. Hiện ban quản lý chợ chỉ có 3 người. Trong đó, 2 người không có khoản phụ cấp nào và một người kiêm nhiệm mọi việc. Anh Nguyễn Đình Thiện, người trực tiếp thu tiền của tiểu thương kiêm luôn việc quét dọn rác tại chợ cho biết: “Mỗi tháng tôi thu được khoảng 1,5 triệu đồng của bà con tiểu thương, trong đó nộp về ban tài chính hết 700.000 đồng, tính ra, mỗi tháng tôi chỉ còn 800.000 đồng mà phải dọn dẹp vệ sinh cả cái chợ rộng mấy trăm mét vuông. Đã vậy, một số hộ dân nhà gần chợ còn vứt rác ra khiến cho việc thu gom rác ở đây cũng quá khó khăn”.
Với tình hình như vậy, chợ khu phố 4, thị trấn Châu Thành muốn trở thành chợ văn minh vào cuối năm nay e rất khó. Với mặt bằng hiện tại, chợ này còn chưa thoát khỏi lớp áo chợ quê. Và theo nhận định của ông trưởng Phòng Văn hoá-Thông tin huyện Châu Thành thì khả năng để nó đạt tiêu chuẩn chợ văn minh là không dễ.
Huyện Châu Thành có 15 xã, thị trấn. Trong đó có 4 xã có 2 chợ, 7 xã có 1 chợ. Đặc biệt, 4 xã An Bình, Trí Bình, Hoà Hội và Đồng Khởi không có chợ. Số chợ trên chưa tính đến chợ tự phát như ở khu vực Xóm Ruộng, xã Trí Bình và trước trạm y tế xã Đồng Khởi. Khu chợ ốc gần ngã ba Vịnh trên quốc lộ 22B cũng bắt đầu tấp nập người mua kẻ bán. Nhưng đa phần các chợ trên địa bàn là chợ vùng nông thôn. Điều kiện vật chất còn khó khăn, chưa đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường và xử lý chất thải.
Để có chợ văn minh có lẽ trước hết cần chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho ngôi chợ điểm. Bên cạnh đó, là xây dựng ý thức của người dân thông qua các tiêu chuẩn về một ngôi chợ vệ sinh, trật tự và an toàn bằng hình thức tuyên truyền, vận động để mọi người cùng góp phần với Nhà nước, chung tay xây dựng chợ văn minh.
Tiêu chuẩn chợ văn minh TIÊU CHUẨN 1: 1. Văn phòng làm việc của Ban quản lý, tổ quản lý chợ sạch sẽ, ngăn nắp, gọn gàng; có bảng hiệu, cờ Tổ quốc treo đúng quy định, phân công cán bộ- nhân viên trực để tiếp dân, giải quyết công việc hằng ngày; khi làm việc phải đeo bảng tên, thái độ hoà nhã, lịch sự, có nội quy chợ. 2. Cán bộ- nhân viên, Ban quản lý chợ, tiểu thương thực hiện tốt nội quy, quy chế dân chủ, chủ trương chính sách, pháp luật và nghĩa vụ đối với Nhà nước 3. Niêm yết giá (trừ hàng tự sản tự tiêu), cân đúng, cân đủ. Đảm bảo chất lượng hàng hoá, không mua bán hàng kém phẩm chất, hàng gian, hàng giả và hàng cấm. 4. Có đối chứng (cân đúng) trong chợ để khách hàng kiểm tra trọng lượng sau khi mua hàng. 5. 100% tiểu thương đăng ký thực hiện tiêu chuẩn gian hàng văn minh và được công nhận 80% trở lên TIÊU CHUẨN 2: 1. Hàng hoá kinh doanh để ngăn nắp, gọn gàng, thông thoáng không chiếm lối đi; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 2. Không để xảy ra hiện trượng mất vệ sinh: rác, nước ứ đọng tại nơi mua bán. Nhà vệ sinh sạch sẽ bảo đảm vệ sinh môi trường. Có thùng rác riêng cho mỗi khi vực và gian hàng, thùng rác phải có nắp đậy… TIÊU CHUẨN 3: 1. Công tác an ninh trật tự tốt, có biện pháp phòng chống và giảm thiểu các hành vi móc túi, cướp giật, rọc giỏ, lường gạt khách hàng. 2. Thực hiện chế độ trực bảo vệ thường xuyên trong và ngoài giờ làm việc. Phòng chống ma tuý và các tệ nạn xã hội. 3. Nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông. Không để xảy ra hiện tượng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường và sử dụng vỉa hè làm bãi giữ xe. Tổ chức giữ xe cho khách, không được để tình trạng để xe trong chợ. 4. Chấp hành tốt các quy định về phòng chống cháy nổ. Lực lượng bảo vệ thường xuyên luyện tập các phương án chữa cháy và trang bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ phòng cháy chữa cháy. Người kinh doanh phải có ý thức phòng chống cháy. Không đốt nhang, đèn cầy, đèn dầu và giấy vàng bạc trong mỗi gian hàng. |
THANH PHƯƠNG