BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thị trấn Gò Dầu: Nở rộ sân bóng đá tư nhân

Cập nhật ngày: 28/11/2010 - 10:13

Thị trấn Gò Dầu trước đây giống như cái “lò” cung cấp nhiều cầu thủ cho đội bóng đá của huyện và tỉnh. Nhưng rồi do thiếu sân chơi, có lúc phong trào bóng đá ở thị trấn Gò Dầu tạm thời lắng xuống. Những năm gần đây, phong trào bóng đá ở đây được phục hồi và phát triển khá mạnh. Nhiều cầu thủ lão thành và những người có nhiệt huyết với môn thể thao vua đã chủ động đứng ra thành lập các câu lạc bộ bóng đá. Đến nay, trên địa bàn thị trấn Gò Dầu đã có đến 15 câu lạc bộ bóng đá, mỗi câu lạc bộ có một đội bóng.

Cùng với sự ra đời của các câu lạc bộ bóng đá kể trên, cách đây vài năm có hai người dân ở khu phố Thanh Hà bỏ tiền mua đất đầu tư làm sân bóng đá nhỡ (loại sân bóng chưa đủ kích thước theo quy định). Sự ra đời của hai sân bóng đá nhỡ bên cạnh hoạt động của sân bóng đá huyện đã đáp ứng phần nào nhu cầu vui chơi giải trí, rèn luyện thể thao của người dân Thị trấn. Tuy nhiên, mức đầu tư vào hai sân bóng nhỡ còn thấp. Sân bóng chỉ đơn giản là sân cỏ bình thường và chỉ chơi được ban ngày, trong khi nhu cầu luyện tập của các đội bóng ngày càng cao nên nhiều người đã phải tìm đến sân bóng ở các xã lân cận để luyện tập. Không chỉ các câu lạc bộ bóng đá mà đông đảo học sinh, cán bộ, công nhân viên chức cũng đang khao khát sân chơi thể thao lành mạnh. Nắm bắt được nhu cầu này, từ đầu năm 2010 đến nay, có ba người dân ở thị trấn Gò Dầu đầu tư vào dịch vụ kinh doanh sân bóng đá mi ni cao cấp.

Sân bóng đá mi ni của Khu văn hoá thể thao dân lập DTM

Mở đầu phong trào này là khu văn hoá thể thao dân lập DTM của gia đình anh Nguyễn Đắc Thành, ở khu phố Rạch Sơn. Sau nhiều năm lập nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, đầu năm 2010, anh Thành về quê bắt tay thành lập khu văn hoá thể thao này. Anh đã đầu tư hơn một tỷ đồng để làm 3 sân bóng đá mi ni theo tiêu chuẩn quốc tế. Sân có lưới bao bọc xung quanh, mặt sân được trồng cỏ nhân tạo, có trang bị hệ thống đèn điện chiếu sáng để phục vụ khách chơi vào ban đêm. Ngoài cho thuê sân bóng, chủ sân còn cho thuê quần áo, giày vớ đá bóng. Giá thuê sân tuỳ theo buổi (sáng, trưa, chiều, tối) có chênh lệch nhau, thấp nhất là 80.000 đồng/giờ, cao nhất là 150.000 đồng/giờ. Cùng với sự ra đời của ba sân bóng đá mi ni ở khu thể thao dân lập DTM, những tháng gần đây, ở khu phố Thanh Hà còn có 2 sân bóng đá mi ni cao cấp khác do 2 cá nhân tự đầu tư nay cũng đã đi vào hoạt động.

Hiện nay, 5 sân bóng đá mi ni nói trên mở cửa cả ban ngày và ban đêm. Mỗi ngày đêm, mỗi sân bóng thu hút hàng trăm lượt người đến đây vui chơi, giải trí. Đông nhất là vào những ngày nghỉ cuối tuần. Đối tượng đến với các sân bóng đá mi ni không chỉ là thanh thiếu niên mà có cả người lớn, trong đó có số đông cán bộ, công nhân viên chức của huyện.

Ông Nguyễn Chín Sớm, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND thị trấn Gò Dầu cho biết: thị trấn Gò Dầu là nơi tập trung đông dân cư. Ngoài người dân địa phương, hằng ngày địa phương còn thu hút rất đông khách vãng lai đến làm việc, học tập, mua bán và tham gia nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ. Vì thế thị trấn Gò Dầu cũng là nơi phát sinh khá nhiều vấn đề về trật tự xã hội. Việc thành lập các sân bóng đá nhỡ và các sân bóng đá mi ni cao cấp không chỉ đem lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư, giải quyết việc làm cho người lao động, mà còn góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội, duy trì và phát triển phong trào thể thao của địa phương. Việc tạo các sân chơi lành mạnh thu hút nhiều đối tượng sẽ góp phần tích cực vào việc kéo giảm các loại tệ nạn xã hội.

D.H