Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thị trường hàng tết: Nơi khởi sắc, chỗ đìu hiu
Chủ nhật: 23:08 ngày 28/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Còn khoảng 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các doanh nghiệp, đơn vị phân phối, bán lẻ liên tục bổ sung hàng hoá, bảo đảm nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân.

Mặt hàng bánh, kẹo, mứt tết tại siêu thị đa dạng, giá cả ổn định.

Sức mua bắt đầu “nóng” dần

Những ngày cuối tháng 1.2024, tại một số siêu thị trên địa bàn thành phố Tây Ninh, lượng khách tham quan, mua sắm đông đúc, không khí nhộn nhịp hơn so với trước. Đây là giai đoạn cao điểm mua sắm để đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Theo một số khách hàng, cuối năm là thời điểm hàng hoá rất phong phú và đa dạng, vì thế, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng dễ len lỏi vào thị trường. Do đó, nhiều người có xu hướng chọn mua hàng tại các siêu thị, hệ thống bán lẻ uy tín để bảo đảm chất lượng.

Theo ghi nhận của phóng viên, đa phần người dân tập trung mua sắm tại các khu vực bán hàng hoá thiết yếu, trang trí, thực phẩm để phục vụ cho dịp tết. Đối với quầy hàng bánh, kẹo, mứt, các sản phẩm tại đây được bán theo ký với giá cả ổn định, tăng sự lựa chọn cho khách hàng. Các giỏ quà tết cũng được bày bán với đa dạng mẫu mã, hình thức, thành phần và giá cả, từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng/giỏ.

Tranh thủ ngày cuối tuần cùng gia đình mua sắm tại siêu thị Co.opMart Tây Ninh, anh Võ Gia Thế Viễn, ngụ huyện Tân Châu cho biết: “Như mọi năm, tôi sẽ chọn các loại thực phẩm như bánh, mứt, củ kiệu, các loại hạt… là những sản phẩm đặc trưng của tết cổ truyền người Việt. Cận tết, giá cả nhiều mặt hàng sẽ có xu hướng tăng, tuy nhiên, tại siêu thị thì luôn bình ổn cùng nhiều chương trình khuyến mãi khác nên tôi rất thích. Tôi mua hàng sớm để tiết kiệm thời gian, tránh lượng khách đông đúc xếp hàng chờ đợi thanh toán vào dịp cận tết như năm trước".

Cô Phạm Thị Hà, ngụ thị xã Hoà Thành cho hay, thời điểm này đi mua sắm tết là phù hợp nhất, vì giá bán hiện tại ở mức ổn, không tăng nhiều so với năm trước. “Cô thấy các mặt hàng bày bán tại siêu thị giá cả phù hợp túi tiền, ban đầu cô định mua một ít để tiêu dùng hằng ngày, nhưng do thấy bánh, kẹo, mứt nhìn bắt mắt, nên cô mua để dành chưng tết”- cô Hà chia sẻ.

Siêu thị Co.opMart Tây Ninh áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi cho khách hàng dịp tết nguyên đán.

Để bảo đảm cho nhu cầu tiêu dùng vào dịp tết, các siêu thị, hệ thống phân phối, cửa hàng lớn trên địa bàn tỉnh đã sớm hoàn tất kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ. Đồng thời triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ. Các nguồn hàng dự trữ được kiểm tra chặt chẽ về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với người tiêu dùng.

“Nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trước và sau tết nguyên đán, siêu thị Co.opMart Tây Ninh đã chủ động chuẩn bị nguồn hàng với giá cả hợp lý và bình ổn, đồng thời thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn để thu hút khách hàng như: Bí kíp sắm tết dành cho khách hàng thành viên, khi khách hàng mua sắm sẽ có nhiều quà tặng hấp dẫn, luân phiên giảm giá từ 10%-20% các mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau củ quả, thực phẩm, thịt cá; đối với sản phẩm công nghệ luôn có giá ưu đãi. Đặc sản đặc trưng tết như: trà, cà phê, mứt, đậu, các loại hạt, ngành hàng may mặc cũng giảm lên đến 40%.

Theo nhận định, nhu cầu mua sắm tết của người dân giảm so với những năm trước, người dân có sự thay đổi theo xu hướng là thắt chặt chi tiêu hơn. Nắm bắt được xu hướng đó, phía siêu thị cũng chuẩn bị những hàng hoá thiết yếu với sản phẩm tryền thống, giá cả phải chăng để phục vụ khách hàng.

Cụ thể, chỉ từ 99 ngàn đồng hoặc 149 ngàn đồng, khách hàng có thể mua được một giỏ quà thiết yếu để tặng cho người thân và gia đình”- chị Nguyễn Thy Thu Tâm- phụ trách marketing siêu thị Co.opMart Tây Ninh cho biết.

Tiểu thương e ngại nhập hàng

Trái ngược với khung cảnh mua sắm nhộn nhịp ở chợ tết mọi năm, năm nay dù tết đã cận kề, nhưng sức mua ở các chợ truyền thống không tăng. Bà Trần Thị Thành- tiểu thương chợ Long Hoa (Hoà Thành) cho hay, năm nay tiểu thương rất buồn, người mua sắm ít, chợ tết khá vắng, còn mấy ngày nữa đến tết mà không có người mua. Mọi năm những ngày này là người mua chen lấn, đông nghẹt.

Theo bà Thành, nhiều tiểu thương không dọn đủ mặt hàng ra để bán vì không có khách, sợ ế, lỗ vốn. Nếu như trước đây họ nhập hàng 10 món, nay nhập chừng 2 món, vì còn tiền mặt bằng, tiền thuế, dịch vụ…. Đồ hàng bông cũng giảm giá, tiểu thương thật sự khó khăn.

Cùng chung cảnh mua bán ế ẩm, chị Thiên- tiểu thương bán tạp hoá tại chợ Tây Ninh thở dài cho biết, chị mở cửa từ 6 giờ sáng đến 10 giờ trưa mới có vài khách, buổi chiều và tối thì đỡ hơn, chủ yếu là khách quen. Nhìn chung sức mua của người dân giảm nhiều, nếu tình trạng này kéo dài, có thể chị sẽ trả mặt bằng và tìm nghề khác để mưu sinh.

Theo đa số tiểu thương, năm nay kinh tế khó khăn nên người dân mua sắm cầm chừng. Bên cạnh đó, cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều loại hình kinh doanh hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng online, với nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng, khuyến mãi khủng, giao hàng tận nơi đã góp phần đẩy chợ truyền thống vào cảnh ảm đạm.

 Nhiều người có xu hướng chọn mua hàng tại các siêu thị, hệ thống bán lẻ uy tín để bảo đảm chất lượng.

Nhằm cải thiện lượng khách mua hàng, nhiều tiểu thương ngoài bán trực tiếp cũng tranh thủ bán hàng trên mạng, đăng hình ảnh lên TikTok, Zalo, Facebook, các trang chợ online… nhưng người mua không mặn mà. Lượng khách ít, hàng tồn kho nhiều, khiến nhiều tiểu thương không dám nhập nhiều hàng bán tết.

Cô Phạm Thị Lụa- người mua hàng chia sẻ: “Cô đến chợ Long Hoa để mua giấy tiền vàng bạc, quần áo hàng mã cúng ông bà. Năm nào dịp tết cô cũng ra đây mua, cô thấy năm nay chợ vắng khách hơn nhiều so với mọi năm. Tết thì nhà nào cũng cúng kiếng ông bà tổ tiên cho nên mặt hàng đồ cúng cô thấy có nhiều người mua hơn các quầy hàng khác. Chợ có nhiều sản phẩm đa dạng, chất lượng, giá cả hợp lý, tuy nhiên nhiều người không còn mặn mà với chợ”.

“Đứng ngồi không yên” chờ khách hàng mua sắm tết là tình hình chung của hầu hết tiểu thương các chợ truyền thống hiện nay. Các tiểu thương kỳ vọng sức mua sẽ tăng sau vài ngày tới, bởi tâm lý nhiều người đợi đến cận tết mới mua hàng.

Hoàng Yến - Nhật Quang

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh, trong tháng 1.2024, tình hình thị trường tương đối ổn định. Do gần đến tết, người dân có nhu cầu tiêu dùng cao các mặt hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, thực phẩm chế biến, bánh kẹo… Các mặt hàng này được tiểu thương, hệ thống phân phối hàng tiêu dùng đưa về nhiều hơn mức bình thường nên không có tình trạng thiếu hụt, khan hiếm hàng hoá.

Mẫu mã hàng hoá phong phú, đa dạng về chủng loại, chủ yếu là các mặt hàng sản xuất trong nước. Sức mua của người tiêu dùng có tăng nhưng chậm so với tháng trước, do kinh tế khó khăn, thu nhập sụt giảm.

Giá cả hàng hoá nhìn chung tương đối ổn định, một số ít mặt hàng tăng nhẹ, do ảnh hưởng tình hình bất ổn trên thế giới làm tăng giá cước vận chuyển, giá nguyên liệu đầu vào, nhất là đối với các mặt hàng phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài để sản xuất.

Những mặt hàng thực phẩm thiết yếu, thực phẩm tươi sống giá cả ổn định; một số mặt hàng như thịt heo, gà, cá, trứng gia cầm các loại… giá bán giảm do nguồn cung dồi dào.

Trường Lộ

Báo Tây Ninh
Công ty quà tặng tết Grand Cru - Wine & Gift
Tin cùng chuyên mục