BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thị trường mùa tết: Nhiều chợ vẫn im ắng

Cập nhật ngày: 07/01/2014 - 10:03

Cảnh vắng vẻ ở chợ Hoà Bình những ngày đầu tháng Chạp

 Đến chợ Hoà Bình- một khu chợ vùng nông thôn biên giới nằm trên địa bàn xã Thành Long, huyện Châu Thành vào một ngày đầu tháng Chạp, chúng tôi nhận thấy không khí nơi đây rất trầm lắng. Chợ hiện có khoảng 135 tiểu thương đang kinh doanh. Chị Trần Thị Loan, một trong số các tiểu thương cho biết: khoảng hai năm nay tình hình buôn bán vào dịp tết không nhộn nhịp mấy so với ngày thường.

Hộ chị Loan kinh doanh nhiều mặt hàng gồm đồ gia dụng, quần áo, thực phẩm thiết yếu… nhưng nguồn thu không cao. Nhớ lại trước đây vài năm thôi, việc buôn bán ở chợ không đến nỗi tệ; vào dịp tết dương lịch, chị Loan bận rộn bán buôn đến nỗi không có thời gian ăn trưa, còn bây giờ thì…

Chị lo âu dự đoán: “Tết năm nay chắc cũng không khá hơn tết năm rồi. Chẳng thấy hào hứng gì cả”. Theo lời chị, trước đây nhiều người Campuchia thường tìm sang chợ Hoà Bình để mua hàng. Tuy nhiên, hiện nay lượng khách hàng này cũng đang giảm dần.

Một tiểu thương khác cũng tỏ vẻ buồn rầu cho tình trạng hàng họ ế ẩm của mình, chị nói vẻ không chắc chắn: “Chắc khoảng từ ngày 15 tháng Chạp thì lượng người mua sắm tết mới đông lên”.

Theo nhận định của nhiều người, có thể do việc làm ăn không tốt nên người dân quanh khu vực chợ Hoà Bình hạn chế việc mua sắm tết. Mặt khác, hiện nay nhiều bà con thích đổ về khu vực Thành phố để mua sắm nên cũng làm mất đi một lượng khách đáng kể ở chợ.

Do tình trạng buôn bán ế ẩm nên số đông tiểu thương không mặn mà việc nhập hàng bán tết. Chị Loan thừa nhận mình chỉ dồn hàng ra bán thôi chứ không dám nhập thêm về. 

Tình hình tại chợ Cầu, xã Long Thuận (huyện Bến Cầu) cũng chẳng mấy khả quan. Một nhân viên Ban Quản lý chợ cho rằng: do năm trước việc mua bán ế ẩm nên năm nay, giờ này nhiều tiểu thương vẫn chưa đặt hàng hoa, quả về bán tết. Trước kia, khi còn mua may bán đắt, bà con tiểu thương phải đặt hàng từ một tháng trước tết.

Còn ở chợ Tiên Thuận (cùng huyện Bến Cầu), theo ông Huỳnh Văn Tề- chủ một tiệm tạp hoá tại chợ, mùa tết năm nay ông chỉ nhập một lượng hàng bằng với năm trước, không dám lấy nhiều hơn vì nhận thấy sức mua càng ngày càng giảm. Thời điểm này, tiệm tạp hoá của ông Tề là nơi gần như duy nhất còn thấy có chút không khí xuân với những mặt hàng bánh ngọt, nước giải khát, bia… mà ông vừa nhập về bán tết.

Không khí hiu hắt của thị trường mùa tết không chỉ diễn ra ở vùng nông thôn trong những ngày đầu tháng Chạp. Ngay cả các chợ ở khu vực thành thị dường như cũng đang dùng dằng chờ tết.

Nhiều tiểu thương ở chợ Long Hoa, chợ phường 3 Thành phố cũng than vãn hàng bán chậm hơn so với năm rồi. Bà con cũng đã bắt đầu trưng bày hàng tết nhưng đó mới chỉ là động thái thăm dò thị trường chứ chưa dám mạnh dạn nhập hàng số lượng nhiều để kinh doanh.

“Các mặt hàng như bánh ngọt, mứt, hạt dưa vài năm trở lại đây không còn được người tiêu dùng ưa chuộng nữa, họ chỉ mua cầm chừng vài ba lạng là cùng”- một tiểu thương chợ Long Hoa cho biết. Chị Mã Chiêu Anh, cũng là tiểu thương chợ này tỏ ra thận trọng: “Khoảng mùng 10 tháng Chạp người mua mới bắt đầu đông hơn, tôi mới dám lấy thêm hàng”.

Theo nhiều người bán hàng ở chợ: hiện nay đa số người tiêu dùng đã trở nên kỹ tính hơn nên các tiểu thương cũng phải thận trọng khi nhập hàng tết. Theo ông Tề, vài năm nay tiệm ông chỉ bán hàng Việt Nam, nhãn hiệu quen chứ không dám bán hàng lạ vì người dân bây giờ rất kén chọn, có tâm lý cảnh giác với những mặt hàng “khả nghi”. Chị Anh cũng có cùng nhận định: “Nhiều người mua hàng thường coi kỹ xuất xứ, nhãn hiệu nên mình cũng phải chọn những mặt hàng rõ nguồn gốc để nhập về”.

Ở góc độ người tiêu dùng, bà Nguyễn Thị Nữ, ngụ xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành chia sẻ: “Tôi chọn đi sắm tết ở chợ Hoà Bình nhưng phải chờ đến lúc còn cách tết 10 ngày mới mua sắm, bây giờ thì chưa”. Thời điểm bà Nữ chọn lựa cũng là thời điểm trông đợi, hy vọng của nhiều tiểu thương ở các chợ hiện nay.

VI XUÂN - THUÝ HẰNG