BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thị xã: Đầu tháng 10, “xoá sổ” xóm Lò Than

Cập nhật ngày: 12/08/2009 - 08:10

Xóm Lò Than phường 3 (Thị xã Tây Ninh) hình thành và hoạt động từ rất lâu đời khi khu vực xung quanh vẫn còn là rừng. Ban đầu chỉ có một vài lò than, nguyên liệu sản xuất có ngay tại chỗ và các vùng lân cận. Đến nay, theo thống kê của ngành chức năng ở đây có 67 lò hầm than lớn nhỏ của 27 hộ nằm xen lẫn trong khu dân cư, với 84 lao động trực tiếp.

Khu dân cư xóm Lò Than có diện tích tự nhiên 96,8 ha với 6.240 nhân khẩu, nằm về phía đông đường Hoàng Lê Kha, cách trụ sở UBND phường 3 chỉ khoảng 100 mét. Khi các lò than hoạt động, mùi khói than lan toả khắp ngõ ngách, đến từng hộ gia đình. Lúc củi mới được đưa vào lò thì còn đỡ, nhưng lúc củi chín thành than, sắp cho ra sản phẩm thì khói rất nhiều, lan xa hàng trăm mét, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ, sinh hoạt của nhân dân quanh vùng. Đây là ngành nghề đặc thù không thể di đời vào cụm công nghiệp được. Vì thế, giải pháp khả thi nhất là các hộ lò than phải chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp với quá trình đô thị hoá.

Một hộ dân phá bỏ hầm than, chuyển đổi ngành nghề.

Ngày 20.4.2009, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 106/QĐ-UBND, phê duyệt đề án hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho các hộ có lò than ở khu phố 3, phường 3, Thị xã. Mức hỗ trợ đào tạo nghề mới cho số lao động đang làm nghề than là 300.000 đồng/lao động/tháng, tối đa không quá 3 tháng. Hỗ trợ ngưng việc cho người chưa có việc làm mới, hỗ trợ bằng mức lương tối thiểu trong thời gian tối đa 6 tháng. Đồng thời cũng hỗ trợ chi phí nhân công, ngày công phá dỡ lò với tổng kinh phí hơn 355 triệu đồng. Thời gian phá dỡ các lò than được bắt đầu sau 3 tháng. Thời gian thực hiện đề án trong 6 tháng kể từ khi đề án được tỉnh phê duyệt. UBND Thị xã được giao thực hiện đề án này.

Thị xã đã thành lập tổ công tác tuyên truyền, vận động các hộ có lò than chấp hành việc chuyển đổi ngành nghề. Đến nay đã có 19/27 hộ đồng ý phá bỏ hầm lò, nhận tiền hỗ trợ. Qua trao đổi ý kiến với một số chủ lò than, có thể thấy bà con đều thống nhất với chủ trương chuyển đổi ngành nghề của Nhà nước. Trong số đó có hộ bà Nguyễn Thị Cườm, đã có hơn 40 năm làm nghề hầm than, gia đình có 12 nhân khẩu chủ yếu sống nhờ vào nghề này, đã vui vẻ nhận tiền hỗ trợ để chuyển đổi ngành nghề, hộ anh Nguyễn Văn Cường, làm nghề hầm than “cha truyền con nối”, anh cho biết sau khi nhận tiền hỗ trợ xong anh sẽ đi học nghề khác để làm ăn sinh sống.

Hiện nay 8 hộ lò than còn lại cũng đã cam kết từ nay đến đầu tháng 10 sẽ thực hiện xong việc phá dỡ lò than, san lấp mặt bằng trả lại không khí thông thoáng, trong lành cho khu dân cư.

Trần Nguyễn