BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thị xã Tây Ninh: Những dự án “chết non” ở các “khu đất vàng”

Cập nhật ngày: 08/05/2013 - 10:35
HTML clipboard

(BTN)- Kêu gọi đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế - xã hội là việc làm hết sức cần thiết của bất kỳ địa phương nào trong tiến trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Thu hút đầu tư càng mạnh, dự án đầu tư càng nhiều và quy mô đầu tư càng lớn thì sự phát triển sẽ càng nhanh. Do đó, trong thời gian qua, Tây Ninh đã hết sức nỗ lực trong việc quảng bá hình ảnh, giới thiệu tiềm năng và đã thu hút được khá nhiều dự án đầu tư về cho tỉnh, trong đó có không ít dự án đầu tư quy mô lớn. Kết quả là trong những năm qua, GDP của tỉnh tăng trưởng khá cao mỗi năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đời sống người dân được nâng lên.

Tuy nhiên, cũng có không ít dự án đầu tư chậm triển khai so với kế hoạch- thậm chí có một số dự án với quy mô khá hoành tráng bị “chết non” ngay sau khi khởi công một thời gian ngắn. Hậu quả để lại là một số khu đất bị bỏ hoang trong thời gian dài, gây khó khăn cho Nhà nước và bức xúc trong nhân dân- trong đó có những khu “đất vàng” tại trung tâm thị xã Tây Ninh.

Khách sạn Petroland- dự án hoành tráng nhất Tây Ninh

Hơn 20 năm trước, con đường Hoàng Lê Kha ở thị xã Tây Ninh còn là đường đất phún, hai bên đường nhà cửa thưa thớt. Khu vực từ hồ bơi đến nhà thi đấu đa năng bây giờ, lúc ấy là khu nghĩa địa hoang vu với hàng ngàn mồ mả. Khi đường Hoàng Lê Kha được mở rộng, nâng cấp bê tông nhựa phẳng phiu và khu nghĩa địa được giải toả thì con đường này trở thành con đường đẹp nhất Thị xã với các công trình phục vụ sinh hoạt, vui chơi, giải trí được Nhà nước đầu tư xây dựng.

Khu đất bỏ hoang phế do Dự án Khách sạn Petroland Tây Ninh “chết” đi để lại

Tuy nhiên hiện nay, khi đi trên đường Hoàng Lê Kha, có một khu vực khiến người ta nhớ lại hình ảnh khu nghĩa địa trước đây, bởi vì xen giữa những công trình khang trang, bề thế lại có một khu đất bỏ hoang, cây cỏ mọc đầy. Đó là khu đất giữa hồ bơi và nhà thi đấu đa năng, do Dự án Khách sạn Petroland Tây Ninh “chết” đi để lại.

Khu đất bỏ hoang trên đường Hoàng Lê Kha này có diện tích khoảng 1,2 ha, trước đây được tỉnh giao cho Công ty Cơ khí Tây Ninh đầu tư xây dựng thành khu vui chơi cho thanh thiếu nhi với tên gọi “Ước mơ tuổi thơ”. Từ khi được giao, Công ty đã lắp đặt nhiều trò chơi khá hiện đại và tổ chức sân chơi phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho con em nhân dân Thị xã và các khu vực lân cận. Tuy không phải lúc nào cũng có nhiều thanh thiếu nhi đến vui chơi, nhưng khu Ước mơ tuổi thơ lúc ấy luôn là nơi mà các bậc cha mẹ ưu tiên lựa chọn để đưa con em mình đến khi có điều kiện.

Thế nhưng, khi “thương hiệu” Ước mơ tuổi thơ hình thành trong lòng người Tây Ninh thì khu vực này phải giải toả để thực hiện dự án Khách sạn Petroland Tây Ninh. Đây là dự án do 4 đơn vị hợp doanh thực hiện, gồm: Công ty CP Đầu tư hạ tầng và đô thị Dầu khí (Petroland); Tổng Công ty Tài chính CP Dầu khí Việt Nam (PVFC); Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGAS) và Công ty Cơ khí Tây Ninh. Trong đó, Petroland là đơn vị góp vốn nhiều nhất- 50%. Theo dự án được công bố, Khách sạn Petroland Tây Ninh được xây dựng trên diện tích hơn 1.700m2 với quy mô 18 tầng nổi và 1 tầng hầm, trong đó có 5 tầng để kinh doanh dịch vụ và 13 tầng kinh doanh khách sạn với 144 phòng nghỉ sang trọng đạt chuẩn 4 sao... Dự án có tổng mức đầu tư là 300 tỷ đồng, với thời gian thực hiện dự kiến là 2 năm.

Việc Công ty Petroland cùng các đơn vị hợp doanh đầu tư dự án khách sạn tại thị xã Tây Ninh chẳng những được các cấp, các ngành trong tỉnh ủng hộ mà nhân dân trong khu vực cũng hoan nghênh, chấp nhận hy sinh “Ước mơ tuổi thơ”. Bởi vì đây là dự án xây dựng khách sạn hoành tráng nhất ở Tây Ninh từ trước đến nay- tiêu chuẩn 4 sao, cao đến 18 tầng và khi xây dựng xong chắc chắn sẽ làm bộ mặt thị xã Tây Ninh thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho lộ trình phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại 3 và thành phố trực thuộc tỉnh của Thị xã ở thời điểm đó. Ngoài ra, dự án cũng nhằm cụ thể hoá Chương trình hợp tác toàn diện giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tây Ninh đã được ký kết vào tháng 9.2009.

“Chết” ngay sau khi khởi động rầm rộ

Phối cảnh Khách sạn Petroland Tây Ninh

Ngày 8.8.2010, lễ khởi công dự án được tổ chức rầm rộ, có cả lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham dự. Thế nhưng, sau lễ khởi công, ngoài những tấm bảng trưng bày phối cảnh toà nhà cực đẹp treo kín ngoài hàng rào khu đất, bên trong chẳng hề có động tịnh gì. Tình trạng “tĩnh lặng” này kéo dài khiến khu đất đang hoạt động vui chơi, giải trí khá náo nhiệt dần trở thành hoang phế. Cỏ hoang, cây dại mọc lên ngày càng nhiều, những tấm bảng in phối cảnh toà nhà trên ở ngoài hàng rào ngày càng phai màu thì niềm hy vọng của những người quan tâm ở thị xã Tây Ninh cũng ngày càng giảm đi, bù vào đó là sự nghi ngờ về tính khả thi của dự án ngày càng tăng hơn.

Giữa tháng 4.2011, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chính thức có công văn đề nghị tạm ngưng triển khai dự án. Đây là thông tin của chủ đầu tư chính thức “báo tử” Dự án Khách sạn Petroland hoành tráng nhất Tây Ninh. Sau đó, UBND tỉnh quyết định thu hồi chủ trương đầu tư dự án này. Từ sau khi dự án bị thu hồi, những tấm bảng phô trương phối cảnh hoành tráng của khách sạn được tháo dỡ thì khu “đất vàng” này đã thực sự trở thành đất hoang. Những căn nhà dùng làm nơi tổ chức sinh hoạt vui chơi được giữ lại sau khi hệ thống trò chơi thiếu nhi di dời đi, nay chỉ còn thấy thấp thoáng trong tán các bụi cây dại, nhìn càng tăng vẻ đìu hiu.

Từ khi dự án được tổ chức khởi công đến nay- gần 3 năm trôi qua, khu đất này vẫn còn bỏ hoang. Nhiều người dân Thị xã bức xúc và nêu ý kiến trong những lần tiếp xúc với đại biểu HĐND các cấp. Trong đó cũng có ý kiến đề nghị làm lại khu vui chơi, giải trí phục vụ thanh, thiếu nhi ở Thị xã và khu vực lân cận như trước đây.

Tích cực tìm hướng ra

Thực ra, sau khi quyết định thu hồi chủ trương đầu tư Dự án Khách sạn Petroland Tây Ninh, các ngành chức năng đã tích cực tham mưu UBND tỉnh tiếp tục kêu gọi đầu tư, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất khu đất trên để thực hiện dự án khác. Thế nhưng qua một thời gian, không có nhà đầu tư nào tham gia. Mới đây, để tăng khả năng thu hút đầu tư vào khu đất này đồng thời để tăng tính khả thi khi triển khai thực hiện dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu đề xuất tỉnh ban hành tiêu chí mời gọi nhà đầu tư tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư.

Theo đề xuất, toàn khu đất được chia làm 2 khu đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện 2 dự án. Khu thứ nhất có diện tích hơn 8.700m2 để thực hiện Dự án Trung tâm Thương mại - Dịch vụ - Khách sạn với tầng cao tối thiểu là 4 tầng, chiều cao tối đa không quá 45m và mật độ xây dựng không quá 70%. Khu đất thứ hai có diện tích hơn 3.600m2 để thực hiện Dự án Trung tâm Thương mại - Dịch vụ với tầng cao tối thiểu là 2 tầng, chiều cao không quá 45m và mật độ xây dựng không quá 55%.

Để nâng cao tính khả thi thực hiện dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư đấu giá quyền sử dụng đất chặt chẽ và cụ thể hơn. Trong đó có 3 tiêu chí cơ bản với tổng số điểm đánh giá là 100 điểm. Tiêu chí có số điểm cao nhất là về năng lực tài chính- tối đa là 50 điểm cho nhà đầu tư có đủ cơ sở chứng minh nguồn vốn tự có, nguồn vốn hợp tác đầu tư và nguồn vốn vay. Tiêu chí kế đến là tiến độ triển khai thực hiện dự án- tối đa là 40 điểm cho nhà đầu tư cam kết triển khai xây dựng và đưa dự án đi vào hoạt động trong vòng 24 tháng- trong đó 6 tháng thực hiện các thủ tục và 18 tháng tiến hành xây dựng. Tiêu chí thứ ba là về kinh nghiệm triển khai xây dựng, quản lý và khai thác dự án- tối đa là 10 điểm. Tổng số điểm cho cả 3 tiêu chí phải đạt từ 80 trở lên thì nhà đầu tư mới được lựa chọn tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.

Như vậy, qua ý kiến tham mưu của ngành chức năng cho thấy khu “đất vàng” đường Hoàng Lê Kha vẫn tiếp tục được kêu gọi đầu tư xây dựng lĩnh vực thương mại - dịch vụ - khách sạn nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng của khu đất nằm trên con đường quan trọng này. Và cũng qua ý kiến tham mưu cho thấy, việc chọn lựa nhà đầu tư được quy định cụ thể hơn nhằm nâng tính khả thi thực hiện dự án cao hơn. Từ đó, nhiều người hy vọng trong tương lai gần sẽ tiếp tục có nhà đầu tư đến khu “đất vàng” này triển khai dự án và đảm bảo dự án sẽ không còn “chết non” như trước nữa.

Tuy nhiên, từ nay đến khi có được nhà đầu tư tham gia đấu giá quyền sử dụng đất thì khu “đất vàng” trên đường Hoàng Lê Kha này sẽ còn phải tiếp tục chịu cảnh hoang phế…

Sơn Trần

(Còn tiếp)