BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thị xã Tây Ninh: Những dự án “chết non” ở các “khu đất vàng”

Cập nhật ngày: 10/05/2013 - 05:57
HTML clipboard

(BTN)- Thực trạng một số dự án đầu tư “chết non” ở Thị xã Tây Ninh cho thấy, công tác mời gọi đầu tư của tỉnh trong thời gian qua có nhiều dự án thực hiện tốt nhưng cũng có không ít dự án chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn.

>> Thị xã Tây Ninh: Những dự án “chết non” ở các “khu đất vàng”

TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI ESPACE BOURBON: DỞ DANG RỒI... DANG DỞ

So với “khu đất vàng” do Dự án Khách sạn Petroland Tây Ninh “chết” đi để lại ở đường Hoàng Lê Kha (thuộc phường 3, Thị xã) thì “khu đất vàng” ở khu vực Quân y viện cũ (thuộc phường 2, Thị xã) còn “đắc địa” hơn nhiều. Bởi vì khu đất này có đến 4 mặt tiền giáp 4 tuyến đường 30.4, Pasteur, Hàm Nghi và Trần Quốc Toản đều đã được nâng cấp bê tông nhựa. Thế nhưng, cũng do dự án đầu tư ở đây bị ngưng ngang mà đến bây giờ, trên khu đất này, ngoài một công trình duy nhất xây dựng dở dang, hầu hết diện tích còn lại vẫn chịu cảnh bỏ hoang. Giữa lòng thị xã Tây Ninh đang tăng tốc đô thị hoá để chuẩn bị “lên thành phố” mà còn tồn tại một khu đất bỏ không, thật là điều khiến cả chính quyền và người dân Thị xã khó có thể chấp nhận.

Lễ khởi công xây dựng TTTM Espace Bourbon Tây Ninh

Theo quy hoạch, “khu đất vàng” có diện tích rộng gần 1,5 ha này là nơi kêu gọi đầu tư xây dựng trung tâm thương mại (TTTM) với quy mô cả chục tầng để tạo điều kiện cho các hoạt động thương mại, dịch vụ, hội nghị… khu vực thị xã Tây Ninh phát triển mạnh mẽ. Để chuẩn bị mặt bằng, từ năm 2000, UBND Thị xã đã bắt đầu triển khai công tác bồi thường, giải toả, tái định cư cho những hộ dân cư ngụ trên khu đất này. Năm 2007, UBND tỉnh tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án xây dựng TTTM và Công ty CP Bourbon Tây Ninh trúng đấu giá. Đầu tháng 6 năm 2009, Công ty đã lập, trình thẩm định thiết kế cơ sở và được cấp giấy phép xây dựng công trình. Phối cảnh TTTM này rất hoành tráng cho thấy thêm triển vọng phát triển của thị xã Tây Ninh.

Với sự hỗ trợ của tỉnh và các cơ quan chức năng, những tưởng dự án sẽ sớm được triển khai, nhưng hết năm 2009, qua năm 2010, “khu đất vàng” này lại tiếp tục bị bỏ hoang. Việc dự án xây dựng TTTM chậm thực hiện khiến cho cử tri thị xã Tây Ninh bức xúc. Từ kỳ họp thứ 18 đến kỳ họp thứ 22 HĐND tỉnh khoá VIII, vấn đề chậm xây dựng TTTM trên “khu đất vàng” này liên tục được đặt ra nhưng Công ty CP Bourbon Tây Ninh vẫn không triển khai với lý do không tìm được đối tác. Như vậy, đến cuối năm 2010, dự án xây dựng TTTM trên khu đất Quân y cũ coi như đang trong giai đoạn “hấp hối”.

Dự án TTTM Espace Bourbon Tây Ninh triển khai dang dở

Giữa năm 2011, Dự án xây dựng TTTM này được “hồi sinh” do thay đổi chủ đầu tư- tuy vẫn mang tên Công ty CP Bourbon Tây Ninh. Sau khi tiếp nhận, chủ đầu tư mới tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ, điều chỉnh thiết kế để thực hiện dự án trên “khu đất vàng” đã bị bỏ hoang qua hơn 2 năm. Dự án điều chỉnh của chủ đầu tư mới có tên là TTTM - Văn phòng - Khách sạn và Căn hộ được gọi tắt là TTTM Espace Bourbon Tây Ninh. Theo thiết kế, TTTM này được chia thành 3 phân khu chính, gồm: khu văn phòng có 10 tầng với tổng chiều cao hơn 40 mét; khu khách sạn, dịch vụ có 14 tầng với tổng chiều cao là 45 mét và khu trung tâm thương mại có 4 tầng với tổng chiều cao là 26 mét. Giai đoạn 1, Công ty CP Bourbon Tây Ninh sẽ đầu tư xây dựng khu văn phòng và khu thương mại với tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 2 năm. Giai đoạn 2 sẽ đầu tư xây dựng tiếp khu B trên diện tích 1.107m2. Đây là dự án xây dựng TTTM có mức đầu tư lớn nhất thị xã Tây Ninh lúc bấy giờ.

Phối cảnh TTTM Espace Bourbon Tây Ninh

Ngày 25.11.2011, Công ty CP Bourbon Tây Ninh chính thức tổ chức lễ khởi công Dự án TTTM Espace Bourbon Tây Ninh. Ngay sau lễ khởi công, không khí trong “khu đất vàng” bắt đầu nhộn nhịp với lực lượng nhân công, xe máy chuyên dùng tập trung hoạt động và dãy nhà cao tầng đầu tiên bắt đầu đổ móng, đổ sàn, xây dựng tầng 1, tầng 2. Dự án được tiến hành thi công, nhiều người phấn khởi cho rằng tình trạng lãng phí đất đai ở “khu đất vàng” tại trung tâm Thị xã đã chấm dứt, vừa giải toả bức xúc của nhân dân, vừa tạo điều kiện cho lĩnh vực thương mại - dịch vụ của Thị xã phát triển mạnh hơn, tạo thêm cảnh quan cho bộ mặt Thị xã hiện đại hơn.

Nào ngờ, sau khi dãy nhà xây dựng thô đến tầng thứ 3 thì bỗng dưng lực lượng nhân công, xe máy “biến mất”, để lại dãy nhà dang dở nằm trơ vơ trong khu đất trống và cỏ hoang lại mọc đầy. Dự án xây dựng TTTM Espace Bourbon Tây Ninh tiếp tục dang dở sau khoảng nửa năm thi công ì xèo. Từ đó đến nay- đã gần 1 năm nữa trôi qua, “khu đất vàng” có 4 mặt tiền này vẫn tiếp tục nằm im. Theo đơn vị chủ đầu tư, sở dĩ dự án ngưng thi công là do đối tác “có khó khăn” đề nghị không tiếp tục thực hiện dự án này. Khi ngưng triển khai, chủ đầu tư cũng có cho biết là sẽ tìm “giải pháp khác” để có thể tiếp tục thực hiện dự án.

Bây giờ thì lại thêm 1 năm nữa trôi qua, người ta vẫn chưa thấy có sự thay đổi nào trên khu đất này. Đến nay, nhà đầu tư vẫn chưa chính thức “báo tử” dự án của mình nhưng nhiều người cho rằng dự án này cũng thuộc dạng “chết non” và “khu đất vàng” đắc địa nhất thị xã Tây Ninh sẽ còn tiếp tục bỏ hoang.

DỰ ÁN TRƯỜNG ĐẠI HỌC - HAI LẦN “CHẾT NON”

Ở thị xã Tây Ninh còn có thêm một khu đất nữa bỏ hoang nhiều năm- tuy không “đắc địa” bằng hai “khu đất vàng” trên đường Hoàng Lê Kha và đường 30.4, nhưng cũng nằm cặp đường bê tông nhựa, rộng và đẹp không kém. Đó là khu đất trên đường Nguyễn Trãi thuộc phường 4, thị xã Tây Ninh.

Khu đất bỏ hoang trên đường Nguyễn Trãi này, trước đây thuộc địa bàn huyện Hoà Thành. Khi huyện Hoà Thành xây dựng Trường THPT dân lập Tây Ninh ở đây thì khu vực này chưa sung túc. Từ khi chia tách địa giới hành chính thành lập phường 4, cơ sở hạ tầng tại phường mới được đầu tư xây dựng, nâng cấp, khu vực này bắt đầu phát triển sầm uất, giá trị đất đai tăng cao, khiến cho khu đất Trường dân lập cũ trở thành khu đất có giá trị. Chính vì thế mà có đến 2 dự án đầu tư xây dựng trường đại học chọn khu đất này làm một trong hai cơ sở xây dựng (cơ sở chính thuộc địa bàn huyện Dương Minh Châu), và tại nơi đây đã chứng kiến cả hai lần dự án “chết non” sau khi khởi công chẳng bao lâu.

Trước tiên là Dự án xây dựng Trường đại học tư thục (ĐHTT) Á Châu, do Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Bách Khoa mà đại diện là Tiến sĩ Trần Công Toại làm chủ đầu tư, được Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép thành lập vào năm 2005. Theo dự kiến của chủ đầu tư lúc ấy thì Trường ĐHTT Á Châu có quy mô khá lớn: gồm 11 khoa, tuyển khoảng 1.500 sinh viên mỗi năm với tổng vốn đầu tư xây dựng Trường dự kiến khoảng 300 tỷ đồng thực hiện trong vòng 10 năm. Dự án này khiến cho nhiều người dân Tây Ninh phấn khởi và hy vọng khi hoàn thành sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho nhiều hộ gia đình có con em muốn tiếp tục học sau khi tốt nghiệp phổ thông.

Khi triển khai dự án, Công ty Tân Bách Khoa chỉ tập trung khởi công xây dựng trụ sở tại khu đất đường Nguyễn Trãi với ý đồ đẩy nhanh tiến độ tuyển sinh vào trường. Tuy nhiên, khi công trình vừa mới xong phần móng thì rắc rối xảy ra- chủ yếu là do chủ đầu tư không đủ khả năng tài chính, dự án bị đình trệ. Tháng 1 năm 2007, UBND tỉnh quyết định thu hồi chủ trương Dự án đầu tư xây dựng Trường ĐHTT Á Châu với lý do là không triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ- dù đã được gia hạn nhiều lần. Dự án xây dựng Trường ĐHTT Á Châu “chết non”, để lại khu đất hoang, cỏ dại mọc đầy xen lẫn những cây cột xi măng nhô lên từ móng công trình.

Khu đất đường Nguyễn Trãi hiện nay- sau 2 lần dự án trường ĐHTT “chết non”

Đầu năm 2007, Tiến sĩ Huỳnh Văn Duyên- Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị được thành lập Trường ĐHTT Đông Dương- sau đổi thành Trường ĐHTT Khai Minh, được UBND tỉnh đồng ý về nguyên tắc và được Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép thành lập vào năm 2008. Theo dự án, Trường đại học này có 2 cơ sở ở phường 4, Thị xã và xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, giai đoạn đầu gồm có 8 khoa, thu sinh viên không chỉ ở Tây Ninh, trong cả nước mà còn thu cả sinh viên các nước lân cận. Dự kiến năm học 2009 - 2010, Trường ĐHTT Khai Minh bắt đầu tuyển sinh.

Điều làm nhiều người quan tâm phấn khởi và tin tưởng dự án sẽ triển khai là nhà đầu tư mới tích cực triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khu vực đất ở xã Bàu Năng với diện tích khoảng hơn 20 ha, đồng thời ở khu đất trên địa bàn phường 4, nhà đầu tư cũng đã dọn dẹp để chuẩn bị thi công tiếp. Thế nhưng sau lễ khởi công khá rầm rộ được tổ chức vào tháng 6 năm 2010, công trường thi công vẫn “yên ắng”, bên cạnh những đống vật liệu xây dựng được đổ xuống. Hai năm sau, tháng 6 năm 2012, UBND tỉnh quyết định thu hồi chủ trương đầu tư xây dựng Trường ĐHTT Khai Minh. Như vậy, dự án xây dựng trường đại học tại Tây Ninh lại “chết non” lần thứ hai. Và khu đất trên đường Nguyễn Trãi lại bị bỏ hoang.

Gần đây, qua nguyện vọng của người dân cùng đề xuất của Thị xã, khu đất trên được giao lại cho Thị xã quản lý để thực hiện dự án xây dựng trường tiểu học quy mô lớn. Định hướng giải quyết tình trạng bỏ hoang khu đất này đã có, nhưng chưa biết đến bao giờ dự án xây dựng mới được triển khai.

Thực trạng một số dự án đầu tư “chết non” ở Thị xã Tây Ninh cho thấy, công tác mời gọi đầu tư của tỉnh trong thời gian qua có nhiều dự án thực hiện tốt nhưng cũng có không ít dự án chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn. Hậu quả là một số “khu đất vàng” ở trung tâm Thị xã nhiều năm liền bị bỏ hoang, lãng phí. Tuy rằng hiện tại các “khu đất vàng” đó đều đã có định hướng giải quyết, nhưng nếu tiến độ giải quyết không được đẩy nhanh, tình trạng đất bị bỏ hoang vẫn còn tồn tại, thì sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan đô thị và tâm lý của người dân Thị xã.

Sơn Trần