Tiến sĩ- Kiến trúc sư Nguyễn Thiềm nhận định: “… Nhìn bề ngoài, Thị xã đang chuyển mình. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức”.
Tiến sĩ- Kiến trúc sư Nguyễn Thiềm, Chủ tịch Hội đồng khoa học- kỹ thuật Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TP.HCM nhận định: “Thị xã Tây Ninh, tỉnh lỵ của tỉnh Tây Ninh đã có nhiều đổi thay về quy hoạch và diện mạo kiến trúc đô thị. Nhiều đường phố được mở mang lộ giới, giao thông đi lại thuận lợi, các công trình kiến trúc hai bên được xây dựng có quy củ, đẹp. Một số khu đô thị mới hình thành với các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội xây dựng đồng bộ. Một số khu phố thương mại, dịch vụ buôn bán sầm uất. Nhìn bề ngoài, Thị xã đang chuyển mình. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức”. Chúng tôi lược trích một số nội dung đánh giá về thực trạng và chiến lược phát triển đô thị thị xã Tây Ninh của Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Thiềm và Kiến trúc sư Trịnh Ngọc Phương, Chủ tịch Hội KTS Tây Ninh, Giám đốc Sở Xây dựng Tây Ninh.
Thị xã Tây Ninh sẽ phát triển như thế nào?
Giao lộ 30 tháng 4 về đêm |
TS. KTS Nguyễn Thiềm nhận định: Theo thống kê (phục vụ Đại hội Đảng bộ Thị xã), dân số TX Tây Ninh năm 2005 là 124.482 người, năm 2010 là 127.878 người. Tốc độ tăng dân số trung bình trong 5 năm là 6/1.000 người/năm. Nếu con số đó đúng thì hằng năm dân số TX Tây Ninh di cư đến các khu vực khác ngang gần 1/2 mức tăng dân số tự nhiên của Thị xã trong 5 năm qua, TX Tây Ninh mới tạo thêm số việc làm chỉ gần bằng 1/2 số dân tăng tự nhiên.
Với số dân nội thị chưa tới 70.000 người vào năm 2009 có thể khẳng định TX Tây Ninh là 1 đô thị tỉnh lỵ mang tính chất hành chính là chủ yếu (với bộ máy hành chính 3 cấp gồm tỉnh, thị xã và các phường, xã). Hoạt động dịch vụ trong Thị xã tập trung chủ yếu phục vụ nhu cầu lao động và người phụ thuộc trong bộ máy công quyền. Tỷ lệ lao động trong ngành công nghiệp và dịch vụ liên vùng không đáng kể…
TS. KTS Nguyễn Thiềm cho rằng: Với các tính chất và quy mô dân số như trên không thể có kịch bản “chuyển hoá Thị xã từ một trung tâm dịch vụ của tỉnh với mức độ gia tăng dân số thấp, thiếu nguồn thu hút đầu tư trở thành một thành phố sôi động, xanh, phồn thịnh với bản sắc và hình ảnh đô thị đặc thù” như đề xuất của đơn vị tư vấn Hansen Partnership. Lý do chính là đồ án quy hoạch chưa đưa ra được các cơ sở để 1 đô thị với dân số nội thị khoảng gần 70.000 người và mật độ dân số 3.370 người/km2 có các hoạt động sôi động. Nên chấp nhận thị xã Tây Ninh là 1 đô thị hành chính – dịch vụ yên bình, có điều kiện sống tốt, mang tính xã hội và sinh thái cao. Đô thị sôi động nên hình thành tại khu vực phía Nam.
Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Tây Ninh có chủ trương di dời trung tâm hành chính tỉnh để phát triển trung tâm thương mại- dịch vụ tổng hợp. Về vấn đề này, TS. KTS Nguyễn Thiềm đặt vấn đề: Tại sao phải di dời trung tâm hành chính tỉnh? Có phải trung tâm Thị xã phát triển quá nén, tắc nghẽn giao thông quá lớn cần phải tạo ra một trung tâm hành chính mới nằm ngoài đô thị để giảm áp lực giao thông? Hay sẽ tạo một quần thể kiến trúc mới, một khu đô thị mới có tiềm năng nhằm tăng cường kiến trúc, tạo thêm một cực mới cho Thị xã? Hay vị trí hiện hữu có các vấn đề khác như môi trường, sạt lở đất đai… không thuận lợi cho môi trường làm việc? Nếu cần thiết để xây dựng một trung tâm thương mại- dịch vụ tổng hợp hiện đại cần phải trả lời: Có phải vị trí này là độc nhất vô nhị? Có phải Thị xã thiếu các khu đất để phát triển?
Nhà tư vấn Hansen Partnership đã đề xuất “đô thị xanh, sạch” nhằm “Thúc đẩy Thị xã thành một điểm thích hợp để thiết lập trường đại học và cơ sở đào tạo; một trung tâm trị liệu y tế và cơ sở y tế có thể thu hút vì môi trường xanh, sạch”. Theo TS. KTS Nguyễn Thiềm, thị xã Tây Ninh là đô thị tỉnh lỵ có dân số tăng chậm. Đây vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội để Thị xã tập trung được các nguồn lực để phát triển, cải tạo đô thị theo chiều sâu. Xanh, sạch chỉ là các yếu tố mang tính chất môi trường, sinh thái. Hình ảnh mới của đô thị nên tập trung vào một đô thị sống tốt. Các tiêu chí cho một đô thị sống tốt có thể là: Chính trị và quản lý Nhà nước công khai, minh bạch (an ninh, thực thi pháp luật, loại bỏ các tiêu cực trong các lĩnh vực hoạt động, trong đó có cả đất đai và xây dựng). Môi trường kinh tế trong đó ổn định việc làm. Môi trường văn hoá xã hội được cung cấp đầy đủ và có chất lượng. Môi trường y tế, giáo dục đa dạng có chiều sâu. Hạ tầng kỹ thuật hiện đại và đồng bộ. Dịch vụ đô thị và môi trường tự nhiên: xanh, sạch.
Thị xã về đêm |
Hiện trạng và quy hoạch giao thông thị xã
Kiến trúc sư Trịnh Ngọc Phương cho rằng, tại thị xã Tây Ninh hiện nay, hệ thống đường và bến bãi có các đặc điểm chính sau: Đường trong Thị xã có một nhược điểm chung là không đủ số làn xe cần thiết nên các loại phương tiện chạy lẫn lộn, dễ gây tai nạn. Đường chính có quá nhiều điểm giao cắt với các hẻm nhỏ. Phần lớn đường đều hẹp, các nút giao thông chủ yếu là giao cắt đồng mức, năng lực thông qua các nút thấp. Phương tiện giao thông công cộng còn kém phát triển khiến người dân chọn phương tiện xe 2 bánh là chủ yếu.
Tuy đã có hệ thống bến bãi phục vụ chuyên chở khách hàng, nhưng số lượng bến bãi chưa đáp ứng được nhu cầu và chưa được hợp lý, đặc biệt là xe hơi vì vậy nhu cầu xây dựng bãi đậu xe càng trở nên bức xúc. Hoạt động vận tải hành khách công cộng chỉ mới đáp ứng được khoảng 1,5% nhu cầu. Việc tổ chức và quản lý giao thông chưa mang tính đồng bộ, hệ thống giao thông chưa được bố trí và sử dụng hợp lý. Các dự án phát triển giao thông còn chậm hoặc không triển khai được vì còn quá nhiều vướng mắc về đất đai, đền bù giải toả và tổ chức tái định cư, nguồn vốn thiếu, chưa xây dựng được bộ máy nghiên cứu quản lý giao thông…
Quyết định 806A/2000/QĐ-UB ngày 9.10.2000 của UBND tỉnh Tây Ninh về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Tây Ninh đến năm 2010 còn có nhiều thiếu sót, bất cập (nhất là về giao thông), chưa dự báo định hướng tốt đến việc phát triển thị xã Tây Ninh thành đô thị loại III vào năm 2015 và sự gắn kết giữa tỉnh Tây Ninh với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà thị xã Tây Ninh là trung tâm của sự phát triển,
Trong quy hoạch, không quy hoạch đường vành đai cho Thị xã, giao cắt giữa các đường khu vực với đường chính nhiều, các đường trục chạy xuyên qua khu vực đông dân cư dễ xảy ra tai nạn. Không xác định lõi trung tâm Thị xã, nên cũng không có hệ thống giao thông nối liền giữa lõi trung tâm và các phân khu khác một cách thông thoáng. Ngoài ra, trong quy hoạch không để dành quỹ đất cho giao thông tĩnh: các bãi đậu xe ô tô, xe gắn máy. Không thiết kế những phố đi bộ chỉ để dành cho việc đi dạo thưởng ngoạn, mua sắm, ăn uống, không dự báo năng lực hoạt động của các tuyến xe buýt, xe công cộng… Chưa thiết kế hệ thống giao thông ngầm như: các đường ngầm dành cho người đi bộ hoặc xe đạp, đường xe điện ngầm nối các phân khu trong nội thị và nối nội thị với các huyện lân cận.
Hoạt động vận tải hành khách công cộng chỉ mới đáp ứng được khoảng 1,5% nhu cầu |
Tóm lại, trên bình diện tổng thể, việc đô thị hoá với sự tập trung dân cư đông đúc, mật độ cao, quy hoạch hệ thống giao thông thiếu đồng bộ như đã nêu trên của thị xã Tây Ninh, về lâu dài nếu không có sự điều chỉnh kịp thời sẽ dẫn đến sự rối rắm, hỗn loạn và dẫn đến bất lực trong việc kiểm soát quy hoạch không gian đô thị, cảnh quan kiến trúc và nếp sống đô thị cho người dân, quan trọng nhất là sự mất cân đối nghiêm trọng trong lĩnh vực giao thông.
KTS Trịnh Ngọc Phương đề xuất giải pháp tổ chức các khu chức năng trong khu ở mới của thị xã Tây Ninh theo hướng thuận lợi cho giao thông cơ giới và giao thông đi bộ, đa dạng và tiện lợi về các hoạt động chức năng cho sử dụng của người dân sống trong khu ở và cả khu vực lân cận. Môi trường ở đảm bảo trong lành với không gian mở cho các hoạt động nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, học hành, giao tiếp... có sự hài hoà và cân bằng giữa các chức năng ở, dịch vụ, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, buôn bán lẻ, làm việc.
ĐÌNH CHUNG