BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thị xã Trảng Bàng: Hơn 8.000 người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã nhận tiền hỗ trợ 

Cập nhật ngày: 04/06/2020 - 21:15

BTNO - Sau hơn một tháng triển khai thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tính đến cuối tháng 5.2020, thị xã Trảng Bàng đã chi 11,230 tỷ đồng cho 8.004 người bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Theo UBND thị xã Trảng Bàng, trên địa bàn thị xã có 8.074 người thuộc nhóm đối tượng 5, 6, 7 được Sở LĐTB&XH phê duyệt chi trả với tổng số tiền  11,358 tỷ đồng. Trong đó có 1.699 đối tượng thuộc nhóm 5 (người có công với cách mạng), với mức chi trả 2,539 tỷ đồng; 5.471 đối tượng thuộc nhóm 6 (đối tượng bảo trợ xã hội) 8,141 tỷ đồng; còn lại 904 đối tượng thuộc nhóm 7 (hộ nghèo, cận nghèo) đã được chi hỗ trợ với tổng số tiền 456 triệu đồng.

Trước đó, thị xã Trảng Bàng đã tạm ứng ngân sách địa phương để chi trả cho 3 nhóm đối tượng theo quy định từ đầu tháng 5.2020. Đây là một trong những địa phương sớm triển khai chi trả tiền hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Ông Hà Minh Dảo-Phó Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng cho biết, đến ngày 29.5, Trảng Bàng đã hoàn tất hỗ trợ 100% cho 3 nhóm đối tượng 5, 6, 7 theo Nghị quyết của Chính phủ. Đây là các đối tượng được quản lý bằng danh sách cụ thể, nên giải pháp được đưa ra là ưu tiên chi trả đảm bảo 100% cho người có công, sau đó đến các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo và cuối cùng là các đối tượng người lao động.

“Riêng nhóm đối tượng doanh nghiệp và người lao động có số lượng thống kê rất lớn, do đó sẽ được hỗ trợ sau, song vẫn đảm bảo nguyên tắc chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất”- ông Dảo nói.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng cho biết thêm, địa phương này sẽ tiếp tục chi gần 12,4 tỷ đồng cho các nhóm đối tượng doanh nghiệp và người lao động (nhóm 1, 2, 3, 4) bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Thống kê toàn thị xã Trảng Bàng có 7.731 người được hưởng mức chi hỗ trợ theo quy định. Trong đó, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ) từ 01 tháng trở lên (nhóm 1) là 5.827 người (mức chi hỗ trợ 1.800.000 đồng/người); nhóm 2 cho 54 hộ kinh doanh cá thể (1.000.000 đồng/hộ); 43 người thuộc nhóm 3 là người lao động bị chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, với mức chi 1.000.000 đồng/người.

UBND thị xã Trảng Bàng cũng sẽ chi hỗ trợ 1.000.000 đồng/người cho 1.807 đối tượng là người lao động không có giao kết HĐLĐ và mất việc thuộc nhóm 4, với tổng số tiền 1,807 tỷ đồng.

Riêng đối với đối tượng bán vé số lẻ,  UBND thị xã Trảng Bàng đã chi trả cho 863 đối tượng với số tiền là 776,7 triệu đồng. Trước đó, UBND thị xã đã đề nghị tạm ứng từ Công ty xổ số kiến thiết tỉnh là 819,9 triệu đồng để chi hỗ trợ cho 911 người (mức chi 900.000 đồng/người theo chỉ đạo của UBND tỉnh).

Hiện nhóm đối tượng này đang được xét lập hồ sơ cấp bù thêm 100.000 đồng/người theo quy định. “Đây là số chi thực tế so với đề nghị trước đó của địa phương. Nguyên nhân do các đối tượng đã đăng ký danh sách nhưng không đến nhận vì đã về địa phương để tránh đại dịch Covid-19”.

Đối với hộ kinh doanh dưới 100 triệu đồng, người lao động tự do làm các công việc khác như bán hàng rong, cắt tóc uốn tóc, bida, làm thuê trong lĩnh vực vui chơi giải trí, phụ nấu ăn… bị mất việc làm, địa phương này đang gặp khó khăn do không nằm trong danh mục và điều kiện được hỗ trợ theo quy định.

“Thực tế có rất nhiều người lao động thật sự khó khăn do dịch Covid-19, nhưng địa phương không thể đưa vào danh sách hỗ trợ do không thuộc ngành nghề quy định. Đối với người bán vé số lẻ, việc xác định hồ sơ cho những trường hợp này, buộc họ phải về địa phương nơi cư trú xác nhận vì phần lớn những người này đến từ nơi khác, hộ khẩu ở xa”- ông Dảo nói.

Khó khăn nhất hiện nay là điều kiện doanh nghiệp phải không có doanh thu hoặc không còn nguồn kinh phí dự phòng để trả lương người lao động. Tuy nhiên, đến nay Bộ LĐTB&XH, Bộ Tài chính chưa ban hành biểu báo cáo tài chính thống nhất để các địa phương hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện.

Tính tới thời điểm này, thị xã Trảng Bàng vẫn chưa nhận hồ sơ đề nghị vay vốn của các doanh nghiệp để trả lương ngừng việc cho người lao động, mặc dù các doanh nghiệp này đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc…

“Nhóm đối tượng 1, 2, 3, 4 được xác định là nhóm rất khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, UBND thị xã sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật, đối chiếu danh sách nhóm đối tượng này trình Sở LĐTB&XH xem xét, phê duyệt để chi trả đúng quy trình và thời gian quy định”.

Tâm Giang